Trồng Nhãn Xuồng Cơm Vàng Phát Triển Chất Lượng Theo Tiêu Chuẩn GAP
Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng trồng nhãn xuồng lâu đời, nông dân có nhiều kinh nghiệm, nhưng việc áp dụng kỹ thuật mới, xây dựng thương hiệu gắn liền với các tiêu chuẩn sản xuất an toàn chưa được thực hiện đồng bộ. Vì vậy, sức cạnh tranh của nhãn xuồng cơm vàng chưa cao và phần lớn sản phẩm chỉ tiêu thụ nội địa.
Nhãn xuồng cơm vàng (BR-VT) đang phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại được sản xuất theo quy trình thân thiện an toàn. Áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là yêu cầu tất yếu của người trồng nhãn. Trong ảnh: Kiểm tra nhãn trước thu hoạch tại HTX Nhân Tâm, huyện Xuyên Mộc.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV), diện tích trồng nhãn của tỉnh hiện có hơn 800ha, sản lượng hơn 8.000 tấn/năm, với 3 vùng trồng chính là các huyện Xuyên Mộc, Tân Thành và TP.Vũng Tàu. Hiện nay, một số vườn nhãn tiêu da bò đang có nhu cầu chuyển đổi sang giống nhãn xuồng cơm vàng.
Cây nhãn đang là cây ăn quả gắn bó với nhiều nhà vườn và đem lại thu nhập cao. Tuy nhiên, ngành sản xuất nhãn xuồng cơm vàng của tỉnh đang đứng trước những thách thức lớn như bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi hàng hóa của các nước và vùng lãnh thổ lân cận như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan.
Hầu hết các sản phẩm ngoại có chất lượng, được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, sản xuất thân thiện với môi trường - GAP) nên đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, nhãn xuồng của tỉnh chưa đáp ứng được tiêu chuẩn GAP.
Bà Nguyễn Thị Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV cho rằng, các nhà vườn cần cải tiến phương thức sản xuất và chất lượng để đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn của thị trường. Việc sản xuất chạy theo sản lượng và lợi nhuận trước mắt sẽ mất dần tính bền vững do sản phẩm không bảo đảm chất lượng và an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Do vậy, quy trình sản xuất cần được cải tiến. Theo đó, việc sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn GAP là hướng phát triển tất yếu, bởi nó tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn, giá cao và đây chính là hướng sản xuất hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.
Theo nhận định của Chi cục TT-BVTV, hiện nay BR-VT có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng vùng sản xuất nhãn xuồng theo tiêu chuẩn GAP: Có dòng nhãn xuồng cơm vàng đã được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép khu vực hóa các tỉnh phía Nam.
Sở NN-PTNT cũng đã công nhận 2 dòng nhãn xuồng của tỉnh là cây đầu dòng; những dòng nhãn này chính là vật liệu đầu vào cần thiết cho quy trình sản xuất theo GAP. Bên cạnh đó, nhãn hiệu tập thể “Nhãn xuồng cơm vàng BR-VT” đã được xây dựng là cơ sở để phát triển theo hướng bền vững. Trên địa bàn tỉnh cũng đã có HTX Nhân Tâm sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn GAP.
Theo ông Lê Văn Tường, xã viên HTX Nhân Tâm, khi nông dân canh tác, sản xuất theo quy trình GAP, bạn hàng hoàn toàn tin tưởng về nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, nông dân muốn tăng sản lượng để cung cấp cho thị trường vẫn gặp khó vì công suất bộ phận đóng gói của HTX chưa được mở rộng do thiếu mặt bằng.
Kết quả điều tra khảo sát của ngành nông nghiệp về hoạt động canh tác, sản xuất nhãn xuồng cơm vàng trên địa bàn tỉnh cho thấy, diện tích trồng nhãn nhỏ lẻ, manh mún, vệ sinh vườn khó thực hiện. Các nhà vườn trồng nhãn phần lớn chưa được tiếp cận cũng như hiểu rõ về những lợi ích sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP mang lại.
Trước thực trạng đó, Chi cục TT-BVTV đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển chất lượng nhãn xuồng theo tiêu chuẩn GAP: tập huấn kỹ thuật canh tác cho tất cả nhà vườn trồng nhãn trên địa bàn. Liên kết những hộ sản xuất nhỏ lẻ để xây dựng hệ thống dịch vụ tiêu thụ có khả năng liên kết tốt với nhà phân phối và thực hiện liên hoàn từ khâu canh tác đến tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Theo nhiều nhà vườn tại Long Mỹ (Hậu Giang), giá quít đường đang ở mức cao do bước vào vụ nghịch, nguồn cung khan hiếm. Thương lái thu mua tại vườn với giá từ 35.000-37.000 đồng/kg (tăng 3.000-5.000 đồng so với tháng trước), giá bán lẻ tại các chợ là 40.000-55.000 đồng/kg.
Do 2 năm liên tục bị lỗ, nên nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung sau khi thu hoạch xong đã phá bỏ ruộng mía để chuyển sang nuôi tôm, trồng bắp lai, khoai lang, ổi… Dự kiến vụ mía 2014-2015 sẽ có hơn 500ha mía bị phá bỏ. Theo kế hoạch đến năm 2020, huyện Cù Lao Dung sẽ giảm từ 8.215ha mía hiện nay xuống còn khoảng 4.000ha, bởi cây mía ngày càng kém hiệu quả.
Gần đây, được sự hỗ trợ vốn từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Dương, nhiều nông dân ở xã An Sơn, TX.Thuận An đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn không bùn cho giá trị kinh tế cao.
Thanh long được coi là cây xóa đói giảm nghèo và cũng là cây làm giàu của Bình Thuận. Những năm qua, cây thanh long đã mang lại kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh và cũng làm thay đổi diện mạo nhiều vùng đất đai kém màu mỡ ở đây. Từ hiệu quả trông thấy, cây thanh long đang tiếp tục được đầu tư phát triển trên vùng đất nắng gió này.
Hiện nay, môi trường nuôi trồng thủy sản tại một số vùng nuôi trong tỉnh Phú Yên không ổn định; độ mặn và độ kiềm trong nước rất thấp; ô nhiễm dinh dưỡng và ô nhiễm vi sinh cũng được phát hiện ở các vùng nuôi. Ngoài ra, bệnh tôm nuôi cũng tiếp tục diễn biến phức tạp tại các vùng nuôi thuộc huyện Tuy An…