Trồng Ngô, Đậu Tương Thay Cây Lúa Cầu Cao Nhưng Cung Ít
Trong khi giá lúa đang ở mức thấp khiến người trồng lúa không có lãi, thì các mặt hàng ngô (bắp), đậu tương (đậu nành) lại tiêu thụ khá tốt, giá cao vì nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mua để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Thực tế, Bộ NNPTNT đã khuyến khích sản xuất 2 loại cây này nhưng nhiều năm qua diện tích vẫn không tăng...
Nhu cầu lớn
Ông Phạm Đức Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) ở Đồng Nai cho biết, công ty ông có nhu cầu mua 10.000 tấn ngô mỗi tháng để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) nhưng không bao giờ có thể mua đủ số lượng theo yêu cầu. “Phòng thu mua của tôi đã làm việc hết công suất vẫn không mua đủ số lượng này. Trong khi đó, chỉ cần lên mạng đặt hàng, chưa đến một tuần, số lượng ngô này đã về đến công ty” - ông Bình nói.
Đây chính là thực trạng mà hầu hết các công ty sản xuất TACN gặp phải khi nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, và bắt buộc họ phải nhập từ nước ngoài.
Theo Hiệp hội TACN Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu TACN hàng năm về để chế biến của nước ta rất lớn và năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2009, giá trị nhập khẩu nguyên liệu TACN là khoảng 2 tỷ USD, thì năm 2012 đã tăng lên 3 tỷ USD với hơn 8 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu các mặt hàng này 5 tháng đầu năm 2013 cũng đang ở mức hơn 40%.
Hiện nguyên liệu sản xuất TACN được chia ra thành 3 nhóm. Nhóm năng lượng gồm bắp, mì, cám gạo, lúa mì, khoai mì lát. Nhóm thứ 2 là đạm như đậu nành, bột cá, bột thịt. Nhóm thứ 3 có khoáng và vitamin. Trong đó, các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như đậu tương, khô dầu, doanh nghiệp phải nhập 90 - 95%. Các chất khoáng, vitamin, tạo mùi, tỷ lệ nhập khẩu lên đến 100%. Nhóm sản phẩm năng lượng, trước đây Việt Nam tự chủ được sắn (khoai mì), cám gạo và bắp, nhưng hiện nay ngành chăn nuôi phải nhập từng kg sắn về chế biến TACN. Sắn trong nước sản xuất ra lại dùng để sản xuất ethanol, giá cao không còn phù hợp cho sản xuất TACN.
“Riêng ngô, sản lượng trong nước đáp ứng chưa tới 50% nhu cầu. Đậu nành còn thấp hơn, chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Thực trạng đó khiến chúng tôi có muốn mua nguyên liệu trong nước cũng không có mà mua” – ông Phạm Đức Bình than vãn.
Sản xuất nhỏ lẻ
Trong 8 triệu tấn nguyên liệu TACN được các DN nhập khẩu về năm 2012 thì ngô chiếm 1,6 triệu tấn. Hiện cả nước có khoảng 1,1 triệu ha trồng ngô với sản lượng năm 2012 đạt trên 4,8 triệu tấn. Để không phải nhập 1,6 triệu tấn ngô hàng năm nữa thì chúng ta còn cần phải trồng thêm 320.000ha (với năng suất bình quân 5 tấn/ha).
Riêng đậu nành, theo Hiệp hội TACN Việt Nam, năm 2012, cả nước nhập 3,3 triệu tấn khô đậu nành các loại về phục vụ cho nhu cầu sản xuất TACN. Đây là mặt hàng nông sản chiến lược mà Chính phủ đã ưu tiên nghiên cứu và khuyến khích các địa phương phát triển với mục tiêu đạt 400.000ha vào năm 2010.
Thế nhưng thực tế lại đi ngược lại khi diện tích đậu nành trồng ngày càng giảm. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trước năm 2010, đậu nành được trồng tại 28 tỉnh, thành phố với diện tích gần 200.000ha, đạt chưa tới 50% kế hoạch. Từ đó diện tích đậu nành bắt đầu tụt dốc không phanh, còn 180.000ha năm 2011 và đến cuối năm 2012 còn có hơn 120.000ha, giảm gần 1/2 so với năm 2010 và chỉ đạt 30% so với kế hoạch. Sản lượng đậu nành do đó chỉ còn khoảng 175.000 tấn, giảm gần 125.000 tấn so với năm 2011, đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu của cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, khó khăn của những vùng trồng đậu nành hiện nay là yếu tố giống (năng suất thấp) và tưới tiêu. Giá cả không ổn định, tập quán sản xuất nhỏ lẻ không theo quy hoạch nên chất lượng thấp và thiếu đồng bộ, trong khi giá cả vật tư ngày càng tăng làm tăng chi phí đầu tư. Khâu liên kết 4 nhà và tiêu thụ sản phẩm cũng chưa thực hiện tốt.
Lão nông Nguyễn Công Tám ở huyện Chợ Mới, An Giang cho biết, gia đình ông mấy năm trước có trồng 1 vụ đậu nành luân canh lúa nhưng giá cả rất bấp bênh, có năm trồng không có thương lái nào đến mua, trong khi chi phí đầu vào lại ngày một tăng nên gia đình chán, chuyển lại trồng lúa.
An Giang- một trong những tỉnh đi đầu trong việc phát triển trồng đậu nành ở ĐBSCL cũng có diện tích đậu nành giảm mạnh từ 2.500ha năm 2005 giảm dần qua các năm còn có 200ha năm 2012. Bà Phan Thị Yến Nhi - Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cho biết, diện tích trồng đậu nành của tỉnh giảm mạnh do giá cả bấp bênh và khâu thu hoạch còn quá cực công.
“Trong thời gian tới, muốn phát triển diện tích đậu nành trở lại, phải đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng thêm nhà máy chế biến và thu mua sản phẩm cho nông dân với giá hợp lý, tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ mua khô dầu đậu nành, không mua đậu nành hạt, gây khó khăn cho nông dân” – bà Nhi kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 24.9, tại TP Quy Nhơn, Sở NN&PTN đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) - tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn biển và phát triển bền vững vùng ven biển Việt Nam – tổ chức khai giảng lớp tập huấn về phương pháp quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái (EAFM).
Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng những lao động của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe đều được hưởng các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội giống như các công nhân sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp.
Mặc dù đã 62 tuổi, nhưng ông Nguyễn Ninh, ở thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) vẫn luôn hăng say lao động. Ông cho rằng, có lao động thì con người mới khỏe mạnh, vui vẻ được.
Bước sang tuần cuối tháng 9, giá rau xanh tại Hà Nội tăng giá mạnh, gấp hơn hai lần so với hồi đầu tháng.
Đánh giá của các hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho thấy, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên hầu hết các vườn trồng hồ tiêu phát triển khá tốt.