Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen
Thời gian qua, UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) tập trung chỉ đạo rà soát diện tích lúa vùng thấp trũng, thường gặp khó khăn trong gieo trồng để khuyến khích, vận động người dân chuyển sang trồng sen có hiệu quả, thu nhập cao hơn.
Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện môi trường
Theo báo cáo của UBND huyện Phong Điền, đến nay diện tích sen đã trồng trên địa bàn là 269ha, tăng 81ha so với năm 2017; trong đó chuyển đổi từ đất lúa vùng thấp trũng sang trồng sen 55ha; chuyển từ đất khác 26ha.
Tập trung nhiều nhất ở các xã Phong An, Phong Hiền, Phong Thu, Phong Chương và thị trấn Phong Điền. Hiện người dân chủ yếu trồng các giống sen như: Sen cao sản, sen trắng, sen đỏ và sen hồng…
Thời vụ trồng từ tháng 2, 3 dương lịch, thời gian thu hoạch tháng 6 - 7; năng suất bình quân 100kg/sào, giá bán bình quân 35.000 đồng/kg.
Theo kinh nghiệm của những người trồng sen, đầu tháng hai âm lịch, khi thời tiết ấm dần lên là thời điểm thích hợp để xuống giống sen. Sen rất dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí phân bón thấp. Nếu chăm sóc tốt, chỉ khoảng hơn một tháng cây sẽ ra hoa.
UBND huyện Phong Điền đang tập trung chỉ đạo các ngành và địa phương rà soát diện tích lúa vùng thấp trũng hiệu quả thấp và một số diện tích khác như các trằm, bàu, hồ… để vận động người dân chuyển đổi trồng sen kết hợp nuôi cá.
Đồng thời, huyện tổ chức triển khai quy hoạch, nhân rộng các vùng trồng sen trên địa bàn; chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm từ cây sen. Từng bước hình thành thương hiệu Sen Huế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Nghề trồng sen đã có từ lâu đời ở Thừa Thiên - Huế. Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao nên những năm gần đây diện tích trồng sen được mở rộng và trở thành nghề làm giàu cho nhiều hộ nông dân.
Một số người dân cho hay, sen phát triển rất mạnh, kỹ thuật trồng không khó, cho thu nhập ổn định vừa tận dụng được diện tích sản xuất kém hiệu quả, ao hồ, đầm lầy vùng trũng bỏ hoang vừa góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, sen rất ít khi mất mùa và cho năng suất cao, đặc biệt là sen hồng cho năng suất cao hơn so với các loại sen thường.
Hiện nay, tại nhiều huyện, thị ở Thừa Thiên - Huế có địa hình thấp trũng đã chọn sen làm một trong những cây trồng quan trọng trong việc chuyển đổi, nhằm giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định.
Để nghề trồng sen phát triển hơn, ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế hàng năm đều tổ chức mở các lớp tập huấn, nhằm giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời cung cấp thêm phương pháp, kỹ thuật trồng sen lấy hạt, trồng sen xen canh với nuôi cá và đưa những giống sen mới cho năng suất cao vào trồng.
Có thể bạn quan tâm
Rời bỏ công việc của một cán bộ địa chính để theo đuổi niềm đam mê với phong lan, một chàng trai Quảng Nam đã nhân giống thành công nhiều giống lan quý hiếm
Sống ở phố thị nhưng trong lòng luôn canh cánh nỗi lo thực phẩm đã thôi thúc anh Phạm Thái Long (Đăk Lăk) quay về quê khởi nghiệp với rau củ quả.
Nếu sản lượng cà phê hàng năm ở các tỉnh Tây Nguyên khoảng trên dưới 1 triệu tấn nhân, thì lượng vỏ cà phê được xay ra là một con số khổng lồ.