Trồng mãng cầu gai trên gốc bình bát thích ứng phèn, mặn
Tại xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng mô hình trồng mãng cầu gai ghép gốc cây bình bát đang được nông dân tin tưởng trồng nhiều. Bởi ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây trồng này còn có lợi thế thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, đặc biệt tình trạng mặn xâm nhập.
Người tiên phong trong phong trào trồng mãng cầu gai tháp trên gốc bình bát tại xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm là ông Lê Văn Vui. Ông Vui cho biết, ông đã gắn bó với cây trồng này gần 10 năm nay, cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao và rất ổn định. Những năm gần đây, ông đã phát triển lên hơn 2 ha diện tích đất trồng cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát, thu về từ vài trăm triệu đồng mỗi năm.
“Hồi mới trồng vào năm 2006 thì thu nhập khoảng vài chục triệu. Từ 2014, 2015 và 2016 thì diện tích tăng lên một năm tôi thu nhập từ cây mãng cầu hơn 600 triệu,” ông Vui nói.
Theo ông Vui cùng nhiều bà con chọn trồng cây mãng cầu gai tháp gốc bình bát thì đây là cây trồng rất thích hợp đối với vùng đất trũng, nhiễm phèn, đặc biệt là bị mặn xâm nhập như thị xã Ngã Năm nói chung và xã Vĩnh Quới nói riêng. Bên cạnh đó, cây cho trái khá tốt, tuổi thọ lại sống rất lâu, có thể lên đến 40 năm.
Riêng về thị trường tiêu thụ, những năm qua, đầu ra trái mãng cầu gai khá rộng và ổn định. Thương lái trong và ngoài địa phương vào thu mua tận vườn, sau đó được chở về các tỉnh, thành phố lớn để tiêu thụ. Nhiều năm trở lại đây, giá thị trường trái mãng cầu gai luôn ở mức cao và không bị dao động nhiều. Trong thời điểm hút hàng, mãng cầu có giá lên đến gần 30 nghìn đồng/kg, trong khi lúc giá xuống thấp nhất bà con cũng bán được ở mức 16.000 đồng/kg.
Ông Dương Phương Hà, hộ chọn trồng cây mãng cầu gai tháp gốc bình bát ở ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã năm, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Cây mãng cầu ghép bình bát này thì nước ngập cũng không chết, còn nắng hạn thì lâu lâu tới nước một lần, còn mặn thì không sợ vì gốc là bình bát mà”.
Từ khẳng định hiệu quả kinh tế, nhiều nhà vườn tại địa phương cũng mạnh dạn phá các vườn tạp, đất sản xuất không hiệu quả để chuyển sang đầu tư trồng cây mãng cầu gai tháp gốc bình bát. Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, hiện diện tích trồng mãng cầu gai của toàn thị xã Ngã Năm vào khoảng 50 ha; trong đó riêng tại xã Vĩnh Quới là khoảng 40 ha.
Trong quy hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp sắp tới, thị xã Ngã Năm sẽ ưu tiên phát triển cây trồng này để thích ứng với hạn, mặn như hiện nay. Bên cạnh đó, để đảm bảo thị trường đầu ra ổn định, bền vững lâu dài, mang lại lợi nhuận cho người trồng, địa phương cũng đang xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp vào bao tiêu, thu mua sản phẩm. Mặt khác là khuyến khích bà con thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường đầu ra sản phẩm.
Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm cho biết, hiện tại thì đã thành lập tổ hợp tác trồng mãng cầu và theo sự chỉ đạo của Thị ủy – UBND thị xã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì UBND xã cũng tiến hành vận động nhân dân thành lập hợp tác xã; khi vô hợp tác xã người dân được nhiều lợi như về hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật và sản phẩm được bao tiêu ổn định.
Hiệu quả kinh tế cùng với lợi thế là cây trồng thích nghi với phèn, mặn đã làm cho người dân tin tưởng khi chọn loại cây trồng này. Mô hình trồng cây mãng cầu gai tháp gốc bình bát ở thị xã Ngã Năm sẽ là cơ hội để bà con giải quyết bài toán chọn lựa cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Bộ NNPTNT vừa đưa ra một số giải pháp hướng dẫn chuyển đổi cây trồng nhằm chống hạn ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Giá củ mì tươi (sắn) trong thời gian khá dài duy trì ở mức 2.400-2.600 đồng/kg, nay giảm còn 1.500- 1600 đồng/kg khiến nhiều nông dân đã và đang đổ xô trồng loại cây này chới với.
Cây thanh long ruột đỏ đã được nông dân tại 2 xã Nhị Hà (Thuận Nam) và Mỹ Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) trồng thử nghiệm. So với một số giống thanh long khác, thanh long ruột đỏ có trọng lượng, chất lượng và giá cả cao hơn. Trong điều kiện nắng hạn như hiện nay, cây thanh long ruột đỏ càng thích hợp với điều kiện khí hậu nơi đây.