Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Từ Nhãn Hiệu Chứng Nhận Mận Bắc Hà

Triển Vọng Từ Nhãn Hiệu Chứng Nhận Mận Bắc Hà
Ngày đăng: 20/12/2014

Nhiều năm qua, sản phẩm mận Bắc Hà đã rất quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để các loại mận trồng ở Bắc Hà (Lào Cai) được “chính danh” trên thị trường trong và ngoài nước luôn là nỗi canh cánh của các cấp, các ngành hữu quan trên “Cao nguyên trắng”.

Những chuỗi ngày khó khăn…

Với những lợi thế, ưu điểm vượt trội như chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, đa dạng chủng loại... mận được trồng ở Bắc Hà đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và vượt qua biên giới Việt Nam để có mặt ở một số quốc gia khác.

Vào thập niên 90 của thế kỷ XX, mận Bắc Hà luôn đứng vị trí đầu bảng cả về số lượng cũng như giá trị trên thị trường mận nói chung. Các loại mận Hậu, Tam hoa, Tả Hoàng Ly, Tả Van, là loại quả ưa thích của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước khi đến thăm “Cao nguyên trắng”. Những vườn mận trồng quanh thị trấn, trên nương đồi và dọc các cung đường du lịch đã tạo nên hình ảnh rất đặc trưng cho Bắc Hà. Nhiều gia đình cũng thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ cây mận.

Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, với nhiều yếu tố (thời tiết, thoái hóa giống do không được cải tạo kịp thời...), vị trí đầu bảng của mận Bắc Hà dần mờ nhạt, người trồng mận rơi vào khó khăn. Mận được chuyển từ nơi khác đến và mang danh “Mận Bắc Hà”, dẫn đến việc mất lòng tin của người tiêu dùng.

Thực trạng đó đã đẩy vùng trồng mận Bắc Hà rơi vào khó khăn trong nhiều năm liền; người trồng mận dần mất khả năng chủ động, quanh năm chỉ trông chờ vào thời tiết và giá cả thị trường. Mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì và phát triển các giống mận Bắc Hà, song điểm mấu chốt trong chuỗi sản xuất và kinh doanh là khâu phân phối gắn với thương hiệu lại chưa có nhiều tiến triển. Do vậy, người trồng mận Bắc Hà vẫn gặp khó khăn do phải loay hoay tự tìm đầu ra và giữ chữ tín cho sản phẩm.

Triển vọng từ nhãn hiệu chứng nhận

Nhưng tất cả sẽ thay đổi, bởi tới đây, nhãn hiệu chứng nhận “Mận Bắc Hà” (áp dụng với 4 giống: Mận Tam Hoa, mận Tả Hoàng Ly, mận Hậu, mận Tả Van) sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền sở hữu và UBND huyện Bắc Hà chính thức triển khai việc quản lý chất lượng, mẫu mã, cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho các hộ sản xuất, kinh doanh trong vùng quy hoạch. Nỗi lo bao năm của người trồng mận giờ đã được gỡ bỏ phần nào.

Đây là thành công lớn của huyện Bắc Hà nói riêng và của tỉnh Lào Cai nói chung trong việc tìm lại được “giấy thông hành” cho mận Bắc Hà trên thị trường. Với nhãn hiệu chứng nhận, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã... được thực hiện nghiêm ngặt, điều đó đồng nghĩa với việc các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh mận tại Bắc Hà phải tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về sản xuất, kinh doanh theo quy định của UBND huyện Bắc Hà…

Đồng thời, các cơ quan chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra sản phẩm của những cá nhân, tổ chức được cấp giấy chứng nhận, nếu sản phẩm không đạt các tiêu chí, sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận.

Bà Trần Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: Với nhãn hiệu chứng nhận “Mận Bắc Hà” trên sản phẩm, chúng tôi tin rằng từ nay, mận Bắc Hà sẽ đủ sức cạnh tranh trên thị trường, không còn bị ép giá như trước nữa. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người trồng mận như: Mở rộng được thị trường, tạo được đầu ra ổn định, nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.

Người dân huyện Bắc Hà nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung tin tưởng từ nay, việc “biến hóa” các sản phẩm mận từ địa phương khác thành mận Bắc Hà sẽ hạn chế đến mức thấp nhất. Điều này đồng nghĩa với việc lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng đối với loại quả đặc sản này.

Một tín hiệu vui nữa là phạm vi vùng trồng, sản xuất và kinh doanh mận mang nhãn hiệu chứng nhận “Mận Bắc Hà” không chỉ dừng lại ở 13 xã như trong dự án, mà sẽ được mở rộng ra nhiều đơn vị hành chính lân cận trong địa bàn huyện Bắc Hà. Hiện tại, vùng sản xuất được mang nhãn hiệu “Mận Bắc Hà” đang có hơn 200 ha với tổng sản lượng khoảng trên 10.000 tấn/năm, tổng doanh thu đạt khoảng trên 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng mang lại, vấn đề đặt ra hiện nay cho Bắc Hà là công tác tổ chức quản lý sản xuất, cấp giấy chứng nhận, kiểm tra việc tuân thủ theo giấy chứng nhận sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Để làm được điều đó, huyện Bắc Hà cần nâng cao trách nhiệm của những hộ nông dân trong việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc để đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng cho những sản phẩm được dán nhãn hiệu “Mận Bắc Hà”. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng mới theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng, góp phần đưa thương hiệu mận Bắc Hà ngày càng bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Đi lên từ thất bại Đi lên từ thất bại

Trong chăn nuôi khó tránh khỏi những rủi ro, nhưng vực dậy từ hai bàn tay trắng để gầy dựng lại kinh tế gia đình như nông dân Lê Văn Hường (thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước, Phú Ninh) thì không phải ai cũng làm được.

17/11/2015
Tiên Phước đầu tư nhiều nguồn lực mở rộng trang trại, gia trại Tiên Phước đầu tư nhiều nguồn lực mở rộng trang trại, gia trại

Chiều 16.11, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì buổi làm việc với huyện Tiên Phước về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay. Cùng dự có Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh.

17/11/2015
Thêm 11 xã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới Thêm 11 xã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới

Chiều qua 16.11, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức cuộc họp nhằm xét các tiêu chí nông thôn mới tại 11 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp.

17/11/2015
Khuyến cáo người dân không trộn càphê cũ lẫn mới để xuất bán Khuyến cáo người dân không trộn càphê cũ lẫn mới để xuất bán

Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, không nên trộn lẫn cà phê nhân của niên vụ trước với niên vụ này để xuất bán, dễ làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu cà phê của Việt Nam.

17/11/2015
Phát hiện hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm gây ung thư Phát hiện hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm gây ung thư

Đoàn thanh tra chuyên ngành, Bộ NN & PTNT phối hợp Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường-C49 vừa tiến hành niêm phong, lập biên bản xử phạt công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú vì hành vi sử dụng chất cấm gồm Vàng-ô và chất tạo nạc sabutamol.

17/11/2015