Triệu Phú Chanh Giấy
Đó chính là anh Tô Thanh Dân, ở tổ 2, ấp Minh Long, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Chỉ với diện tích 1 ha chanh giấy chùm đã cho sản lượng từ 32 – 35 tấn/năm, với giá bán ngay tại các chợ địa phương bình quân 5.500đ/kg, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất.
Từ đường xã Minh Long, rẽ vào con đường đất cát trắng khúc khuỷu là đến nhà anh. Gia đình anh chào đón đoàn chúng tôi rất niềm nở và mời thưởng thức ngay hương vị cốc nước chanh tươi mát của cây nhà lá vườn.
Anh tâm sự với chúng tôi về cây chanh gần như đã gắn liền với cuộc đời mình. Sinh ra và lớn lên ở miền tây, nơi mà năm nào cũng có mùa nước nổi, trong một đình khó khăn lại đông con, anh phải tự lập từ rất sớm. Trước khi lên Bình Phước lập nghiệp, ở vùng quê Bến Lức – Long An anh đã từng gắn bó với cây mía. Nhưng loại cây trồng này không làm gia đình anh thoát nghèo. Sau chuyến về quê ngoại chơi ở Bến Tre, anh thấy ở đây trồng chanh hiệu quả, anh ham luôn và quyết định trồng.
Bắt đầu từ năm 1990, cuộc đời anh đã gắn chặt với cây chanh từ đây. Mua giống ở Lái Thiêu, lúc đó đã 5.000đ/cây giống, anh mới chỉ trồng trên 2 sào nhưng năng suất rất cao bởi chanh được trồng trên nền đất đen trù phú. Anh vẫn không ngừng học hỏi kinh nghiệm sản xuất, luôn đi theo các kỹ sư ở các Viện, Trường để được thực tế học tập kinh nghiệm, nghiên cứu những loài sâu, bệnh chủ yếu và cách phòng trị trên cây chanh.
Năm 2001, anh ghé Bình Phước chơi thấy ở đây có nhiều người trồng chanh, nhưng chưa hiệu quả, vì bị bệnh nhiều. Trong khi Bình Phước là một thị trường tiêu thụ tiềm năng. Hơn nữa, đất ở quê nhà do không được bao bờ nên có khi bị ngập lụt cả tháng không còn thích hợp trồng chanh. Năm đó, anh cùng gia đình khăn gói lên đường định cư tại Bình Phước.
Sẵn vốn từ nhiều năm làm ăn bằng kinh nghiệm chiết ghép cây nên việc mua một miếng đất nhỏ để gia đình ở và canh tác là không quá khó. Với diện tích 1 ha, quá đủ để anh thực hiện ước mơ của mình. Cây giống là do anh tự chiết ra, không phải mua nên đầu tư ban đầu cho vườn chanh không quá lớn, chỉ hết khoảng 5 triệu tiền phân, thuốc cho gần 400 gốc chanh. Đến nay, vườn chanh anh chỉ còn 300 gốc nhưng sản lượng của một gốc đã đạt khoảng trên 100 kg. Và hiện tại số lượng chanh cung cấp cho chợ Chơn Thành, chợ Đồng Xoài ở Bình Phước vẫn không đủ để bán vào đợt trái vụ.
Điều đặc biệt ở vườn chanh của anh là xuất hiện rất nhiều loại cỏ hôi (hay còn gọi là cây cứt lợn) được cố tình trồng ở dưới gốc cây. Anh nói tác dụng là dùng để giữ ẩm cho đất về mùa khô và dùng làm phân xanh cho cây. Ngoài ra, anh còn dùng vỏ đậu phộng, một loại phụ phẩm để bón cho đất nhằm tăng cường độ xốp cho đất thay vì dùng trấu như trước đây, liều lượng là 70 – 80 khối/lần, 2 năm bỏ một lần, giá chỉ có 95.000đ/khối.
Về bí quyết trồng chanh đạt năng suất cao, anh tâm sự:
Trồng chanh không khó vì chúng không kén đất, có thể trồng ở các loại đất khác nhau như đất cát, đất cát pha thịt, đất sét, đất phèn. Tuy nhiên, đối với đất nhiều phèn thì cần phải xử lý phèn bằng cách bón vôi. Chanh trồng chỉ sau 18 tháng là có thể cho trái bói, sau 28 tháng là có thể thu hồi được vốn tư ban đầu.
Để cho trái chanh vừa có vị chua, vị thanh, đẹp mã, cho sai trái thì cần có một chế độ bón phân cân đối, hợp lý giữa phân hữu cơ và vô cơ. Anh thường sử dụng phân hóa học có hàm lượng dinh dưỡng NPK cao như 20:20:15, thường bón 0,5 kg/gốc/lần bón, năm thường bón 4 lần kết hợp với phân hữu cơ như vỏ đậu phộng, phân vi sinh Komix, chế phẩm sinh học Wegh... Cuối vụ giai đoạn từ tháng 6-8, tỉa những cành già, sâu bệnh, cành vượt để tạo tán cho cây, giữ lại những càng ngang nơi tiếp nhận ánh sáng mặt trời và cho nhiều trái nhất, thường chỉ để cây cao dưới 2m, tiện cho việc thu hái và phòng trừ sâu bệnh.
Bệnh phổ biến trên cây chanh chủ yếu có 3 bệnh chính:
Bệnh vàng lá gân xanh (greening) do rầy chổng cánh truyền virus tới. Anh thường sử dụng thuốc Actara để phun phòng 2-3 lần/năm, lúc cây ra lá non nhiều.
Bệnh do nấm Phytopthora bị trên lá, phòng bằng cách pha dung dịch Boocdo phun trực tiếp vào thân lá khi đất có độ ẩm cao.
Vào mùa khô vườn hay bị nhện tấn công gây hại, cần chú ý phun thuốc phòng trị.
Mặt khác, thay vì cách trồng cỏ hôi trong vườn chanh như anh Dân, bà con nên trồng lạc dại - một loại cỏ có tác dụng cải tạo đất tốt với khả năng cố định đạm, giúp giảm lượng phân bón cho cây trồng chính.
Muốn có chanh bán được giá thì xử lý ra trái nghịch mùa thường là từ tháng 2 – tháng 4. Ở thời điểm này, chanh có thể bán được từ 22.000 – 24.000đ/kg, thường không có đủ để bán. Nếu chanh vào vụ chính giá sẽ hạ rất nhanh, như hiện nay chỉ bán được 7.000đ/kg.
Từ hiệu quả kinh tế mô hình trồng chanh giấy chùm của anh Dân, bà con có thể tham khảo kinh nghiệm làm ăn, tham quan, học tập. Bà con có nhu cầu mua cây giống, liên hệ với anh qua số ĐT: 01687 041 407 để đặt hàng trước và sẽ được anh tư vấn về kỹ thuật. |
Xử lý nghịch vụ bằng cách điều khiển ra hoa như sau: Vào cuối vụ thu hoạch chính phải giữ lại một bộ trái trên cây nhằm kéo dài tuổi thọ của đọt. Dùng KNO3 phun lên cành lá để phun kích thích ra hoa, ra trái tiếp (10 – 14 ngày phun chế phẩm dưỡng trái một lần để cho trái có mẫu mã đẹp và đảm bảo thời gian cách ly thu hoạch từ 7 – 10 ngày).
Theo anh, thời gian cây chanh chỉ cho năng suất cao là 15 năm đổ lại. Nên vào đầu mùa mưa năm nay, anh đã trồng xen hơn 100 gốc sầu riêng trong vườn chanh để trong thời gian trồng lại vẫn có nguồn thu từ cây trồng khác.
Có thể nói, chỉ với diện tích 1 ha, với lòng đam mê miệt vườn, tính cần cù, chịu khó lao động và tinh thần học hỏi không ngừng anh đã thành công trong việc trồng chanh, đem lại nguồn thu khá lớn. Mặc dù đã thành công với cây chanh nhưng anh vẫn luôn thu thập tài liệu về kỹ thuật cây trồng khác, tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức của cán bộ khuyến nông và những người nông dân khác.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, trên địa bàn xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai - Bạc Liêu) có khoảng 20 hộ nuôi cá bống tượng với diện tích 5 ha. Đây được xem là mô hình nuôi thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao. Điển hình là ông Lê Văn Minh (ngụ ấp 3) nuôi với mật độ 0,5 con/m2 trên diện tích 0,5 ha, cho lợi nhuận 70 triệu đồng/năm.
Áp dụng công nghệ thâm canh cây trồng có che phủ nilon là tiến bộ khoa học tiên tiến, đã và đang được phát triển trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới như ở Trung Quốc, Nhật Bản và ở nước ta đang được chú trọng phát triển trên diện rộng.
Những năm gần đây, cuộc sống của người dân xã Đông Sơn (TX. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) được cải thiện đáng kể nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng KHKT vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh, trong đó có mô hình trồng dưa hấu.
Những năm gần đây, thị trường cá tra bất ổn, khiến cho người nuôi cá da trơn vùng ĐBSCL lao đao. Họ đang phải cân nhắc và tìm hướng đi mới cho cái nghề đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều rủi ro này.
Báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) về tình hình dịch bệnh cho hay, đã có thêm một tỉnh nữa bùng phát dịch tai xanh, đó là tỉnh Bạc Liêu.