Triển Vọng Phát Triển Cây Cam, Quýt
Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả trung ương tiến hành đề tài "Nghiên cứu chất lượng đặc thù, điều kiện tự nhiên của vùng trồng quýt", đây là bước tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loại cây trồng này.
Hiện nay đề cương của đề tài đã được Hội đồng khoa học và UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện trong năm 2011 đến 2012, mở ra cơ hội phát triển cho cây cam, quýt trên địa bàn...
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 ha cây cam, quýt tập trung tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn và Ba Bể, trong đó trữ lượng lớn nhất tập trung tại huyện Bạch Thông với diện tích khoảng 700 ha. Trước đây cam, quýt địa phương chỉ phát triển tự nhiên chưa được đầu tư chăm sóc nên chất lượng không đều, người nông dân chủ yếu trồng để dùng trong gia đình, có bán thì cũng chỉ là tại các chợ xã.
Nhận thấy đây là loại cây trồng phù hợp với khí hậu, đất đai của những địa phương này, nên Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư để đưa cây cam, quýt trở thành cây trồng thế mạnh của tỉnh. Trong đó ưu tiên đưa khoa học kỹ thuật mới vào các vùng trồng quýt. Nếu trước đây để nhân giống, nông dân chỉ dùng biện pháp chiết cành truyền thống. Thì nay khoa học kỹ thuật đã giúp bà con chọn tạo giống tốt, chọn cây tốt để làm cây đầu dòng, áp dụng kỹ thuật ghép mắt, ghép cành và kỹ thuật vi ghép. Vì vậy hệ số nhân giống nhanh hơn, chất lượng cam, quýt cao hơn. Nhờ có kỹ thuật này mà diện tích cam, quýt ngày càng được mở rộng, đem lại năng suất và giá trị kinh tế.
Huyện Bạch Thông là địa phương có diện tích cam, quýt lớn nhất. Những năm qua được đầu tư quan tâm về giống, khoa học kỹ thuật, cơ chế khuyến khích từ các dự án, đề án của tỉnh nên diện tích, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên theo từng năm. Cụ thể, năm 2007 diện tích cam, quýt của huyện là 440 ha, diện tích cho sản phẩm là 130 ha, sản lượng đạt 525 tấn. Năm 2009 tổng diện tích là 686 ha, diện tích cho thu hoạch là 477 ha, sản lượng đạt 1.715 tấn, đạt giá trị 13,7 tỷ đồng. Năm 2010 sản lượng đạt 1.755 tấn, giá trị đạt trên 14 tỷ đồng.
Tính chung trên địa bàn tỉnh thì hằng năm sản lượng quýt đạt khoảng vài nghìn tấn. Nhiều gia đình thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng mỗi vụ, từ đó không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Nhờ có tiến bộ kỹ thuật mà chất lượng cam, quýt ngày càng được khẳng định, theo đánh giá cam, quýt của tỉnh Bắc Kạn có mùi vị đặc trưng, ngon, quả to đều, mẫu mã đẹp, độ chua vừa phải, giàu vitamin C, tốt cho sức khoẻ và là sản phẩm đặc thù không lẫn với bất kỳ giống quýt nơi nào khác.
Hiện nay quýt thương phẩm của Bắc Kạn đã được xuất bán đi thị trường các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, sự nhìn nhận, đánh giá, khai thác đúng tiềm năng của tỉnh.
Trên cơ sở diện tích cam, quýt ngày càng được mở rộng, chất lượng được khẳng định, sản lượng lớn nên việc quảng bá thương hiệu là rất cần thiết. Vì vậy Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả trung ương triển khai nghiên cứu, xác định các tính chất, chất lượng đặc thù của cam, quýt Bắc Kạn và điều kiện tự nhiên của các vùng trồng quýt để đề nghị cấp chỉ dẫn địa lý cho cây cam, quýt.
Hiện nay đề cương của Đề tài này đã được Hội đồng khoa học và UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện từ năm 2011 đến năm 2012. Đồng chí Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Để cây cam, quýt của Bắc Kạn được cấp chỉ dẫn địa lý thì trước hết, người trồng quýt phải nhận thức sâu sắc đây là sản phẩm của quốc gia, của tỉnh. Do đó phải làm thế nào để chất lượng cam, quýt ngày càng nâng cao, mẫu mã đẹp, quả đồng đều. Muốn làm được như vậy phải áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công chăm sóc, phải thay đổi tập quán canh tác cũ, tập trung trồng thâm canh và đầu tư chăm sóc, bón phân, đốn tỉa, phòng trừ sâu bệnh.
Hy vọng với nhiều nỗ lực từ phía tỉnh và người nông dân, năm 2012 cây cam, quýt của Bắc Kạn sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, mở ra cơ hội phát triển cho loại cây trồng đặc sản thế mạnh của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Nắng đang nhạt dần. Đám mây đen báo bão trôi dạt về phía biển. Các nhà bè xung quanh vẫn nhộn nhịp việc. Dường như với họ, đối mặt với giông bão, nắng mưa đã trở thành chuyện đương nhiên trên sông nước. Nuôi được con cá mau lớn, khỏe mạnh, bán được giá đã là chuyện cũ. Giờ đây, đích đến của những người làm nghề nuôi cá lồng bè còn là việc chủ động nguồn cá giống đạt chất lượng và phát triển mạnh.
Hiếm có khi nào mà các cơn bão lại hình thành liên tiếp trên biển Đông, gây ảnh hưởng trên vùng biển của nước ta nhiều như trong thời gian vừa qua. Sau những cơn "bão" giá xăng dầu khiến cho chi phí mỗi chuyến ra khơi đẩy lên cao, thì những cơn bão do thiên tai gây ra đã khiến không ít tàu, thuyền của ngư dân phải lao đao.
Trước tình trạng hàng trăm hộ dân ở Cà Mau triển khai kế hoạch nuôi cá sấu với hy vọng đây sẽ là vật nuôi phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt nuôi cá sấu, vì đây là vật nuôi không an toàn và đang trong tình trạng không có thị trường tiêu thụ.
Năm 2013, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng đề án mô hình thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi của xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), xã Phú Xuân (thành Phố Thái Bình), xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) và xã Tây Tiến (huyện Tiền Hải).
Các hộ nuôi dê ở làng Tao Chor A (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết, so với các vật nuôi khác như heo, bò, gà,… thì nuôi dê đem lại nguồn lợi lớn hơn mặc dù vốn đầu tư cho con giống và chuồng trại khá cao, từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/cặp giống bố mẹ.