Triển vọng giống lúa SV 181
SV 181 là giống lúa mới do Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình chọn tạo và đưa vào khảo nghiệm sản xuất từ năm 2012; là giống lúa thơm ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon và có phổ thích ứng rộng.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình cho biết: Giống lúa SV 181 được công ty đưa vào trồng khảo nghiệm từ năm 2012 đến nay và đã mang lại những kết quả tích cực. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, vụ đông xuân từ 100 – 105 ngày, còn trong vụ hè thu chỉ từ 80 – 87 ngày; chiều cao cây từ 95 – 105 cm, sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung, bộ lá đứng có màu xanh nhạt; chống chịu rét khá, chống đổ ngã tốt, chống chịu sâu bệnh khá; bông to, nhiều hạt (bình quân từ 160 – 180 hạt/bông), tỷ lệ chắc cao, năng suất từ 70 – 95 tạ/ha; chất lượng gạo tốt, thơm ngon.
Tại mô hình trình diễn, trong vụ đông xuân 2014 - 2015 giống lúa SV181 cho thời gian sinh trưởng 100 ngày, ngắn hơn so với giống Khang Dân trên cùng chất đất từ 5 – 7 ngày, rất phù hợp để bố trí sản xuất cho cả 2 vụ đông xuân và hè thu nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của thiên tai gây ra, đặc biệt rất thích hợp để bố trí sản xuất ở các vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng trong vụ hè thu để chạy lũ. Trong điều kiện thâm canh bình thường như sản xuất đại trà, giống SV181 cho năng suất 67 tạ/ha, cao hơn giống lúa đối chứng là Khang Dân 3 tạ/ha.
Ông Hoàng Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thành (huyện Hải Lăng) cho biết: “Là một xã vùng trũng của huyện Hải Lăng, lâu nay chúng tôi luôn trăn trở với việc chọn giống lúa nào có thời gian sinh trưởng ngắn để tránh được lũ lụt cuối vụ, có năng suất cao và chất lượng gạo tốt để nâng cao thu nhập cho người dân.
Qua mô hình trình diễn này, chúng tôi cho rằng giống lúa SV 181 đã có đủ những điều đó… Từ trước đến nay nông dân ở Hải Thành thường sản xuất giống lúa Khang Dân. Đây là giống lúa có năng suất trung bình từ 50 – 55 tạ/ha, lúc cao có thể đạt đến 65 – 70 tạ/ha. Tuy nhiên qua gần 20 năm sản xuất trên đồng ruộng, hiện nay giống lúa Khang Dân đã có những biểu hiện thoái hóa, nhiễm nặng bệnh thối thân thối bẹ, khô vằn, đạo ôn, rầy nâu… đặc biệt là trong vụ hè thu khi thời tiết nắng mưa xen kẽ vào cuối vụ, nhiệt độ và độ ẩm cao dẫn đến năng suất và chất lượng thấp, hiệu quả sản xuất không cao.
Trong khi giống lúa SV181 có khả năng chống đổ tốt, bông lúa dài, số hạt/bông cao; chỉ nhiễm nhẹ một số đối tượng sâu bệnh như đạo ôn, khô vằn, đặc biệt là qua thực tế ở mô hình cho thấy giống lúa SV 181 có bộ lá cứng nên có khả năng ít bị sâu cuốn lá và kháng rầy. Cùng với tiềm năng năng suất cao thì chất lượng gạo được người dân đánh giá khá cao, hạt gạo trong, không bạc bụng, cơm mềm, vị đậm, mùi thơm nhẹ. Chỉ có một nhược điểm đó là giống lúa SV 181 có thời gian trổ bông không đồng đều và kéo dài từ 8 - 9 ngày, gây hạn chế trong quá trình chăm sóc.
Nhận xét về giống lúa SV 181, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Qua 3 vụ khảo nghiệm là đông xuân 2013 – 2014 tại huyện Triệu Phong, hè thu 2014 tại huyện Cam Lộ và đông xuân 2014 – 2015 tại huyện Hải Lăng đều cho thấy đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, rất phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất nông dân cần phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất từ khâu gieo trồng, chăm sóc, chế độ phân bón…
Về phía Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình cần tiếp tục chọn tạo để đảm bảo độ thuần của giống, nhất là khắc phục tình trạng trổ không tập trung, trổ kéo dài để có thể bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa chủ lực của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Vào đầu mùa mưa, trên sông Đồng Nai xuất hiện nhiều loại cá đặc sản, như: cá lăng vàng, cá leo, cá chình, cá chạch, cá chốt chuột... Đây là thời điểm các ngư dân đánh bắt trên sông tranh thủ “săn” cá đặc sản, và có đêm họ kiếm được cả chục triệu đồng.
Ngày 15-7, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá tình hình và giải pháp thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT–TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là hạn chế tác hại của việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản trên địa bàn Đồng Nai.
Phát triển Đề án “2 con, 1 cây” (gà, cây dược liệu, tôm), hiện huyện có 445 hộ gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 1.355ha, tăng 96% so với năm 2014. Trong đó, nuôi bán thâm canh 124 hộ, nuôi quảng canh 321 hộ.
ThS. Lê Văn Bảo Duy và nhóm nghiên cứu Khoa Thuỷ sản, Trường đại học Nông Lâm Huế vừa nghiên cứu thành công quy trình sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa quanh năm với tỉ lệ sống cao, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nghề nuôi cá dìa nói riêng và sản xuất giống cá nói chung tại Thừa Thiên Huế.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy nhận định, mấy năm gần đây, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và tôm nuôi không xảy ra theo quy luật mùa như trước đây mà bùng phát bất cứ thời điểm nào trong năm. Nếu chủ quan, lơ là, ngay lập tức dịch bệnh sẽ tái bùng phát.