Trồng Nấm Nghề Mới Ở Quế Nham

Với mong muốn phát triển nghề trồng nấm, xã Quế Nham, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang tập trung xây dựng làng nghề, mở rộng phạm vi sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.
Từ một lớp dạy nghề
Theo con đường nhỏ chạy từ trung tâm xã, chúng tôi tới thăm mô hình trồng nấm của gia đình chị Nguyễn Thị Thoa, thôn Ba Làng. Nâng niu những bịch nấm đang trong kỳ thu hoạch, chị Thoa cho biết cách đây hai năm xã mở lớp dạy nghề trồng nấm, chị cùng người chị họ đăng ký theo học.
Từ những kỹ thuật được hướng dẫn, chị bắt tay vào làm nhưng chỉ ở phạm vi nhỏ vì đồng vốn hạn hẹp lại chưa có sự liên kết sản xuất. Giữa lúc đó, được huyện hỗ trợ, chị mạnh dạn tiếp nhận và đầu tư hơn 80 triệu đồng xây dựng lán trại rộng 300m2 và lò hấp khử trùng nguyên liệu trồng nấm. Hiện nay gia đình chị có 6.000 bịch nấm sò và nấm mộc nhĩ.
Áp dụng kiến thức được học, tuy chưa đạt năng suất chất lượng cao nhất nhưng bước đầu đã cho thấy nghề trồng nấm có thể phát triển ổn định và nhân rộng. Theo chị Thoa, tuy mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng diện tích và chi phí sản xuất không cần nhiều, năng suất và hiệu quả kinh tế khá nếu thực hiện tốt quy trình kỹ thuật. Theo giá thị trường thời điểm này mỗi cân nấm sò cũng bán được từ 25-30.000 đồng/kg cao hơn nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp, nếu vào thời điểm cận Tết thì giá cũng có thể cao hơn.
Triển vọng nhân rộng
Được huyện hỗ trợ mở dạy nghề trồng nấm cho lao động nông thôn, nhiều học viên ở Quế Nham đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, chị Phạm Thị Yến ở thôn 284 cũng là một trong những nhân tố tích cực trong phong trào phát triển nghề trồng nấm ở xã.
Hiện nay chị đã đầu tư xây dựng nhà xưởng và lò hấp để trồng nấm, với ba loại nấm chủ đạo là mộc nhĩ, nấm rơm và nấm sò. Nhờ vậy, gia đình chị đã có thu nhập bước đầu ổn định và bảo đảm đầu ra, hiện nay chị đầu tư trồng hơn 8.000 bịch nấm các loại, mỗi ngày đều có sản phẩm nấm tươi xuất bán.
Chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chị Yến cho biết: "Thời điểm bắt đầu lập đông chúng tôi tập trung trồng nấm sò và mộc nhĩ. Kỹ thuật không phức tạp nhưng điều quan trọng nhất là phải bảo đảm độ ẩm cho không gian nuôi trồng và cánh nấm. Bằng không thì người trồng có nguy cơ thất thu rất cao”.
Nấm sò có thể trồng quanh năm nhưng thuận lợi nhất từ tháng 9 năm trước tới tháng 4 năm sau, nhiệt độ thích hợp từ 20-24oC. Cần phải chú ý tới khâu xử lý nguyên liệu, hiện nay một số mô hình được đầu tư trang thiết bị hấp khử trùng, phương pháp này giúp hạn chế tỷ lệ nhiễm bệnh, đạt hiệu quả và năng suất cao. Xử lý nguyên liệu xong tiến hành cấy giống, ươm nuôi sợi nấm từ 25-30 ngày.
Khi bịch nấm phát triển đồng đều dùng dao rạch vỏ và tưới nước tạo ẩm nền, sau từ 4-6 ngày nấm bắt đầu có mầm quả thì tưới nước trực tiếp vào bịch nấm dưới dạng phun sương, một ngày tưới 3-5 lần. 1 tấn rơm rạ hoặc bông phế thải có thể thu được 6 -7 tạ nấm tươi. Đối với mộc nhĩ thời điểm trồng tốt nhất từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch. Quy trình kỹ thuật cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Nham thì xã hiện có hơn 20 hộ trồng nấm, trong đó có gần chục mô hình lớn như gia đình chị Thoa, chị Yến. Tuy là nghề mới nhưng nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Từ chỗ chỉ cung cấp nấm ăn nhỏ lẻ, đến nay sản phẩm nấm tươi của Quế Nham đã trở thành mặt hàng bán chạy tại TP Bắc Giang, các chợ lớn, nhà hàng trên địa bàn.
Theo đề án phát triển nghề sản xuất nấm của huyện, UBND huyện Tân Yên đang chỉ đạo phòng chuyên môn và xã Quế Nham xây dựng vùng sản xuất tập trung theo mô hình làng trồng nấm nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nông dân đã chú trọng đa dạng hoá các loài vật nuôi để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

Các ngân hàng cam kết xử lý, trả lời trong 4 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ. UBND tỉnh cũng đã công bố phân bổ cho 92/150 dự án đăng ký cùng với cam kết hỗ trợ lãi suất… Nhưng chưa có dự án nào được phê duyệt gửi đến ngân hàng nên không thể nào giải ngân được.

Năm 2012, các thôn Tân Bình 1, Tân Bình 2, Thanh Xuân 1 và Thanh Xuân 2 (xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) được chọn làm vùng quy hoạch để triển khai Dự án sản xuất chè VietGAP của tỉnh. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, đến nay, những khó khăn của dự án đã bắt đầu nảy sinh.

Theo kế hoạch, lịch gieo sạ lúa đại trà vụ đông xuân 2014 – 2015 bắt đầu từ ngày 25.12.2014 đến ngày 10.1.2015. Đối với chân ruộng trũng, chưa rút nước kịp thời thì gieo mạ để cấy và phải chấm dứt gieo cấy trước ngày 15.1.2015. Cơ cấu giống lúa tập trung ở các loại trung, ngắn ngày.

Ngày nay, xu hướng sản xuất theo hướng an toàn đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm. Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là những nguyên tắc được thiết lập nhằm bảo đảm một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và các khả năng nhiễm bẩn thực phẩm, an toàn cho người tiêu thụ.