Trồng Dưa Lưới Trong Nhà Màng Hiệu Quả Và Triển Vọng
Dưa lưới là loại rau ăn quả quan trọng trong họ bầu bí, được trồng nhiều ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ, Tây Ban Nha… với sản lượng hàng năm trên toàn thế giới khoảng 18 triệu tấn. Hiện nay, trên thế giới đã nghiên cứu, lai tạo ra được nhiều giống dưa lưới. Tại Việt Nam, do điều kiện đất đai, khí hậu, đặc điểm thực vật học nên dưa trồng được chủ yếu ở miền Nam và hiện trồng phổ biến ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…
Tại Tiền Giang, từ lâu dưa lưới đã xuất hiện trong siêu thị. Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh thì chưa có. Trước triển vọng phát triển của loại rau ăn quả này nhưng còn khá mới mẻ đối với người dân trong tỉnh, vừa qua Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học Tiền Giang triển khai mô hình trồng dưa lưới bằng công nghệ cao. Kết quả cho thấy mô hình rất khả quan.
Để thực hiện mô hình, Trung tâm đã mua 2 giống Taki (Nhật Bản), Chu phấn (Đài Loan) và nhận chuyển giao kỹ thuật trồng từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, áp dụng trồng trên diện tích gần 500 m2 bằng công nghệ cao. Cụ thể, dưa được trồng trong nhà màng để ngăn mưa và côn trùng gây hại; đầu tư và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel.
Theo anh Phan Thanh Phú, người phụ trách kỹ thuật trồng dưa lưới của trung tâm, dưa lưới là loại rau ăn quả chịu nắng rất tốt nhưng không chịu được mưa. Nếu gặp mưa, trái sẽ bị nứt theo các khe hình thành nên màng lưới trên bề mặt vỏ.
Việc áp dụng trồng dưa lưới trong nhà màng vừa giúp chắn mưa vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giúp giảm chi phí sản xuất (do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ côn trùng gây hại). Việc sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhằm bảo đảm cung cấp vừa đủ chất dinh dưỡng cho cây (không gây lãng phí chất dinh dưỡng trong quá trình cung cấp cho cây); đồng thời bảo đảm cho trái dưa an toàn (do không dư đạm) khi đến tay người tiêu dùng.
Qua hai tháng rưỡi trồng, mô hình cho thu hoạch 1,5 tấn. Trọng lượng trung bình mỗi trái dưa lưới giống Taki 1,3 kg/trái, Chu phấn từ 1,7 - 1,8 kg/trái. Giống dưa Taki cho trái nhỏ hơn, hình lưới trên bề mặt của trái đều và đẹp, độ ngọt cũng cao hơn so với giống dưa Chu phấn. Trong khi đó, giống dưa Chu phấn có ưu điểm cho trái to hơn so với giống Taki.
Khi dưa đến thời điểm thu hoạch, một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh xuống thu mua với giá 21.000 đồng/kg. Với giá bán này, qua hạch toán, lợi nhuận thu được từ mô hình khoảng 50% tổng nguồn thu từ bán dưa.
Ths. Vương Thị Mỹ Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết trong quá trình triển khai và thực hiện mô hình, trung tâm đã tổ chức một số buổi hội thảo giới thiệu mô hình, phương pháp trồng; tổ chức cho người dân, cán bộ của các cơ quan chức năng tham quan, tìm hiểu mô hình và họ đã đánh giá khá cao mô hình trên.
Theo Ths. Thanh, dù vốn đầu tư ban đầu theo mô hình tương đối cao nhưng bù lại dưa cho năng suất cao, chất lượng trái tốt, bán được giá, lợi nhuận thu được cao nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn nên có thể trồng được từ 3 - 4 vụ/năm.
Về đầu ra, thị trường trong và ngoài nước đối với loại dưa này có rất nhiều triển vọng. Cụ thể, hiện tại, trong nước có nhiều doanh nghiệp tham gia cung ứng và thu mua dưa lưới. “Từ những yếu tố trên cho thấy, trồng dưa lưới theo mô hình công nghệ cao hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế khả quan. Từ đó, mô hình mở ra khả năng nhân rộng trong thời gian tới sẽ rất lớn” - Ths. Thanh nói.
Bên cạnh đó, Ths. Thanh cũng lưu ý, ngoài áp dụng công nghệ cao, việc trồng dưa lưới đòi hỏi tuân thủ đúng kỹ thuật, nguồn gốc giống rõ ràng. Vì thế, việc trồng dưa lưới theo mô hình này chỉ có thể phát triển đối với những cá nhân, đơn vị có điều kiện vốn, tiếp cận được giống có nguồn gốc cũng như tiếp nhận và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng.
Từ tiền đề và triển vọng của dưa lưới ở Tiền Giang, trung tâm cho biết sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình này ra cho cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhằm góp phần đa dạng hóa cây trồng trên địa bàn tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời mở rộng đầu ra. Cụ thể, bên cạnh cung ứng dưa lưới cho doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đã được thiết lập từ trước, trung tâm đang xúc tiến làm thủ tục để đưa dưa lưới vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Co.opmart.
Theo các tài liệu nghiên cứu, dưa lưới là nguồn chứa chất chống oxy hóa dạng polyphenol, giúp phòng, chống bệnh ung thư và tăng cường hoạt động miễn dịch. Trong dưa chứa nhiều chất xơ nên tác dụng nhuận trường, chống táo bón. Dưa còn là nguồn phong phú beta-carotene, acid folic, kali và vitamin C, A.
Nước ép dưa lưới có thể giúp cải thiện tình trạng khó thở; giảm được sự mệt mỏi, chữa được chứng mất ngủ; rất có lợi cho người mang thai, thai nhi; giúp ngăn ngừa chứng loãng xương, giúp hạ huyết áp, ngăn chặn chứng chuột rút ở chân. Dưa lưới là trái cây giàu folate, một loại vitamin có vai trò quan trọng cho sức khỏe của tim, đồng thời ngăn chặn những khuyết tật ở thai nhi.
Có thể bạn quan tâm
Thức ăn của cá lăng chấm là những loại cá tạp đánh bắt trên sông. Do đó, rất phù hợp với lối chăn nuôi ở các làng vạn chài dọc theo bờ sông Lô, sông Gâm và hộ nuôi cá lồng.
Cũng theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, tính đến tháng 8/2014 số lượng gia cầm giống được nhập vào Việt Nam là gần 1 triệu con, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3,29 triệu USD. Giá nhập khẩu trung bình khoảng 3,93 USD/con, tăng 0,91 USD/con so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn nhập chủ yếu từ New Zealand và Mỹ.
Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình ở tại đồi núi Mang He, xã Sơn Bua, ông Trần Quí - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây cho biết: Đến thời điểm này, con giống đã được thả gần 1 tháng. Tuy còn quá sớm và phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác để nói đến việc thành, bại, nhưng qua kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ ban đầu và thực tế nuôi, tôi tin rằng sẽ mô hình này sẽ thành công.
Cách đây hai năm, cũng như các khu vực nuôi tôm khác trong tỉnh, nghề nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoà Thắng (tỉnh Bình Thuận) gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ cở sở nuôi đã bỏ đìa không còn thiết tha với nghề, thế nhưng trong năm 2013 nuôi tôm công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trở lại khi quy trình sản xuất cũ được thay đổi bằng quy trình nuôi mới an toàn, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hải Toàn cho biết: Tháng 1.2014 Hội ND xã Hải Toàn phối hợp với Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco thành lập Tổ hợp tác trồng và chế biến cây dược liệu (đinh lăng) Hải Toàn. Theo đó, phía công ty sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ công nghệ sấy lò hơi và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn 10% giá thị trường.