Triển Vọng Mô Hình Nấm Linh Chi Đỏ
Thời gian qua, Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ đã xây dựng và thử nghiệm hiệu quả nhiều mô hình giống cây trồng, con vật nuôi cho năng suất cao, trong đó có mô hình trồng nấm linh chi đỏ.
Tháng 6.2014, được sự giúp đỡ của Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ, ông Phan Châu Mỹ (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) đã đưa mô hình sản xuất nấm linh chi đỏ vào trồng thử nghiệm bằng nguyên liệu sản xuất phôi tại chỗ với quy mô ban đầu là 2.000 bịch. Sau 6 tháng trồng thử nghiệm, mô hình này đã cho những kết quả khả quan, nấm sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Mỹ cho biết: “Nấm linh chi đỏ tương đối dễ trồng, ít dịch bệnh, không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phức tạp, vấn đề chủ yếu là phải đảm bảo được vệ sinh cho cây nấm. Để nấm mọc đều, to, không nhiễm bệnh thì trong quá trình trồng phải luôn tạo độ thông thoáng trong nhà trồng, loại bỏ sớm những bịch nấm bị nhiễm bệnh, nấm mốc. Bên cạnh đó, một ngày tưới 3 - 4 lần, nhiệt độ duy trì 28 – 310C là nấm sẽ phát triển tốt”.
Theo ông Mỹ, bỏ qua thời điểm tiến hành cấy giống, thời gian chăm sóc nấm 2,5 - 3 tháng là có thể thu hoạch. Sau khi thu hoạch thì sát trùng và tiếp tục chăm sóc để cho thu hoạch đợt nấm sau. Mỗi bịch nấm có thể cho thu hoạch 3 - 4 lần, trung bình 5 bịch sẽ cho thu hoạch 1kg nấm tươi, sau lần thu hoạch đầu tiên, cách 1,5 tháng là có thể thu hoạch tiếp.
Cũng giống như trồng nhiều loại nấm khác, trồng nấm linh chi đỏ phải trải qua công đoạn ủ mùn cưa (mùn cưa phải lấy từ cây cao su vì đây là loại cây không có tinh dầu) có phối hợp vôi đem ủ để sát khuẩn.
Sau đó đưa thêm cám gạo, bột bắp vào trộn đều, tưới ẩm rồi đóng bịch; chuyển bịch nấm vào lò hấp cách thủy trong 18 giờ, lấy ra cấy meo rồi chuyển ra trại nuôi. Trồng nấm không tốn nhiều diện tích, có thể tận dụng được nhiều không gian trong nhà.
Bình quân từ 2.000 bịch nấm thì sẽ thu hoạch được khoảng 50 – 70kg nấm khô. Giá nấm khô trên thị trường hiện nay là 600 nghìn đồng/kg, nếu từ 2.000 bịch phôi đã cấy meo giống qua 5 tháng thu hoạch, trừ đi chi phí sẽ cho lãi 22 – 34 triệu đồng.
Nấm linh chi đỏ là cây dược liệu quý, có giá trị rất cao trong y học. Để đảm bảo cho người dân yên tâm sản xuất, ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm, Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ đã xây dựng kế hoạch bao tiêu sản phẩm trong thời gian sắp tới.
Kỹ sư Đỗ Chí Vũ (Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ) cho biết: “Để ổn định đầu ra cho sản phẩm nấm linh chi, hiện nay chúng tôi tiến hành tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhân rộng mô hình này, đồng thời sẽ trực tiếp tổ chức thu mua sản phẩm để giúp bà con nông dân có thể yên tâm sản xuất. Có thể nói, đây là một trong những mô hình hiệu quả, góp phần đưa ngành nông nghiệp của TP.Tam Kỳ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị”.
Có thể bạn quan tâm
Trước thông tin Thủ tướng đã đồng ý việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp đang chịu thuế giá trị gia trăng (VAT) từ 5% xuống đối tượng không chịu thuế, người chăn nuôi nhiều nơi rất vui vì chắc chắn giá TACN sẽ giảm. Tuy nhiên, sau đó họ cũng phải đối mặt với không ít nỗi lo...
Đó là nội dung chủ đạo được đặt ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Học viện Báo chí Tuyên truyền tổ chức sáng nay (26/9) tại Hà Nội.
Phòng NN & PTNT huyện Điện Biên vừa phối hợp với UBND xã Thanh Hưng, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên và Viện Giống cây trồng Việt Nam tổ chức hội thảo đầu bờ sản xuất giống lúa Hương Việt 3 tại xã Thanh Hưng.
Nhằm nâng cao năng lực sản xuất giống gia cầm tại chỗ, đáp ứng nhu cầu các hộ chăn nuôi ở địa phương, tháng 5/2014, từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất gà giống thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc”.
Chuyển biến tích cực đó là nhờ chú trọng công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ. Người dân Mường Pồn đều ý thức được việc giữ rừng để hưởng lợi từ rừng.