Trang chủ / Trồng nấm / Nấm mèo

Trồng nấm mèo trong nhà

Trồng nấm mèo trong nhà
Tác giả: Lê Hoàng - TTKN Cần Thơ
Ngày đăng: 29/09/2016

Nấm mèo tên khoa học Auricularia polytricha Sacc, họ Auriculariaceae còn gọi là nấm mộc nhĩ đen. Đây là loại nấm ăn được có giá trị bổ dưỡng rất cao, có nhiều hoạt chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp giải độc và làm giảm sự lão hóa.

Nấm mèo là loại nấm mọc trên thân, cành gỗ mục. Tai nấm giống như tai người, mặt trên nhẵn màu nâu sẫm, mặt dưới có màu nâu nhạt, có lông mịn.

Nấm mèo dùng làm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khá cao, khoảng 8 -10 kg nấm tươi thu được 1 kg nấm khô. Về đặc điểm sinh học, nấm mèo thích hợp nhiệt độ không khí từ 25 - 32 độ C. Nhiệt độ trên 35 độ C hoặc dưới 15 độ C nấm mèo phát triển kém và cho năng suất thấp.

Ẩm độ: Cơ chất (trong bịch phôi) 60 - 65%; ẩm độ không khí trong nhà trồng nấm 90 - 95%. Độ pH có thể phát triển ở pH từ 4 - 12. Môi trường nuôi trồng thích hợp cho nấm mèo ở giai đoạn ươm tơ môi trường axit yếu phát triển từ 6,0 - 6,5; khi ra quả thể pH từ 6,5 - 7,5.

Ánh sáng: Giai đoạn ủ sợi cần ánh sáng khuếch tán, giai đoạn ra quả thể cần nhiều ánh sáng hơn để kích thích tai nấm phát triển.

Ở vùng ĐBSCL khí hậu nhiệt đới, phân chia hai mùa nắng mưa rõ rệt, nhiệt độ giữa ngày và đêm không thay đổi nhiều. Do đó việc nuôi trồng nấm có thể chủ động trồng quanh năm. Để đạt kết quả tốt trong việc trồng nấm mèo cần chú ý:

Giống: Tốt đảm bảo chất lượng và phát triển tơ đồng đều ở trong bịch phôi và ở tất cả các bịch phôi trong một lứa trồng.

Thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình kỹ thuật nuôi trồng; đảm bảo vệ sinh môi trường, điều kiện thiết yếu cho nấm phát triển tốt.

Kỹ thuật chăm sóc: Thực hiện đúng quy trình theo mô hình công nghệ hiện đại, đảm bảo cho ra nấm sạch, năng suất cao, không nhiễm bệnh và giàu dinh dưỡng.

Phôi giống: Nguyên liệu sau khi qua xử lý, ủ chín, phối trộn chất dinh dưỡng, vô bịch, hấp tiệt trùng, cấy meo giống ( phôi nấm). Sau 20 - 25 ngày tơ nấm mọc đầy bịch phôi, lúc này bịch phôi được đem ra nhà nấm chăm sóc thu hái nấm khi tai nấm nở hoàn toàn (mặt trên tai nấm khô bóng).

Thực hiện nhà trồng: Vật liệu làm nhà trồng nấm bằng tre, lá, lưới và tốt nhất nên đầu tư nhà lưới, nilon sẽ hạn chế nấm tạp gây thiệt hại ở các vụ sau. Nhà trồng nấm phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng khí, thoát nước và giữ được độ ẩm. Sàn nhà đổ cát, hoặc sàn xi măng dễ giữ ẩm độ, và hạn chế côn trùng gây hại giúp cho nấm phát triển tốt.

Cách xếp các bịch phôi: Bịch phôi nấm có thể xếp đặt trên các kệ hoặc treo, tốt nhất bố trí mỗi dây 6 bịch phôi, cách nhau 20 - 30 cm, mỗi m2 treo trung bình 80 - 100 bịch phôi. Dàn treo thành từng xâu 6 bịch, chiều cao không nên quá 1,6m , để dễ quan sát và chăm sóc; chiều dài tùy theo nhà trồng. Mỗi khối chừa các lối đi để tiện chăm sóc và thu hái.

Trước khi đưa nấm vào nhà nuôi trồng ta cần khử trùng nhà nấm bằng vôi bột cứ 100 gr vôi bột/1 m2 rải đều xung quanh nền nhà nấm. Sau khi chuẩn bị xong nhà trồng nấm ta tiến hành đưa bịch phôi nấm vào chăm sóc.

Mô hình nhà trồng nấm: Cột bê tông, giàn treo bằng thép ống, sàn xi măng. Nhà trồng nấm (6 x 6 m) 36 m2 có hệ thống tưới và làm mát có thể thực hiện theo điều kiện hiện có, sau cho thuận lợi tiết kiệm chi phí. Chi phí cho hệ thống tưới khoảng 500.000 đ/nhà.

Tổng chi phí thực hiện nhà trồng nấm 36 m2 diện tích sử dụng 30 m2 (treo được 3.000 bịch phôi); chi phí đầu từ 12 - 15 triệu đồng.

Lưu ý: Dù làm nhiều hay ít chúng ta đều phải mua một Moteur bơm nước để chủ động tưới.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Nấm Mèo Trắng Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Trồng Nấm Mèo Trắng Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Mô hình trồng nấm gồm nhiều công đoạn như: làm lán trại, cho mạt cưa mới vào bịch, hấp lò áp suất, cấy meo, ủ kín, khi meo chạy tơ đều thì treo lên, dùng bình nước phung sương tưới 15 ngày

26/01/2011
Nấm Mèo (Mộc Nhĩ) Nấm Mèo (Mộc Nhĩ)

Nấm mèo (còn được gọi là mộc nhĩ) thường mọc trên cây gỗ mục ẩm ướt, hình nấm giống tai người, vì vậy gọi là mộc nhĩ (tai của gỗ). Cần chọn nấm mèo mọc trên các loại cây gỗ mục không độc như cây dâu, hòe, sung, mít, so đũa... Nếu không biết chọn, hái nấm trên cây lạ, có độc tính cao, ăn vào sẽ gây ngộ độc chết người.

26/01/2011
Kỹ Thuật Trồng Nấm Mèo Kỹ Thuật Trồng Nấm Mèo

Nấm mèo tai mỏng (Auricularia auricula Judal schrot) là loại nấm có nhớt, màu nâu hoặc đen, hai mặt trên dưới đều nhẵn (không có lông tơ), khi nấu chín thì mềm nhũn ăn bở.

23/12/2012