Triển Vọng Cây Rong Nho
Rong nho là đối tượng thủy sản mới, được đưa vào trồng ở địa bàn thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) cách đây 2 năm. Kết quả bước đầu cho thấy rong nho thích hợp với môi trường mặt nước ven đầm Nại, giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng rong sụn.
Đi tiên phong trồng rong nho ở tỉnh là anh Trần Hùng, cư ngụ tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Từng hoạt động trong lĩnh vực maketing, anh sớm nhận biết rong nho là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng được người Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… ưa chuộng nên đã “rời phố” xuống biển thuê các ao nuôi tôm bỏ hoang để mở cơ sở sản xuất. Ban đầu quy mô chỉ vài sào, sau một thời gian ngắn anh đã phát triển rộng ra trên 5 ha. Hiện nay, bình quân mỗi ngày anh thu 60 kg rong tươi, bán ra thị trường với giá từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, công lao động, thu lãi 5 triệu đồng. Với diện tích trên, tính ra mỗi năm cho thu nhập khoảng 1,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ trồng rong nho là rất lớn, tuy nhiên để được như ngày hôm nay, anh Hùng từng “nếm mùi” thất bại. Anh tâm sự: Thấy một số hộ dân ở Khánh Hòa giàu lên từ rong nho, tôi quyết định mua giống về trồng thử. Vì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên ban đầu chỉ trồng thử nghiệm trong 3 ao, mỗi ao rộng 1 sào, có mái che, bằng 3 phương pháp: Trồng tiếp đáy, trồng kê sàn và trồng trong vỉ lưới. Tuy nhiên, do khu vực đầm Nại thường xuyên có gió mạnh đánh rách mái che làm ánh nắng mặt trời rọi trực tiếp xuống mặt nước nên rong chết dần. Từ thất bại, tôi nhận ra rằng, với khí hậu khắc nghiệt như ở tỉnh không thể sử dụng mái che trồng rong nho. Để giữa nhiệt độ thích hợp từ 20 đến 28oC cho rong phát triển, tôi đã nâng mực nước từ 1,2 m lên 1,4 m và trồng theo cách tiếp đáy. Với cách này, rong phát triển mạnh, sau thả giống khoảng một tuần là cho thu hoạch.
Từ thử nghiệm thành công, tháng 10-2012 anh Hùng đã mạnh dạn ra Khánh Hòa mua 10 tấn giống, với giá 30.000 đồng/kg về thả trong 2 ao có diện tích 1 ha, sau 1 năm nhân rộng ra trên 6 ao, với tổng diện tích như đã nêu. Từ đó đến nay, rong phát triển bình thường, cho thu liên tục, chưa hề bị dịch bệnh. Sản xuất đi vào ổn định, anh mở cơ sở chế biến rong tươi, giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng/người. “Trong tương lai, khi rong nguyên liệu dồi dào, tôi sẽ nâng cấp cơ sở chế biến thêm loại rong khô và rong nước” - anh Hùng, nói.
Đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Chuyện anh Hùng làm giàu từ trồng rong nho gây được sự chú ý của nhiều hộ dân quanh vùng đến tham quan, học hỏi và có ý định làm theo. Trên địa bàn có hàng trăm hécta ao đìa nuôi tôm kém hiệu quả bỏ hoang lâu nay có thể cải tạo trồng rong nho. Vừa qua, ngành chức năng đã có động thái tích cực là tạo điều kiện cho anh Hùng đưa sản phẩm đến giới thiệu, quảng bá tại Hội chợ Công nghiệp - Thương mại khu vực miền Trung – Tây Nguyên tổ chức tại tỉnh ta vào đầu tháng 10 vừa qua. Qua thăm dò, loại thực phẩm giàu dinh dưỡng này tuy còn xa lạ đối với người tiêu dùng Việt Nam, nhưng lại là món ăn “khoái khẩu” của người Nhật, Hàn Quốc… cho thấy thị trường tiêu thụ rong nho ngày càng được mở rộng, ngoài sử dụng trong các nhà hàng, còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Triển vọng phát triển rong nho là lớn, nhưng anh Trần Hùng khuyến cáo bà con trước khi trồng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt tìm đối tác tin cậy để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Rong nho cũng như măng tây là loại thực phẩm “quý tộc”, chưa được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam, nên sản xuất đại trà rất dễ bị thương lái ép giá. Đó là chưa kể, để có sản phẩm rong đạt chất lượng phải tuân thủ quy trình chế biến nghiêm ngặt. Cụ thể, khi rong thu hoạch dưới ao lên chỉ chọn những chùm có chiều dài từ 6 - 8 cm bỏ vào thùng sục khí liên tục 24 giờ cho liền vết cắt, sau đó vớt lên để ráo nước đóng trong hộp nhựa nhằm giữ được độ tươi lâu. Với cách chế biến tỉ mỉ như vậy, 1 kg rong nguyên liệu lựa được 300 gam rong thành phẩm.
Đưa rong nho vào trồng trên các ao đìa nuôi tôm bỏ hoang là hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, trước khi mở rộng quy mô trồng, ngành chức năng cần hỗ trợ bà con tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, có như vậy cây rong nho mới phát triển bền vững cho thu nhập cao.
Có thể bạn quan tâm
Trải qua thời gian bị dịch bệnh vàng lá gân xanh, hiện diện tích cam sành ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đã giảm rõ rệt. Bên cạnh những nhà vườn chuyển đổi sang cây trồng khác thì vẫn còn nhiều hộ quyết định bám trụ với loại cây trồng nhiều lợi ích này.
Hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm qua, ông Trần Văn Hành (dân tộc Sán Dìu) ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã không ngừng lao động sáng tạo và thực hiện thành công quy trình sản xuất cho quả vải thiều ra quả trong thân – “vải thiều nho”.
Hơn 414.000ha trái cây các loại với sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn mỗi năm, vùng Nam Bộ được mệnh danh là nơi sản xuất và xuất khẩu trái cây chủ lực của cả nước. Mấy năm gần đây việc sản xuất trái cây được ngành chức năng quan tâm, nhiều địa phương xem trái cây là thế mạnh đột phá giúp nông dân làm giàu; nhờ đó mà diện tích trái cây tăng nhanh.
Dự báo trong mùa mưa năm nay, nông dân sẽ đổ xô trồng cây đinh lăng bởi giá trị kinh tế của nó vượt xa so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên Bình Phước hiện nay vẫn chưa chọn được loại giống đinh lăng nào phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.
Hiện giá mủ cao su được thương lái thu mua ở mức 12.000 đồng/kg mủ đông, tăng 4.000 đồng/kg so với giá bình quân năm 2014. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, hai năm liền cao su giảm tái tạo mủ, năng suất thấp nên người trồng cao su không vui.