Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Trồng bưởi hướng hữu cơ chống chịu hạn mặn

Trồng bưởi hướng hữu cơ chống chịu hạn mặn
Tác giả: Diệu Hiền
Ngày đăng: 23/04/2021

Mô hình áp dụng quy trình bón phân hữu cơ, kết hợp phủ gốc giữ ẩm đã giúp cây bưởi vượt qua hạn mặn lịch sử, thậm chí cho quả ngay trong mùa hạn mặn.

Anh Nguyễn Văn Vũ bên vườn bưởi da xanh luôn xanh tốt mặc dù đang trong mùa hạn mặn. Ảnh: Diệu Hiền.

Bón phân hữu cơ 5 giai đoạn

Bưởi da xanh là sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre. Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, với diễn biến phức tạp của hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng rất nhiều đến giá cả của trái bưởi này.

Trong điều kiện khó khăn đó, vẫn có những nông dân có thu nhập tốt nhờ tư duy và cách làm mới trong sản xuất. Điển hình như anh Nguyễn Văn Vũ ở ấp Long Thuận xã Sơn Phú (huyện Giồng Trôm, Bến Tre).

Hiện nhà vườn của anh anh vẫn có lượng khách hàng lớn chấp nhận mua bưởi với giá cao hơn thị trường bên ngoài từ 15 đến 20.000 đồng/kg nhờ mô hình trồng bưởi hữu cơ.

Vườn nhà anh Vũ có 6.000 m2 đất trồng cây ăn trái. Trước đây, anh trồng đủ loại cây ăn trái từ sari, ổi, nhãn..., đến năm 2010, anh trồng bưởi da xanh xen với dừa. Năm 2015, bưởi da xanh bắt đầu cho trái, bán với giá 68.000 đồng/kg, vợ chồng anh rất phấn khởi nên đốn dừa trồng chuyên bưởi da xanh.

Đến năm 2016, hạn hán xâm nhập mặn sâu lịch sử, ảnh hưởng rất nhiều đến vườn bưởi của anh. Anh bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật trồng bưởi qua sách, báo, mạng internet trong mùa hạn mặn và quyết định dùng phân hữu cơ cho vườn bưởi của mình.

Ban đầu, anh sử dụng 50% phân hữu cơ, đến nay anh đã sử dụng 70% phân hữu cơ, còn lại 30% là phân vô cơ nhưng với hàm lượng rất ít. Khi sử dụng phân hữu cơ, anh nhận thấy cây có thể chống chịu được với hạn mặn, tuổi thọ cao, cho trái sai, đều và rất ngọt.

Chính vì vậy, bưởi của anh bán được giá rất cao, lúc nào cũng có khách đặt hàng. Hiện tại vườn bưởi của anh có 200 cây cho trái khoảng 5 năm. Trung bình mỗi mỗi năm khoảng từ 20 đến 30 tấn trái, bán với giá dao động từ 50 đến 85.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu về hàng trăm triệu đồng.

Nói về quy trình sử dụng phân hữu cơ, anh Nguyễn Văn Vũ cho biết: Đầu mùa mưa, anh bón vôi bột cho vườn bưởi trong vòng từ 7 ngày đến 10 ngày, kèm tưới nước để giữ ẩm thường xuyên để xả hết phèn, xả độ mặn trong cây, sau đó mới bắt đầu bón phân hữu cơ.

Anh thực hiện quy trình bón phân hữu cơ hỗn hợp cho vườn bưởi với quy trình bón phân gà khoảng 1 tháng, sau đó bón tiếp phân cá với hỗn hợp với NPK 20-20-10 để tạo tán cho lá phát triển ngay thời điểm cây bị suy nhược do ảnh hưởng của hạn mặn để cây phát tán, vừa ra bông vừa nuôi trái.

Phân hữu cơ giúp giữ được độ ẩm của đất, giúp đất tơi, xốp, làm cho trái mướt, bền bỉ. Màu xanh của quả bưởi được bón phân hữu cơ mặc dù không mướt mát như bón phân vô cơ, nhưng độ ngọt quả bưởi lại rất là cao.

"Để cây bưởi khỏe, chống chịu được với ảnh hưởng của hạn, mặn, cần phải bón phân hữu cơ đúng chuẩn theo quy trình mỗi năm 5 lần, trung bình mỗi cây từ 3-5 kg. Nếu bà con lơ là, không bón phân hữu cơ, hoặc bón không đủ chuẩn sẽ không phát huy được hết tác dụng", anh Nguyễn Văn Vũ cho hay. 

Với phương châm sản xuất theo yêu cầu thị trường và chất lượng nên mọi tác động lên vườn cây đều được anh Vũ cân nhắc kỹ lưỡng. Việc hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tăng cường phân bón hữu cơ đã giúp năng suất và phẩm chất trái vườn bưởi của anh vượt xa những vườn khác.

Tết năm 2021, trong khi các mặt hàng trái cây, nhất là bưởi giá cả ảm đạm, nhiều nơi tuột dốc chỉ còn từ 15.000 đồng - 30.000 đồng/kg do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng vườn bưởi nhà anh Vũ vẫn bán chạy với giá lên đến 50.000 đồng/kg, bưởi lúc nào cũng ở tình trạng cháy hàng không đủ cung ứng cho thị trường.

Hiện nay, các vùng cây ăn quả nói chung, trong đó có bưởi tại nhiều nơi ở ĐBSCL đang trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của mặn xâm nhập sâu. Nhiều nhà vườn phải trữ nước ngọt để tưới cho vườn cây ăn trái.

Kết hợp phủ gốc giữ ẩm bằng lá dừa nước

Hiện vườn bưởi của anh Vũ nhờ áp dụng quy trình bón phân hữu cơ chặt chẽ nên vẫn luôn xanh tốt, độ ẩm trong đất luôn được duy trì rất cao. Thời điểm này, trong khi các nhà vườn đang phải căng mình chống hạn mặn, rất ít có nhà vườn nào để cho cây đậu trái, còn anh Vũ vẫn vô tư để cây cho trái mà không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của trái bưởi.

Chia sẻ về cách chăm sóc vườn bưởi trong mùa hạn mặn, anh Nguyễn Văn Vũ cho biết thêm: Khoảng giữa tháng 10 âm lịch, anh thường tập trung bón thúc phân hữu cơ. Đồng thời, sử dụng lá dừa nước để ủ cho gốc bưởi, kết hợp phun thuốc trừ nấm bệnh để kích thích bộ rễ...

Với cách làm đó, vườn bưởi của anh có thể sống khỏe qua mùa hạn, mặn kéo dài khoảng 6 tháng. Như năm 2019, độ mặn lên tới 18 - 19 phần nghìn, nhưng vườn bưởi của anh vẫn chống chịu tốt được hạn mặn năm.

Anh Vũ cho biết năm nay, hạn mặn hiện tại khoảng 4 phần nghìn, mặc dù chưa cần phải tưới nước nhưng với phương pháp bón phân hữu cơ, phủ gốc, hiện vườn bưởi của anh cây vẫn giữ được độ ẩm và không cần tưới nước.

"Phân hữu cơ hết sức quan trọng vì vừa cung cấp dinh dưỡng, vừa giữ được độ ẩm trong đất nên tôi vẫn có thể cho vườn bưởi ra trái ngay trong mùa hạn mặn. Việc bón phân hữu cơ, cần phải bón sớm từ cuối năm trước, ngay từ trước mùa hạn, mặn của năm sau", anh Vũ cho biết. 

Xã Sơn Phú (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) hiện có hơn 154 ha cây ăn trái. Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu những mô hình trồng cây có hiệu quả để nông dân học hỏi, nhất là mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ.

Nhận xét về mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Văn Vũ, ông Trần Hoàng Đại, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Sơn Phú Cho biết: Mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ của anh Vũ mang lại hiệu quả rất cao, nhất là chống chịu được trong mùa hạn mặn.

Thời gian qua, Hội nông dân xã cũng nhận thấy canh tác bưởi nói riêng, cây ăn quả nói chung theo quy trình hữu cơ đã đem lại hiệu quả cao hơn, là hướng đi đúng của nông dân. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ở hộ ông Nguyễn Văn Vũ ra toàn xã, nhất là để cho bà con nhận thức được lợi ích của việc áp dụng quy trình hữu cơ đem lại.


Có thể bạn quan tâm

Phòng trừ rầy phấn trắng trên cây ổi Phòng trừ rầy phấn trắng trên cây ổi

Ổi dễ trồng, mau cho trái, cho hiệu quả kinh tế cao thường được chọn trồng xen trong vườn hoặc chuyên canh, thường bị nhiều dịch hại tấn công

20/04/2021
Bệnh khảm, vàng lá cây họ đậu Bệnh khảm, vàng lá cây họ đậu

Bệnh khảm, vàng lá thường rất phổ biến trên các loài cây họ đậu, đặc biệt bệnh thường nặng ở những vùng có khí hậu nóng, khô hạn và chuyên canh cây họ đậu.

20/04/2021
Tận dụng đất trống trồng nấm rơm, thu hàng chục triệu đồng/tháng Tận dụng đất trống trồng nấm rơm, thu hàng chục triệu đồng/tháng

Tận dụng đất bỏ không, nhiều hộ dân ở TP Sa Đéc (Đồng Tháp) trồng nấm rơm thu lãi hàng chục triệu đồng/tháng. Rơm sau khi ủ nấm bán lại cho nhà vườn trồng hoa.

23/04/2021