Trồng Cà Phê Không Vàng Lá
Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã tìm ra nhiều nguyên nhân gây hội chứng vàng lá cà phê ở Lâm Đồng trong quy trình: cải tạo đất, chọn giống, tưới nước, bón phân, trồng cây che bóng… chưa phù hợp, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng cà phê nhân sau thu hoạch.
Theo đó, kết quả điều tra 146 hộ trồng cà phê có hội chứng vàng lá tại các khu vực Đà Lạt, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc của Lâm Đồng cho thấy: 93,8% hộ nông dân tự sản xuất giống để trồng, 5,8% mua ngoài thị trường và chỉ có 0,4% mua giống từ các cơ sở sản xuất có uy tín. Về cây che bóng có trên 97% số hộ không trồng.
Đồng thời việc sử dụng phân bón chưa hợp lý và mất cân đối; lạm dụng thuốc trừ cỏ, làm cho đất bị chai cứng... đã trở thành tác nhân chính khiến cà phê mau kiệt sức, dẫn đến cây bị vàng lá, rụng trái với tỷ lệ xuất hiện khá nhiều từ năm 2007 đến nay.
“Đa số nông dân trồng cà phê vối tại Lâm Đồng đã và đang áp dụng các biện pháp canh tác thực hành quản lý vườn cà phê chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống và học hỏi lẫn nhau trong cùng địa phương, nắm bắt được rất ít thông tin về hiện tượng vàng lá cà phê vối.
Trong khi các biện pháp phòng trừ được người nông dân áp dụng không đồng bộ và thiếu nhất quán giữa các phương pháp tác động nên hiệu quả chưa cao” - Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đánh giá.
Cụ thể có tới 94,97% số vườn cây được điều tra bị nhiễm hội chứng vàng lá. Trong đó, tỷ lệ vườn cây bị nhiễm hội chứng vàng lá từ cấp độ nhẹ tới trung bình chiếm đa số 70,49%, tỷ lệ vườn cây bị nhiễm ở mức độ nặng đến rất nặng 29,51%.
Viện đã xác định có 4 loài tuyến trùng chính trong đất trồng cà phê gây hại rễ, vàng lá tại 5 vùng điều tra của Lâm Đồng có các tên là: Pratylenchus spp., Meloidogyne spp., Helicotylenchus sp., Rotylenchus reniformis. Mật độ trung bình của các loài tuyến trùng trong đất khoảng 70 con/100g đất. Và số lượng nấm Fusarium spp gây vàng lá cà phê ở Bảo Lộc, Bảo Lâm và Lâm Hà chiếm tỷ lệ khá cao trong đất so với các địa bàn cà phê ở Đà Lạt và Lạc Dương.
Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chọn 25 mô hình tại 5 vùng trọng điểm trồng cà phê của tỉnh Lâm Đồng nói trên để thực hành quy trình chăm sóc cà phê không vàng lá. Mỗi hộ mô hình có diện tích cà phê tham gia từ 0,6-1 ha.
Những cán bộ kỹ thuật của Viện đã trực tiếp hướng dẫn nông dân cắt cành, đánh chồi, vệ sinh vườn cây, thu gom tàn dư sâu bệnh hại; bón phân, tưới nước đầy đủ và kịp thời trong những ngày mùa khô, bảo đảm độ ẩm của đất. Định kỳ kiểm tra diễn biến sâu bệnh gây hại để hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời, nhất là phòng trừ các bệnh rỉ sắt, thán thư, nấm hồng… với các loại thuốc đặc trị như: Map Logic 90 WP, DuPontTM Kocide 53.8 WG, Antracol 70 WP, Biobus 1.00WP, RIC 10WP…
Sau từ 5-8 tháng xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng trừ tổng hợp hội chứng vàng lá cà phê vối trên 25 mô hình trình diễn tại Lâm Đồng, kết quả tất cả vườn cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây bị vàng lá, thối rễ giảm 15,04 - 23,48%, tỷ lệ rụng trái giảm 19,60 - 29,32%, không có tỷ lệ cây chết và giảm đáng kể mật độ tuyến trùng và nấm bệnh trong đất gây hại bộ rễ cây.
Quy trình được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ cho hơn 100 khuyến nông viên cơ sở và 666 đại diện hộ gia đình nông dân trồng cà phê ở vùng mô hình trình diễn và các vùng lân cận tham gia. Ngoài ra, Viện còn cấp phát rộng rãi trên 6.000 tờ rơi hướng dẫn thực hành quy trình phòng trừ hội chứng vàng lá cà phê.
Hiện nông dân Lâm Đồng đang bước vào giai đoạn đầu ứng dụng quy trình phòng trừ vàng lá trên cây cà phê, hy vọng việc chăm sóc quá trình ra hoa, đậu quả và thu hoạch sẽ đạt chất lượng cao hơn trong niên vụ mới.
Có thể bạn quan tâm
Vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa là giai đoạn cây cà phê phân hóa mầm hoa, hình thành hoa và nở hoa, đậu quả, quả non phát triển, là giai đoạn ảnh hưởng quan trọng đến năng suất, chất lượng của cà phê.
Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã tìm ra nhiều nguyên nhân gây hội chứng vàng lá cà phê ở Lâm Đồng trong quy trình: cải tạo đất, chọn giống, tưới nước, bón phân, trồng cây che bóng… chưa phù hợp, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng cà phê nhân sau thu hoạch.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, do thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường đã tạo môi trường cho rệp sáp phát triển gây hại trên cây cà phê ở một số địa phương như Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô…Trong đó, tại các huyện Chư Jút, Krông Nô, rệp sáp đã xuất hiện trong vườn cà phê với tỷ lệ từ 3-5%/1 cành.
Thời điểm này, nông dân cà phê đang tất bật bước vào mùa tưới. Thời tiết khô hanh, cộng với những thiếu hụt về nguồn nước luôn là nỗi lo lắng của bà con, nhất là khi nước tưới trở thành vấn đề quan trọng quyết định năng suất, chất lượng cà phê.
Rệp sáp cái trưởng thành hình bầu dục, không cánh, dài 4mm, thân phủ lớp sáp trắng. Rệp đực dài khoảng 3mm, có cánh, không có sáp trắng.