Giá mì quay đầu giảm
* Diện tích mì tăng gấp đôi
Chúng tôi đến vùng chuyên canh cây mì ở ấp Đông Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu (Tây Ninh) trong cái nắng hạn gay gắt của tháng 3. Đây là khu vực có diện tích trồng mì lớn nhất xã với gần 900 ha nằm sát cửa khẩu Kà Tum, Campuchia.
Đây là thời điểm đang thu hoạch rộ củ mì nhưng hầu hết người trồng mì đều lắc đầu vì không chỉ giá mì giảm mà còn bị ế. Ông Trần Min, trồng 12 ha mì than thở: “Tháng 7/2015 thấy giá mì cao lại ổn định ở mức 2.300 đồng/kg trở lên, tôi liền vay ngân hàng 100 triệu đồng thuê 5 ha đất với giá 25 triệu đồng/ha/năm để trồng.
Nay thương lái đến tận ruộng mua có 1.450 đồng/kg củ mì. Ước tính năng suất 30 tấn/ha thì lỗ do còn phải trả tiền thuê đất. Hiện tui còn 4 ha mì non 6- 7 tháng tuổi, mọi năm bán mão cũng được 70-80 triệu/ha, nay kêu bán 50 triệu/ha thương lái không ai mua”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan vừa thu hoạch 2 ha mì trồng trên đất mía cho biết, tháng 6/2015, bà phá 2 ha mía gốc để trồng giống mì cao sản KM419, còn gọi là giống mì siêu bột đạt 33 tấn/ha. Ngày 10/3/2016 bà kêu thương lái đến bán.
“Họ trả tui giá 1.400 đồng/kg, tui bảo trước tết giá 2.300 đồng mà bây giờ vì sao lại giảm nhiều vậy? Thương lái bảo nhà máy đưa giá bao nhiêu thì mua bấy nhiêu. Tui không tin đem mì bán trực tiếp cho nhà máy mì ở huyện thì họ mua giá 1.600 đồng/kg với điều kiện 30% tinh bột, còn mì của tui qua thử chữ bột, họ tính có 22%, cứ mất 1% là họ trừ 80 đồng/kg. Tính ra giá mì khoảng 1.500 đồng. Bình quân 1 ha sau khi trừ 40% chi phí giống, phân bón, chăm sóc, tui hòa vốn sau 8 tháng trồng”, bà Lan nói.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đông cho biết, diện tích trồng mì toàn xã là hơn 1.600 ha, trong đó chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2015 đã tăng gần 90 ha.
Đưa củ mì lên xe bán cho nhà máy chế biến
Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, diện tích đất lúa ở Tây Ninh là 81.000 ha. Trng khi đó, nhà nước định hướng phát triển trồng mì chỉ có 20.000 - 25.000 ha. Thế nhưng diện tích cây mì ở đây hiện đạt đến con số hơn 45.000 ha, trong đó có khoảng 10.000 ha đất lúa được chuyển sang trồng mì do giá mì thời gian qua quá hấp dẫn.
Do thời gian qua mì được giá, 1 ha lãi không dưới 40 triệu/ha chỉ trong vòng 9 tháng, nên người ta đua nhau phá mía, cao su 2-3 năm tuổi, thậm chí cả chân ruộng nước cũng trồng mì. Vì vậy phần lớn đất không thích hợp với cây mì, tuy đạt năng suất từ 30 tấn/ha trở lên nhưng chữ bột lại “yếu”, bình quân 22-24%, nên gặp thời điểm giá bất lợi lập tức nhiều người trồng mì lỗ nặng”.
Theo ông Lê Việt, chủ cơ sở chế biến mì Trung Việt, một DN tư nhân thu mua sản lượng mì khá lớn trên địa bàn huyện Tân Châu, giá mì nguyên liệu thời gian gần đây có chiều hướng giảm là do hàm lượng tinh bột trong củ mì tươi của bà con nông dân hiện không cao như trước nữa, hầu hết chỉ đạt trên dưới 20%.
Nguyên nhân chính là do đổ xô trồng mì, cứ nghe ở đâu quảng cáo giống mì cao sản, “siêu tinh bột” là đưa về trồng, nhưng thực tế tinh bột lại không đạt. Mặt khác, gần đây nhiều diện tích trồng mì bị mối, vàng lá, chổi rồng phá hại cũng làm giảm năng suất và chất lượng tinh bột. Theo Chi cục BVTV, tại huyện Tân Châu từ đầu mùa khô đến nay đã có 2.000 ha mì bị mối cắn phá.
“Mỗi ngày cơ sở chế biến khoảng 200 tấn củ mì tươi cho ra 50 tấn bột thành phẩm (4kg mì tươi sẽ cho ra 1kg bột mì). Chúng tôi đang mua mì tươi với 3 mức giá tại nơi chế biến gồm mì chàm lượng tinh bột đạt 30% giá 1.500 đồng/kg; mì có hàm lượng tinh bột 25% giá 1.350 đồng; hàm lượng tinh bột 20% giá 1.100 đồng/kg. Rõ ràng với mức giá này thì giảm khoảng 30% so với thời điểm đầu năm 2016”, ông Việt nói.
Vẫn theo ông Việt, hiện nay có thực tế là việc xuất khẩu tinh bột mì sang Trung Quốc đang gặp khó khăn, đồng thời giá tinh bột mì trên thị trường thế giới cũng có xu hướng giảm. Ngoài ra, có một thực tế là gần đây phía Trung Quốc đang siết chặt một số lô hàng tại các cửa khẩu, phát hiện chất lượng bột mì của một số DN trong nước không đúng như thỏa thuận của hợp đồng nên họ ách lại không chịu cho nhập khẩu hoặc yêu cầu chúng ta giảm giá.
Có thể bạn quan tâm
Hội ND tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức hội nghị “Ứng phó với hạn hán bằng công nghệ tưới nước tiết kiệm, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả” và đánh giá dự án “Tưới nước tiết kiệm” do Hội ND tỉnh này phối hợp tổ chức phi chính phủ iDE triển khai.
Xung quanh việc thương lái (TL) và doanh nghiệp (DN) tranh nhau thu mua lúa mà Dân Việt đã phản ánh, hôm qua phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS Bùi Chí Bửu – nguyên Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ NNPTNT vừa đưa ra một số giải pháp hướng dẫn chuyển đổi cây trồng nhằm chống hạn ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.