Trồng Ớt Trên Cát Trắng

Nhằm tìm ra những loại cây trồng thích nghi tốt với việc biến đổi khí hậu, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị và Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung phối hợp với huyện Hải Lăng, thực hiện dự án trồng cây ớt trên đất cát trắng ở xã Hải Quế. Sau hai năm thực hiện dự án, cái được lớn nhất là người nông dân đã chủ động, sáng tạo tìm ra những mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, linh hoạt, có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Tích ở thôn Kim Long cho biết: “Mấy đời nay không ai nghĩ đến chuyện trồng được cây ớt trên cát trắng. Nông dân chỉ quanh quẩn với mấy ha đất truyền thống trong thôn. Không có đất sản xuất, mỗi lần đi qua đồng cát ai cũng tỏ vẻ tiếc vì không biết làm cách nào để biến cát trắng thành đất sản xuất. Từ ngày trồng cây ớt theo mô hình biến đổi khí hậu và bền vững trên cát trắng, tôi thấy cây ớt cho năng suất rất cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn”.
Hiện tại, ở xã Hải Quế, bà con nông dân rất kết mô hình này vì cảm thấy an toàn và hiệu quả. Bà Trần Thị Lựu - Phó Chủ tịch xã Hải Quế - Trưởng Ban dự án Biến đổi khí hậu của xã, trăn trở: “Trước đến nay, một câu hỏi luôn đặt ra, biến đổi khí hậu như hạn hán trầm trọng, mưa lũ liên miên xảy ra làm cho đất canh tác nông nghiệp mỗi ngày mất đi một ít, trong khi đó dân số lại càng tăng thì lấy đất đâu ra sản xuất để nuôi sống con người. Chủ động cải tạo đồng đất hoang hoá bằng ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất bền vững là việc làm phải được quan tâm hàng đầu”.
Được sự giúp đỡ của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung, bà con nông dân của xã Hải Quế đã cải tạo đất cát trắng thành đất sản xuất màu mỡ để trồng cây ớt. Quy trình cải tạo đất trồng cây ớt gồm ba bước chính: tăng cường phân bón như phân chuồng, kali cho đất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và kịp thời phòng trừ, phát hiện sâu bệnh để có cách chữa trị hiệu quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế và canh tác bền vững.
Tại sao lại chọn cây ớt làm thực nghiệm mô hình, bà Lựu cho biết: Nhiều loại hoa màu có thể thích ứng với việc biến đổi khí hậu song ớt là loại cây trồng đặc biệt nhất, có khả năng cho hiệu quả kinh tế cao, chịu nóng, hạn tốt, dễ trồng, không kén đất và thích hợp với nhiều vùng sinh thái. Tiềm năng phát triển cây ớt ở Hải Quế nói riêng và huyện Hải Lăng là rất lớn.
Phát triển trên diện rộng
Theo bà Lựu, với việc tìm ra mô hình trồng cây ớt bền vững trên cát trắng thì sắp tới diện tích cây ớt ở Hải Quế sẽ được tăng lên rất lớn chứ không phải chỉ 15 ha như hiện nay. Ngoài cây ớt, trồng cây ném trên cát trắng cũng cho hiệu quả khá. Xã đang chủ động hướng đến cả hai mô hình trồng ớt và trồng ném trên đất cát trắng để không ngừng nâng cao diện tích và hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp.
Nông dân Nguyễn Lỵ cho biết: Muốn làm giàu từ cây ớt phải phát triển theo hướng canh tác bền vững, chống chọi được với khí hậu khắc nghiệt. Nếu như trước 2009 bà con ở Hải Quế trồng ớt theo cách truyền thống cho năng suất 70kg ớt bột khô/sào thì nay làm theo mô hình thích nghi biến đổi khí hậu ớt cho năng suất 100kg ớt bột/sào. Trồng ớt theo cách này có hiệu quả kinh tế, tận dụng được thời gian nhàn rỗi cho sản xuất nông nghiệp. |
Cũng theo ông Lỵ, cây ớt mỗi năm trồng được hai vụ. Vụ đông - xuân gieo hạt từ tháng 10 đến tháng 12, trồng vào tháng 1-2, thu hoạch từ tháng 4-5 đến tháng 6-7 năm sau. Ngoài ra, ở các bãi ven sông hoặc các vùng đất trống không trồng được lương thực, bà con nông dân có thể trồng ớt xuân - hè, gieo hạt từ tháng 2-3, trồng tháng 3-4, thu hoạch tháng 7-8. Hiện có hai giống ớt được thị trường ưa thích: ớt sừng bò và ớt chìa vôi (ở Quảng Trị nông dân trồng chủ yếu ớt chìa vôi). Giống ớt này có thời gian sinh trưởng từ 115-120 ngày, cây cao 40-45 cm có 4-5 cành, mỗi cây cho 40-45 quả.
Bà Trần Thị Lựu, cho biết: “Kết quả lớn nhất của mô hình này sau hai năm là đã tìm ra được cây trồng thích hợp. Người nông dân được nâng cao năng lực canh tác, kịp thời ứng phó với những bất thuận của thiên tai trong sản xuất nông nghiệp”.
Địa hình xã Hải Quế nằm ở vùng đất cát nội đồng và thấp trũng của huyện Hải Lăng. Toàn xã có 900 hộ với 4.350 nhân khẩu, thu nhập trung bình trên đầu người đạt 9,5 triệu đồng/người/năm. Nguồn thu nhập chính của người dân là trồng trọt và chăn nuôi. Nếu đưa vào sản xuất cây ớt đại trà trên diện rộng thì việc nâng thu nhập cho nông dân là không khó. Thực tế trồng cây ớt trên cát trắng hai năm qua cho thấy, dù đất cát trắng tinh song sử dụng phân bón, nhất là phân chuồng, bón nhiều lần và bón đúng liều lượng cũng như trồng đúng mật độ thích hợp sẽ giúp cây sinh trưởng tốt, quả to, hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm

“Giá lúa tươi tại ruộng được thương lái mua với giá 4.500 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với cách đây 2 tuần. Nhiều nông dân phải chịu cảnh thu hoạch lúa trong mưa dầm dữ dội cũng được an ủi phần nào”, lão nông Phạm Văn Nữa (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp) cho biết vào chiều 14-7.

Theo Kế hoạch của UBND TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), từ năm 2020 - 2030, thành phố sẽ thực hiện Dự án “Phát triển kinh tế địa phương gắn với du lịch”. Hiện nay, dự án mới được triển khai nhưng đã nhận được sự đồng lòng của người dân. Với nỗ lực của địa phương, cộng với lòng dân đồng thuận, dự án đang có nhiều thuận lợi để sớm hình thành, tạo bước phát triển mới cho địa phương.

Sau chuyến công tác tại Philippines tìm hiểu sâu về thị trường lúa gạo, GS.TS. Võ Tòng Xuân cho biết, hiện giá gạo trong tháng 6 ở Philippines đã tăng thêm 2-3 peso/ngày (1USD bằng 40 peso) và hiện nay, giá gạo 25% tấm đạt 27 peso (mức giá gạo do nhà nước bán ra), còn gạo của tư nhân nhập cảng thì thường bán với giá 37- 40 peso.

Vụ sản xuất dưa hấu sớm năm nay thời tiết khá thuận nên năng suất đạt khá cao, bình quân từ 26 tấn đến 30 tấn/ha. Tuy giá dưa thương phẩm đang ở mức thấp nhưng lợi nhuận thu được cũng từ 60 triệu đến 80 triệu đồng/ha chỉ sau 60 ngày gieo trồng và chăm sóc.

Do công suất nhà máy có hạn, trong khi người dân tập trung thu hoạch đồng loạt, nhất là những thời điểm dự báo thời tiết bất lợi như bão lũ nên nhà máy không thu mua hết số sắn thu hoạch được. Người dân bán cho tư thương để tiêu thụ ra ngoài địa phương khoảng 23.000 tấn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách địa phương.