Trồng Hoa Nghề Mới Cho Nông Dân Pom Lót
Gia đình chị Nguyễn Thị Luyện, đội 3 xã Pom Lót, huyện Điện Biên trồng hoa được 5 năm. Chị tâm sự: Trồng hoa không đơn thuần như trồng rau màu, bởi với cây rau, chỉ cần làm đất, bón phân, gieo giống là đã chắc ăn tới 60 - 70% rồi. Nhưng trồng hoa thì khác, đòi hỏi sự công phu và còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết.
Còn nhớ hồi mới bước vào nghề, gia đình chị đã không tránh khỏi thất bại. Với trên 2.000m2 nhưng ở hai thửa đất khác nhau, chị trồng các loại hồng Pháp: hồng phấn, hồng song hỷ, hồng nhung, hồng tỷ muội, hồng cà rốt... Nhưng mỗi vườn hoa mắc mỗi loại bệnh, vườn thì bệnh phấn trắng, vườn lại bệnh đốm đen rụng lá, chỉ trong một thời gian ngắn, lá sém đen, rụng đầy gốc, cây chết dần, bao công sức đã tiêu tan.
Phá đi, mua giống trồng lại, vẫn bệnh cũ hoa lại hỏng cả vườn. Lúc bấy giờ xã chẳng có ai trồng hoa mà hỏi kinh nghiệm. Gia đình phải bỏ cả việc cày cấy lặn lội mãi tận tận làng hoa Mê Linh (Vĩnh Phúc) học hỏi kinh nghiệm trị bệnh cho hoa.
Hoa bị bệnh gì, phun thuốc loại nào? Cách hãm hoa nở đúng các dịp lễ, tết... đều được chị áp dụng kinh nghiệm học hỏi được cho vườn hoa của mình. Được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên mỗi dịp: Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Và đặc biệt ngày tết cổ truyền của dân tộc, lúc nào gia đình chị cũng đáp ứng lượng hoa lớn đem ra thị trường. Đa dạng các loại hoa, hiện gia đình chị Luyện còn đầu tư thêm 500m2 trồng gần 10 loại cúc khác nhau và các loại cây, cỏ: măng tây, thạch thảo, cỏ tía, cau, ngô đồng dùng trang trí hoa; đáp ứng nhu cầu của khách hàng dùng hoa cho tiệc cưới, hoa hội nghị...
Mỗi năm, trừ chi phí gia đình chị Luyện cũng có trên 100 triệu đồng. Trồng hoa hồng ít phải đầu tư tiền giống, mỗi gốc hồng chăm bón tốt, đúng quy trình kỹ thuật thì 5 - 7 năm sau mới phải thay giống. Hồng Pháp có đặc tính: hoa to đều, tươi lâu và thân không có gai như các loại hồng khác. Những dịp lễ, tết gia đình bán buôn dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/bông. Hoa cúc cành to đẹp giá cũng tương đương với hoa hồng.
Trồng hoa cúc, chi phí tiền giống tương đối lớn, bởi mỗi cây ra một hoa, nên hết vụ phải nhổ gốc cũ, mua giống trồng mới. Giống hoa đều phải nhập ở làng hoa Mê Linh (Vĩnh Phúc) qua quá trình vận chuyển dài, nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây; chị Luyện cho biết thêm. Hoa cúc có những ưu điểm như: tiết kiệm được diện tích canh tác; 100m2 có thể trồng trên 3.000 cây; hoa tươi lâu từ 7 - 10 ngày, nên hiện nay hoa cúc rất được thị trường ưa chuộng.
Chị Luyện cho biết: Yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cây hoa. Đợt mưa trái vụ trong năm 2012, gia đình chị cũng bị thiệt hại tương đối lớn. Nhiều diện tích trồng cúc bị cháy lá, chết. Nên gia đình chị đã phải phá bỏ, trồng mới để kịp lứa hoa bán tết.
Ngoài những hộ trồng hoa với diện tích nhỏ lẻ, hiện đội 3, xã Pom Lót đã có nhiều gia đình đầu tư trồng hoa tập trung như gia đình anh Đặng Văn Lâm. Hiện gia đình anh trồng trên 2.000m2 hoa hồng, cúc các loại. Để chuẩn bị hoa tươi cho thị trường tết, gia đình anh có trên 2 vạn bông cúc, chưa kể hoa hồng.
Có thể nói, nghề trồng hoa đang là nghề mới mang lại thu nhập cho nông dân Pom Lót, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ.
Có thể bạn quan tâm
Trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang xảy ra tình trạng một số thương lái lợi dụng hiện tượng tôm chết ép giá thu mua, gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, các cấp chính quyền vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá các loại thịt, thực phẩm trong cả nước đang giảm mạnh. Nếu không sớm cải thiện tình hình, nguy cơ đứt nguồn cung và giá thực phẩm lên đỉnh như năm 2011 sẽ tái diễn.
“Đầu tư phân bón cho nông dân trồng mía” là một trong những chương trình mới vừa được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) thực hiện thí điểm tại vùng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Bước đầu, người dân thấy được sự hiệu quả, thiết thực từ chương trình mang lại.
Hơn nửa tháng nay, hàng trăm hộ nông dân ở xã Nam Dong, huyện Cư Giút, tỉnh Đác Nông mất ăn, mất ngủ vì hàng chục ha đậu lạc (đậu phộng) đã hơn hai tháng tuổi xanh tốt nhưng không có củ. Đây là lần đầu tiên người nông dân trên địa bàn xã Nam Dong trồng lạc không có củ, nhưng chưa rõ nguyên nhân do đâu.
Nhằm hỗ trợ nông dân (ND) tăng thu nhập, Hội ND Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà, lợn theo hình thức liên kết bán công nghiệp. Các mô hình đã bước đầu cho hiệu quả tốt.