Triển Khai Dự Án Lai Tạo Và Nuôi Dưỡng Bò Lai Hướng Thịt
UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt kinh phí hỗ trợ dự án “Xây dựng mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại An Giang”, do Thạc sĩ Phí Như Liễu, Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi gia súc lớn (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) làm chủ nhiệm; phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ An Giang) thực hiện. Tổng kinh phí gần 847 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ gần 664,8 triệu đồng, còn lại do hộ nông dân tham gia đối ứng.
Thạc sĩ Phí Như Liễu cho biết: “Chăn nuôi bò là nghề truyền thống của người dân. Tri Tôn, Tịnh Biên là địa phương có số lượng bò nhiều nhất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân đồng bào Khmer. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quản lý giống còn nhiều hạn chế, diễn ra hiện tượng phối giống cùng huyết thống nên năng suất chất lượng đàn bò ngày càng giảm. Để đáp ứng nhu cầu phát triển đàn bò thịt của tỉnh trong thời gian tới, việc lai tạo giống bò thịt, cải tiến phương thức nuôi dưỡng và giải quyết nguồn thức ăn cho bò là vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Chính vì thế, tôi thực hiện dự án nhằm phát triển đàn bò lai hướng thịt, nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng của nông hộ; đồng thời nâng cao trình độ kỹ thuật gieo tinh nhân tạo cho cán bộ kỹ thuật tại tỉnh”. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 8-2013 đến 8-2015.
Kết quả của dự án: Đánh giá tình hình chăn nuôi bò (giống, nuôi dưỡng, thức ăn, lai tạo, thị trường...) của các nông hộ ở huyện Chợ Mới, Tịnh Biên, Tri Tôn; 120 con bò cái sinh sản lai Zêbu chất lượng tốt được chọn để lai tạo với bò thịt chất lượng cao; 60 con bê lai sinh ra từ mô hình lai tạo giống bò thịt, có khối lượng hơn bê địa phương 15-25%; có 10 kỹ thuật viên biết gieo tinh nhân tạo cho trâu bò; báo cáo kết quả điều tra khảo sát tình hình chăn nuôi bò và thị trường tiêu thụ; báo cáo kết quả lai tạo bò thịt chất lượng cao, hiệu quả của công tác gây động dục đồng loạt; báo cáo hiệu quả của việc bổ sung thức ăn tại chuồng cho bò lai; báo cáo kết quả nuôi dưỡng, quy trình chăn nuôi bò lai tại nông hộ.
Giá trị dự kiến thu được sau khi kết thúc dự án khoảng 1,885 tỷ đồng. Ý nghĩa hơn, dự án góp phần đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn chuyên về chăn nuôi bò theo hướng thâm canh và sản xuất hàng hóa, phục vụ tốt chương trình phát triển đàn bò tại địa phương thời gian tới. Đặc biệt, cải thiện trình độ chăn nuôi bò lai hướng thịt cho 120 nông hộ, làm cơ sở cho việc tuyên truyền, nhân rộng, mở rộng các mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt. Thông qua các mô hình chăn nuôi bò thịt, như tuyển chọn giống, gieo tinh nhân tạo và các mô hình nuôi dưỡng bán thâm canh và thâm canh sẽ làm thay đổi dần nhận thức và tập quán chăn nuôi truyền thống của nông dân (từ chăn nuôi quản canh tận dụng đồng bãi tự nhiên, giống gia súc địa phương, năng suất thấp) sang chăn nuôi bán thâm canh, thâm canh có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, con giống tốt làm cơ sở cho phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, còn góp phần phát huy lợi thế sẵn có (đất đai, phế phụ phẩm nông nghiệp...), chủ động được nguồn thức ăn. Ngoài ra, dự tính được số lượng gia súc cần nuôi, chủ động được thời gian chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro bị nhiễm thuốc trừ sâu (do chăn thả hoặc cắt cỏ tự nhiên)... và nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng thu nhập nông hộ. Cùng với việc chọn được giống bò tốt, lai tạo giống bò thịt chất lượng cao sẽ tác động mạnh đến người dân, tạo ý thức nâng cao chất lượng con giống và phương thức nuôi dưỡng.
“Dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu gieo tinh nhân tạo cho trâu, bò và 120 nông hộ biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò lai hướng thịt. Đây sẽ là điều kiện tốt góp sức cho chương trình phát triển chăn nuôi bò, lai tạo, nhân giống đàn bò ở địa phương trong nhiều năm tiếp theo” - Thạc sĩ Phí Như Liễu khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Hộ ông Lê Văn Hoàng, ông Vi Thanh Hưng (phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) thu được lợi nhuận hàng chục triệu đồng nhờ việc trồng rong sụn bằng phương pháp dây đơn trên đáy cho năng suất cao.
Anh Nguyễn Xuân Ánh ở thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát (Bình Định) đã thành công khi xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp trên diện tích đất hoang hóa với doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Vụ mùa năm 2015 toàn tỉnh đã gieo cấy được 31.770ha lúa đạt 97,5% diện tích kế hoạch. Theo báo cáo của các địa phương và qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT hiện nay toàn tỉnh có gần 1.500ha lúa đã cấy bị thiếu nước, trong đó tập trung tại các huyện: Đoan Hùng 356ha; Hạ Hòa 814ha; Thanh Ba 77ha; Yên Lập 70,5ha; Cẩm Khê 63ha; Tân Sơn 116ha.
Bảo tồn cây trồng, vật nuôi bản địa là một trong những nhiệm vụ cần thiết để giữ gìn các nguồn gen đặc trưng này trước nguy cơ suy giảm, thoái hóa. Tuy nhiên, để công tác bảo tồn phát huy hiệu quả, thì câu chuyện “hậu” bảo tồn cũng cần được chú trọng để không lãng phí nguồn gen quý.
Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, thời gian qua, các vùng trồng cà phê trong tỉnh đã xuất hiện bệnh rụng quả cà phê làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ thu hoạch tới.