Trồng Mía Giải Khát Thận Trọng Khi Đầu Tư
Vài năm trở lại đây, trong khi người trồng mía đường chật vật vì giá thấp thì nghề trồng mía giải khát lại “sống khỏe”.
Ở Diên Khánh - vùng trồng cây mía giải khát lớn nhất tỉnh Khánh Hòa - trong những ngày nắng hạn này, nông dân rất phấn khởi bởi mía bán được giá. Ông Lê Chơn (xã Diên Lâm) hồ hởi: “Tôi vừa bán 5 sào (5.000m2) mía tuần trước được 9,5 triệu đồng, so với giá mía đường hiện nay lãi gấp 3 lần nhưng thương lái vẫn hỏi mua vì đang hút hàng…”.
Ông Chơn cho biết, trước đây ông trồng mía đường nhưng được vài vụ phải phá bỏ vì tiêu thụ khó, giá thấp, do xã Diên Lâm không phải là trọng điểm mía đường nên việc vận chuyển, thu gom không thuận lợi.
3 năm trở lại đây, ông Ngô Phán (Phước Tuy 2, Diên Phước, Diên Khánh) đã chuyển đổi đất lập vườn sang trồng mía giải khát bởi lợi nhuận hấp dẫn. Ông Phán vừa bán ruộng mía rộng 2.000m2 được 15 triệu đồng. Theo ông, trồng mía giải khát có lãi gấp 2 - 3 lần mía đường nhưng việc chăm sóc, đầu tư cũng như nhau.
Điều quan trọng nhất của việc trồng mía giải khát là phải có nước tưới nếu không mía sẽ hình thành mắt rất nhanh, dễ bị sâu bệnh tấn công, đốt mía bị đỏ, nước ép sẽ không đạt chất lượng.
Được biết, vùng trồng mía giải khát trong tỉnh chủ yếu tại huyện Diên Khánh, khoảng 100ha, tập trung tại các xã: Diên Lâm, Diên Phước, Diên Thọ… Ngoài ra, huyện Khánh Vĩnh (xã Khánh Đông), thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh cũng có nhưng diện tích rất ít.
Đất trồng đòi hỏi thổ nhưỡng thích hợp, nông dân có kinh nghiệm và nguồn nước bơm tưới ổn định. Vụ mía bắt đầu từ tháng 7, 8 âm lịch khi trời bắt đầu có mưa, đến khoảng tháng 4, 5 âm lịch năm sau là vào vụ thu hoạch. Theo một số nông dân, bình quân mía tơ đầu tư khoảng 3,5 triệu đồng/sào, thu lãi 10 - 15 triệu đồng, mía gốc đầu tư khoảng 2 triệu đồng/sào, thu lãi 8 triệu đồng.
Mía giải khát hiện đang độc canh 1 giống là ROC 16. Cây mía giống này cho nước ép ngọt thanh, thơm, màu vàng, trong, không đục. Nếu sử dụng các giống mía đường, nước ép bị đục và phấn bám vào nước ép.
Ông Trần Quốc Tuấn, một người mua mía giải khát tại Diên Phước cho biết, thời gian này, mỗi ngày ông thu gom khoảng 600 bó mía (tương đương 2 sào) cung cấp cho các khu du lịch và các điểm bán nước mía trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Ông Tuấn cho rằng, trồng mía giải khát tuy hấp dẫn bởi lợi nhuận cao, mùa hè bán rất tốt, hút hàng nhưng mùa mưa thì sút giảm, đặc biệt là khi tiết trời trở lạnh.
Một thương lái khác là ông Nguyễn Đức Sơn (xã Diên Hòa) chia sẻ, từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, nguồn cung chủ yếu từ Khánh Hòa. Sau tháng 5, nguồn cung chủ yếu từ các tỉnh khác như: Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi…
Theo ông Sơn, nông dân muốn phát triển diện tích mía giải khát cần thận trọng bởi đầu ra gần như bão hòa, nguồn cung đã ổn định. Hiện mỗi ngày ông Sơn cung cấp 4,5 tấn mía cho các khu du lịch, trung tâm thương mại trong tỉnh như: Suối Thạch Lâm, Nha Trang Center và thị trường ngoài tỉnh.
Trồng mía giải khát là một lối rẽ hấp dẫn trong ngành sản xuất mía, nhưng những ai thực tâm muốn đầu tư vào loại cây này cần xem xét thận trọng trước khi quyết định.
Giống mía ROC 16 được đưa vào sản xuất đã lâu, nay đang đứng trước nguy cơ thoái hóa, thường xuyên bị bệnh than làm cho cây nhỏ, cao, nông dân thường gọi là bệnh cây sặc, cây sậy, giảm chất lượng, năng suất. Nông dân trồng mía lấy nước mong cơ quan chức năng phục tráng lại giống này hoặc tìm kiếm một giống khác thay thế.
Có thể bạn quan tâm
Vùng biển Việt Nam có 39 loài sinh vật có chứa chất độc có khả năng gây chết người. Trong đó có 22 loài cá, 1 loài mực tuộc, 2 loài ốc, 3 loài cua, 1 loài sam và 10 loài rắn biển.
Các nghề lưới kéo đơn công suất trên 90CV lãi từ 100 đến 120 triệu đồng chuyến đi biển, nghề lưới kéo đôi công suất 90-400 CV cũng lãi từ 50 triệu đồng chuyến biển 20-30 ngày.
Ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) không những nổi tiếng về khai thác hải sâm ở vùng biển Hoàng Sa, mà hiện nay, nhiều người còn kiếm bạc tỷ nhờ nuôi tôm hùm lồng xuất khẩu.
Đến ngày 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.
Đến cuối tháng 4-2014, nông dân các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nông Cống (Thanh Hóa)... đã thả 230 triệu con giống tôm sú xuống 3.923 ha ao nuôi, đạt 100% kế hoạch.