Trồng Chanh Mang Lại Thu Nhập Cao
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài kéo theo nhu cầu tiêu thụ chanh làm nước giải khát gia tăng. Chính vì vậy, hiện giá chanh cũng tăng vọt theo sự biến động của thị trường và có xu hướng tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Chanh cho thu nhập cao
Gần 1 tháng nay, giá chanh bắt đầu có sự biến động theo hướng tăng nên người trồng chanh vô cùng phấn khởi. Mấy ngày này, nông dân trồng chanh càng cố ra sức tưới nước, phun thuốc, bón phân để cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cho chanh phát triển tốt, trái to bóng đẹp, bán được giá.
Ông Nguyễn Tứ Lăng, nông dân trồng chanh ở ấp 4, xã Tân Thanh, huyện Cài Bè (Tiền Giang) cho biết, những ngày gần đây nắng thương lái mua chanh cứ liên tục hỏi đặt hàng vì nhu cầu tiêu thụ chanh trên thị trường đang tăng mạnh. Theo đó, giá chanh thu mua tại vườn hiện nay lên tới 20.000 - 22.000 đồng/kg, tăng gần 12.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm.
Theo nhiều nông dân trồng chanh ở Cái Bè, năng suất trồng chanh mỗi năm ở địa phương này đạt khoảng 10 tấn/ha, cá biệt những vườn chanh lâu năm, thâm canh tốt có thể đạt năng suất lên tới 15 - 20 tấn/ha. Do đó, với giá chanh hiện nay, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, điện nước, nhân công,… người trồng chanh có thể có lợi nhuận 150 - 200 triệu đồng/ha.
Bà Lê Thị Hoa, thương lái thu mua chanh ở Chợ An Hữu (Cái Bè) cho biết, sở dĩ giá chanh tăng cao trong mấy ngày qua là do thời tiết nắng nóng, oi bức liên tục thời gian qua nên nhu cầu tiêu thụ chanh tươi để làm nước giải khát tăng mạnh, nhất là thị trường Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.
“Tuy giá chanh đang ở mức cao những vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức 34.000 - 37.000 đồng/kg vào tháng - 5 năm ngoái. Trong những ngày tới giá chanh có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh đến khi mưa nhiều vào tháng 6 - 7 tới do lượng chanh vụ nghịch có sản lượng không nhiều, trong khi nhu cầu tiếp tục tăng cao.
Hiệu quả kinh tế từ cây chanh mang lại như hiện nay là khá cao so với các loại cây ăn trái khác. Điều này tạo ra động lực để bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới giúap gia tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là kỹ thuật xử lý cho chanh ra hoa, kết trái nghịch vụ.
Nhiều nông dân trồng chanh cho biết, bắt đầu từ tháng 5 - 7 âm lịch thì bắt đầu xử lý cho chanh ra bông vụ nghịch bằng cách làm gốc chanh rồi tiến hành bón phân, phun thuốc kích thích cho chanh rụng lá, ra đọt, ra bông. Thông thường phải mất 6 - 7 tháng để chuyển từ giai đoạn chanh ra bông đến khi chanh cho trái già, từ là thời điển thu hoạch từ tháng 1 - 4 âm lịch. Đây là thời điểm chanh ít trái, nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên giá chanh cao, nông dân thu lãi cao gấp 2 - 3 lần chanh vụ thuận.
Tuy nhiên, một số hộ trồng chanh bông tím thì cho rằng loại chanh này không cần xử lý cho trái vụ nghịch bởi chanh bông tím cho trái ổn định quanh năm. Điều cần chú ý đối với chanh bông tím là phải có biện pháp xử lý hiệu quả đối với con bọ xít và bọ nhện đỏ.
Phát huy lợi thế
Qua thực tiễn sản xuất cho thấy chanh là loại cây có múi dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc, xử lý ra hoa đơn giản nhưng thu nhập từ loại cây trồng này là khá cao nên nhiều bà con nông dân đã chuyển từ diện tích trồng các loại cây ăn trái khác sang trồng chanh, hay trồng xen với các loại cây ăn trái khác.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè (Tiền Giang), chanh là một trong những loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao ở các xã đầu nguồn huyện Cái Bè với lợi thế là không kén đất, có thể trồng xen hoặc tận dụng những diện tích đất khó trồng được các loại cây ăn trái khác. Đồng thời, nhờ nông dân quan tâm tuyển chọn những giống chanh mới cho năng suất, chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để chủ động mùa vụ bán được giá nên chanh mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Hiện nay diện tích trồng chanh của địa phương này lên tới gần 1.000 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang, tập trung ở các xã Tân Thanh, Thiện Trí, Hòa Khánh, Đông Hòa Hiệp, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông và An Cư. Bên cạnh đó, để tạo đầu ra ổn định cho cây chanh theo hướng sản xuất chất lượng, bền vững và tạo uy tín trong người tiêu dùng, huyện Cái Bè cũng đã thành lập HTX chuyên canh trồng chanh ở xã Tân Thanh với diện tích gần 200 ha.
Tại huyện Cai Lậy, nông dân chủ yếu trồng chanh bông tím và chanh giấy với diện tích hơn 280 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 2.200 tấn, tập trung nhiều ở các xã Hiệp Đức, Hội Xuân, Phú An và Cẩm Sơn. Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ cây chanh, địa phương này có kế hoạch mở rộng diện tích, xây dựng những mô hình thâm canh chanh hiệu quả; đồng thời khuyến khích nông dân xen canh chanh trong vườn cây có múi chưa khép tán nhằm tăng hiệu quả kinh tế nông hộ.
Theo kết quả thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 1.300 ha chanh trồng rải rác khắp các huyện trong tỉnh, chủ yếu tập trung ở huyện Cái Bè, Cai Lậy. Sản lượng chanh cung cấp cho thị trường hàng năm hơn 10.000 tấn trái. Thị trường tiêu thụ chanh chủ chủ yếu là Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.
Có thể bạn quan tâm
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.167 tỷ đồng, bằng 72,3% kế hoạch và tăng 55% cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ước đạt 7,2%, trong đó lĩnh vực nông - lâm - nghiệp và thủy sản tăng 5,7%.
Người đàn ông chúng tôi nhắc tới ở trên là ông Nguyễn Huy Sáng, quê ở thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội. Nghe người dân xã Sơn Đà đồn đại rất nhiều về khả năng bắt lươn của ông, nay tình cờ gặp ông ra trung tâm Thủ đô thăm con cháu kết hợp đánh lươn, chúng tôi có dịp chứng kiến ông trổ tài.
Tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2013-2014 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2014-2015 diễn ra ngày 5/12, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, dự kiến niên vụ 2014-2015, sản lượng cà phê cả nước sẽ giảm khoảng 20% so với niên vụ trước.
Để đảm bảo cho việc chăn nuôi được an toàn, không xảy ra dịch bệnh, Chi cục Thú y tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo người dân nêu cao ý thức phòng bệnh, đặc biệt là việc chuẩn bị con giống, chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, tiêm phòng đủ các mũi vắc xin, bổ sung nguồn thức ăn tinh cho đàn vật nuôi.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt và công bố ứng dụng kết quả dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi kết hợp ốc hương với tu hài trên biển theo hướng bền vững tại vịnh Vân Phong”. Dự án do Thạc sĩ Huỳnh Kim Khánh (Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh) làm chủ nhiệm; nhận chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III.