Hiệu quả từ mô hình ghép cải tạo cà phê
Cà phê là loại cây trồng được nhiều bà con ở vùng đất Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình bởi nó thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây. Tuy nhiên, việc chăm sóc để cây cho năng suất cao luôn là vấn đề khiến bà con phải trăn trở suy nghĩ. Mặc đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhưng năng suất cà phê nơi đây vẫn còn thấp trung bình chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha. Vấn đề khó khăn này đã được ông Nguyễn Đức Điền ở thôn 2, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước tìm ra cách giải quyết.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê của gia đình ông tâm sự: Cây cà phê được gia đình ông trồng từ năm 2003, lúc đầu trồng xen trong vườn điều trên diện tích 2.5 ha. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ban đầu gia đình ông mua giống không rõ nguồn gốc nên cây hay bị bệnh nhất là bệnh rỉ sắt và đốm mắt cua. Vườn cà phê thường xuyên phải phun xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh. Dù đã được đầu tư chăm sóc, chịu khó lao động nhưng do năng suất thấp chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận thu được chỉ đủ trang trải cuộc sống và quay vòng đầu tư, không dư giả được bao nhiêu. Nhiều lúc ông đã nghỉ tới việc phải thay thế loại cây trồng khác để cải thiện cuộc sống gia đình. Đang trong lúc bế tắc thì ông được thông tin từ Trạm Khuyến nông có triển khai mô hình ghép cải tạo vườn cà phê năng suất thấp nên ông đã liên hệ Trạm Khuyến nông Bù Gia Mập để hỗ trợ làm mô hình.
Năm 2010, vườn cà phê với diện tích gần 1ha trồng thuần của gia đình ông đã được cưa đốn để ghép cải tạo 4 sào bằng giống TR4, TR5, TR9 của Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên. Sau khi ghép, mầm ghép phát triển tốt, mập mạp, khỏe mạnh. Sau 1 năm cây đã cho thu hoạch bói đến năm thứ 3 thì cho năng suất ổn định. Cà phê ghép có ưu điểm hơn cà phê già là khoảng cách giữa các chùm quả dầy, hạt to đều trong khi cây cà phê già hạt không đều nên khó rang, dễ bị dập nát. Đến nay, với 4 sào cà phê ghép cho năng suất ổn định hơn 2 tấn, trong khi 5 sào cà phê già thì năng suất chỉ đạt trên 1 tấn. Với giá bán thấp như năm 2013 là 35.000đ/kg sau khi trừ chi phí, vườn cà phê của gia đình ông vẫn thu lời trên 85 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của cách làm này, ông nói sẽ ghép cải tạo dần 5 sào cà phê già còn lại để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cây cà phê ghép năm đầu tiên ông thấy vẫn còn bệnh xuất hiện nhưng những năm về sau thì bệnh ít dần nên đỡ tốn chi phí phun thuốc trị bệnh. Tùy vào năng suất thu hoạch mà ông bón thêm phân bón phù hợp để bù lại năng suất đã mất đi để cây không bị kiệt sức. Gia đình ông thường dùng loại phân NPK 16:16:8 vào đầu mùa mưa, phân NPK 20:20:15 vào giữa mùa mưa. Nếu vụ nào cây cho trái nhiều thì cần bón bổ sung thêm Kali và phân bón lá để bổ sung thêm vi lượng cho cây. Đặc biệt ông chia sẻ “Riêng với vườn cà phê kinh doanhh thì gia đình ông luôn bón thêm phân hữu cơ Tritromix vào 2 đợt đầu và giữa mùa mưa với lượng khoảng 2 tấn/ha”. Phân hữu cơ sẽ giúp cải tạo đất, giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Sử dụng biện phái ghép cải tạo làm trẻ hóa cây cà phê là một biện pháp kỹ thuật đơn giản, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa nâng cao hiệu quả canh tác. Thiết nghĩ bà con nên học hỏi để áp dụng biện pháp trên cho vườn cà phê già, năng suất thấp nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế./.
Có thể bạn quan tâm
Để bón phân khoa học trước hết phải biết cây trồng lấy đi chất gì, lấy hết bao nhiêu sau 1 vụ thu hoạch, từ đó trả lại chất ấy đủ cho đất thì đến vụ sau
Cà phê là cây công nghiệp dài ngày, cần nước nhiều thứ 2 (sau cây lúa) trong cơ cấu các cây trồng chính của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Phân hữu cơ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thâm canh cây cà phê. Phân hữu cơ tự nhiên và kỹ thuật bón phân cho cây cà phê