Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Triển vọng sâm cau

Triển vọng sâm cau
Tác giả: Trần Hà
Ngày đăng: 05/05/2018

Là vùng đất ven biển, diện tích đất cao cạn lớn, lại nằm cuối nguồn nước tưới hồ Kẻ Gỗ, không chủ động được lượng nước tưới nên người dân thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh gặp khó khăn rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp.

Trồng sâm cau cho thu nhập cao

Từ năm 2017, nhờ sự linh hoạt của chính quyền thị trấn trong việc đưa cây dược liệu sâm cau vào trồng đã mang lại thu nhập cao, ổn định đời sống cho người dân nơi đây.

Sâm cau có tên khoa học là Curculigo orchioides hay còn gọi tiên mao, cồ nốc lan, ngải cau… có tác dụng chữa bệnh. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Philippines và Trung Quốc đã đưa loại cây này vào danh mục những vị thuốc.

Sâm cau làm ôn thận (thận ấm), trừ hàn thấp, cường tráng gân cốt, được dùng trong việc chủ trị yếu sinh lý, liệt dương, tiểu tiện không cần được, lưng, tay chân lạnh… Vì có nhiều công dụng chữa bệnh nên loại cây này bị khai thác rất nhiều và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Năm 1996, Việt Nam đưa sâm cau vào danh mục đỏ cần được bảo vệ.

Mở rộng vùng cây dược liệu là chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh nhằm khai thác tiềm năng đất đai, tạo sinh kế lâu dài cho người dân. Nhận thấy sâm cau là loài cây thích hợp với điều kiện đất đai khô hạn như ở Thiên Cầm, năm 2017, Cty TNHH Sơn Trung Du đã về khảo sát điều kiện tự nhiên cũng như thổ nhưỡng, khí hậu ở đây và quyết định ký hợp đồng SX với Tổ nông nghiệp Ánh Dương. Đây là cây dược liệu nên quá trình SX khác hơn so với những loại cây rau màu, cây lương thực khác. Trong suốt thời gian trồng, chăm sóc, thu hoạch phải theo quy trình nghiêm ngặt, không chỉ đảm bảo quy trình của Cty thu mua mà còn đảm bảo tiêu chuẩn về cây thuốc của Bộ Y tế quy định. Cty SX theo quy trình dược liệu sạch nên tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học… trong danh mục cấm và ưu tiên sử dụng phân hữu cơ sinh học, thuốc sinh học.

Chị Mai Thị Cẩm Vân, cán bộ kỹ thuật của Cty Sơn Trung Du cho biết: “Cty cung cấp giống cây sâm cau cho người dân và sau đó thu mua lại sản phẩm. Cây được trồng với khoảng cách 20x20cm, khi trồng cần bón lót phân chuồng hoai mục cho đất tơi xốp. Sau đó có thể bón thúc cho cây bằng phân chuồng hoai mục, nước giải hay đạm pha loãng (2%) mỗi tháng 1 lần, thường xuyên xới xáo, làm cỏ cho cây phát triển tốt. Ở đây bắt đầu trồng từ mùa xuân, sau 18 - 24 tháng là cho thu hoạch. Có thể thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu khi cây bắt đầu lụi lá. Bộ phận thu hoạch làm thuốc là thân rễ cây”.

Bà Nguyễn Thị Băng, một trong những hộ trồng cây sâm cau ở khối phố Trần Phú, thị trấn Thiên Cầm chia sẻ: “Trước đây, Tổ nông nghiệp Ánh Dương tưởng chừng không thể tiếp tục duy trì được nữa vì SX không hiệu quả. Nhưng nay nhờ trồng cây sâm cau có liên kết với Cty Sơn Trung Du mà tổ chúng tôi hoạt động hiệu quả hơn trước. Được tiếp thu kỹ thuật trồng và chăm sóc do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, đến nay hầu hết các hộ dân trong tổ đã thuần thục”.

Cũng theo bà Băng, cây sâm cau hiện đã cho thu hoạch lứa thứ nhất với năng suất đạt 30 tấn/ha, thu được gần 300 triệu đồng/ha. Kết quả cho thấy loại cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khó khăn, khắc nghiệt của thị trấn Thiên Cầm.


Có thể bạn quan tâm

Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen

Thời vụ trồng từ tháng 2, 3 dương lịch, thời gian thu hoạch tháng 6 - 7; năng suất bình quân 100kg/sào, giá bán bình quân 35.000 đồng/kg.

05/05/2018
Nông dân xứ rẫy tìm đầu ra cho nông sản Nông dân xứ rẫy tìm đầu ra cho nông sản

Ông Nguyễn Cao Miêng: Muốn “trả giá” với thương lái trước hết cần 2 chuyện là làm tốt HTX và cân đối các loại rau trong diện tích của địa phương”.

05/05/2018
Phụ nữ liên kết trồng nấm có thu nhập 5 triệu đồng/tháng Phụ nữ liên kết trồng nấm có thu nhập 5 triệu đồng/tháng

Mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng nấm đang được xem là nghề triển vọng, vừa khai thác tốt tiềm năng lợi thế tạo việc làm

05/05/2018