Triển vọng phát triển diện tích nhãn Ido tại Phong Điền
Tuy nhiên, với quyết tâm "sống chung với bệnh chổi rồng", nhiều nhà vườn ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã duy trì và phát triển được các diện tích trồng nhãn cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Thu nhập khá nhờ trồng nhãn
Năm 2012, bệnh chổi rồng bùng phát mạnh trên cây nhãn tiêu Huế (tiêu da bò), TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL phải công bố dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn và triển khai các biện pháp phòng trị bệnh.
Mặc dù nhà vườn đã áp dụng các biện pháp phòng trị như: cắt tỉa cành, phun thuốc… nhưng bệnh chổi rồng vẫn còn xuất hiện trên các chùm bông nhãn, khiến tỷ lệ đậu trái thấp.
Khi ấy, không ít nhà vườn trồng nhãn tại các địa phương vùng ĐBSCL đã nản lòng, quyết định chặt bỏ nhãn để chuyển sang trồng các loại cây khác.
Song, với quyết tâm tìm cách "sống chung với bệnh chổi rồng", nhiều nhà vườn trồng nhãn ở huyện Phong Điền đã nỗ lực phòng trị bệnh cho vườn cây và gặt hái được những quả ngọt.
Đặc biệt nhiều nhà vườn đã tìm các giống nhãn mới có khả năng chống chịu tốt với bệnh chổi rồng để trồng thay thế nhãn tiêu da bò.
Trong đó, giống nhãn Ido có khả năng kháng bệnh chổi rồng khá tốt, năng suất cao, chất lượng trái ngon và bán giá cao hơn nhiều lần so với nhãn tiêu da bò.
Trồng nhãn Ido xen canh với cây có múi tại một hộ dân ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền.
Gia đình ông Trần Ngọc Đa, ngụ ấp Trường Thọ 2, xã Trường Long, hiện có 1,5 công đất trồng nhãn tiêu da bò và 3 công đất trồng nhãn Ido được hơn 12 năm tuổi.
Ông Trần Ngọc Đa cho biết: "Mỗi công nhãn Ido có thể cho thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng/công/năm, còn nhãn tiêu da bò khoảng trên dưới 40 triệu đồng/công/năm".
Trước đây, ông Đa trồng nhãn tiêu da bò, khi bệnh chổi rồng bùng phát, ông được người quen cho biết ở tỉnh Tiền Giang có giống nhãn Ido có chất lượng trái tốt và ít bị nhiễm bệnh chổi rồng nên quyết định mua giống về trồng.
Qua 9 mùa cho trái, giống nhãn Ido hầu như không bị ảnh hưởng bởi bệnh chổi rồng, năng suất trái cao và giá bán cao hơn nhãn tiêu da bò nhờ chất lượng trái ngon, được thị trường ưa chuộng.
Theo ông Đa, trồng nhãn Ido phải mất khoảng 3 năm mới có thu hoạch, nên gia đình ông phải duy trì diện tích nhãn da bò, nhưng trong tương lai, ông có kế hoạch chặt bỏ dần những cây nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng và cho trái kém để chuyển sang trồng giống nhãn Ido.
Từ hiệu quả kinh tế vườn nhãn Ido, nhiều nhà vườn huyện Phong Điền đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng.
Ông Lê Văn Phẩm, ngụ ấp Trường Thuận, xã Trường Long, cho biết thời gian qua, một số bà con ở ấp Trường Thuận cũng chuyển sang trồng nhãn Ido do hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, đa phần bà con ở đây vẫn chọn giải pháp chủ động thực hiện các biện pháp phòng trị bệnh chổi rồng để cố gắng duy trì vườn nhãn tiêu da bò.
"Gia đình tôi hiện chỉ có một công đất trồng nhãn tiêu da bò nhưng thu nhập cũng được vài chục triệu đồng mỗi năm.
Còn những hộ có diện tích nhiều hơn, có thể thu một vài trăm triệu đồng mỗi năm là chuyện bình thường.
Hiện tôi và nhiều bà con ở đây cũng có ý định trong tương lai khi vườn nhãn tiêu da bò giảm năng suất, sẽ cải tạo chuyển sang trồng nhãn Ido"- ông Phẩm nói.
Triển vọng mở rộng diện tích
Cùng với các loại cây ăn trái ngon, đặc sản tại địa phương như: dâu Hạ Châu, sầu riêng, chôm chôm, vú sữa… thì cây nhãn cũng được huyện Phong Điền xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực do cho hiệu quả kinh tế cao.
Toàn huyện hiện có 6.020 ha cây ăn trái các loại, trong đó diện tích trồng nhãn khoảng 420 ha, tăng gần 100 ha so với năm 2012 (thời điểm bùng phát dịch bệnh chổi rồng trên nhãn).
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, trong 420 ha nhãn trên địa bàn, có khoảng 300 ha trồng nhãn tiêu da bò, 100 ha trồng nhãn Ido, còn lại là nhãn xuồng cơm vàng và long nhãn.
Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: "Diện tích trồng nhãn Ido mới tăng mạnh trong những năm gần đây, chứ trước năm 2012 chỉ mới có một vài công đất trồng nhãn Ido.
Hiện nhiều nhà vườn trồng nhãn Ido có thể đạt thu nhập 150 - 300 triệu đồng/năm đối với các vườn nhãn đã cho trái lâu năm.
Với ưu điểm kháng bệnh chổi rồng tốt và cho năng suất, chất lượng trái cao và có giá bán tương đối ổn định, dự kiến tới đây diện tích trồng nhãn Ido trên địa bàn huyện có thể mở rộng thêm vài trăm héc-ta".
Theo ông Trần Thái Nghiêm, ngoài việc hỗ trợ nhà vườn phòng trị tốt bệnh chổi rồng để duy trì các diện tích trồng nhãn tiêu da bò, những năm gần đây phòng nông nghiệp huyện cũng tích cực hỗ trợ nông dân phát triển diện tích trồng nhãn Ido nhằm giúp tăng hiệu quả kinh tế.
Hằng năm, trong chương trình trợ giá cây giống cho bà con, đều có dành một phần kinh phí trợ giá cây giống nhãn Ido.
Theo nhiều hộ dân trồng nhãn trên địa bàn huyện Phong Điền, hiện khó khăn lớn của nhiều bà con khi phát triển trồng nhãn Ido là khó tiếp cận nguồn cây giống do giá cây giống còn ở mức cao, với khoảng từ 20.000 - 30.000 đồng/cây giống trở lên.
Tuy nhiên, triển vọng phát triển trồng nhãn Ido là rất lớn do đầu ra sản phẩm thời gian qua rất thuận lợi và có thể phát triển xuất khẩu.
Thời gian qua, giá trái nhãn Ido ở mức khá cao từ 20.000 - 35.000 đồng/kg.
Mặt khác, cây nhãn Ido không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế khi trồng chuyên canh mà trồng xen canh với nhiều loại cây ăn trái khác hiệu quả kinh tế cũng đạt rất khá.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đã có hiệu lực hơn 2 tháng nhưng công tác triển khai còn chậm chạp. Cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều lâm cảnh ngóng chờ hiệu ứng của chính sách.
Từng là cán bộ của một hợp tác xã nông nghiệp, ông Tín đã quen dần với những kỹ thuật mới về nuôi gà. Khi đã về hưu, ông tiếp tục phát triển nghề chăn nuôi này. Ông nói: “Thấy diện tích đất cát bỏ hoang hóa nhiều quá, bỏ thì phí nhưng làm mùa thì không đạt hiệu quả.
Một số mặt hàng thông thường đang được TQ nhập với số lượng lớn: Chanh quả tươi 1.343 tấn, rau su su 270 tấn, xoài Nam bộ 950 tấn. Ngoài ra các loại rau, quả XK: Bưởi, dừa, sầu riêng, mướp đắng... từ 50-100 tấn.
Thế nhưng, ở đấy có những con người không quản ngại gian khó, lặng lẽ làm kinh tế, biến vùng đất ấy “sinh” ra quả ngọt để làm giàu. Tiêu biểu là gia đình anh Nguyễn Hữu Chánh, thôn Tình Phú Tây, xã Hành Minh.
Xã Tỏa Tình là nơi sinh sống của cộng đồng người Mông huyện Tuần Giáo. Khi đặt chân lên vùng đất này, hình ảnh đầu tiên trong mắt chúng tôi là những nương ngô, nương lúa xen lẫn với những vườn cà phê, sa nhân, táo mèo... cho thấy sự trù phú, no đủ của bà con người Mông nơi đây.