Trang Trại Ông Tám Và Câu Chuyện Thoát Nghèo
Là một người nông dân cần mẫn, ông Nguyễn Văn Tám ở miền quê nghèo Lâm Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) đã biến một vùng đất hoang, khô cằn sỏi đá thành một trang trại chăn nuôi có quy mô lớn và cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Gia đình ông cũng là một điển hình trong phong trào nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở địa phương.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, lại đông con nên cuộc sống rất khó khăn. Sau nhiều ngày trằn trọc suy nghĩ, ông đấu thầu một hecta đất của xã để làm mô hình chăn nuôi. Những ngày đầu vừa không có vốn lại thiếu kinh nghiệm nên ông chỉ chăn nuôi nhỏ, lẻ.
Sau một thời gian, được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, ông đã mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại, xây dựng chuồng trại nuôi gà, vịt, cá kết hợp trồng thêm thông và tràm. Sau một thời gian ngắn, cuộc sống của gia đình ông cũng dần ổn định.
Cách đây 4 năm, ông là người đầu tiên trong xã mạnh dạn mua máy ấp trứng gà, vịt về để ấp trứng bán con giống cho các hộ gia đình chăn nuôi trong và ngoài xã. Từ ngày có máy ấp trứng, trang trại của ông nhộn nhịp người mua kẻ bán.
Thu nhập tăng lên đáng kể, ông vừa có tiền để trả nợ, vừa có thêm ít vốn liếng để đầu tư cho con cái làm ăn kinh doanh. Cứ tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình ông khi trang trại dần ổn định, nhưng chỉ được một thời gian ngắn sau đó, tai họa lại ập đến với gia đình ông, một trận dịch gia cầm đã quét sạch của ông tất cả và ông lại hoàn trắng tay như những ngày đầu mới khởi nghiệp.
Trận dịch đó có thể cuốn hết vốn liếng của gia đình ông nhưng không thể làm lu mờ ý chí vươn lên, thoát khỏi đói nghèo của người nông dân cần mẫn. “Nghĩ về những thành quả cả gia đình vất vả nhiều năm mới có được, khiến tôi không thể từ bỏ nên đã quyết tâm làm lại từ đầu”, ông Tám bày tỏ. Và trời đã không phụ lòng người, khi giờ đây trước mắt chúng tôi là một trang trại trù phú bao quanh bởi những cánh rừng thông và keo, tràm.
Ông cho biết, ngoài 10 hec ta thông, tràm gần đến tuổi khai thác, gia đình ông còn nuôi thêm 500 con gà thịt, 350 mẹ gà, 1.200 con vịt, 15 con bò, 3 con trâu và 0,5 hec ta cỏ...
Cứ một năm ông nuôi 2 lứa gà lấy thịt (500 con/1 lứa) và với 150 trứng gà/ngày, mỗi ngày bình quân ông bán 50 con gà giống (14 ngàn đồng/ con) số trứng còn lại ông bán cho các tiểu thương quanh xã. Ông cũng bán con giống và bán trứng lộn cho người tiêu dùng.
Ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc vật nuôi; đăng ký học lớp thú y để được tư vấn về cách phòng và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.
Ông vui mừng cho biết, từ khi trang trại mở rộng thêm quy mô, thu nhập tăng lên, cuộc sống của gia đình ông không còn nghèo đói như xưa nữa, con cái cũng có công ăn việc làm ổn định. Chỉ tay về mảnh đất phía trước, ông nói thời gian tới sẽ đầu tư để xây thêm chuồng nuôi lợn kết hợp nuôi các loại cá như rô phi, trắm, mè...
Ông Nguyễn Văn Tám là một nông dân dám nghĩ dám làm, là người đầu tiên trong xã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế trang trại. Đây là mô hình sản xuất kinh doanh giỏi đầu tiên của xã có thu nhập vài trăm triệu mỗi năm nên rất cần được nhân rộng để các hội viên nông dân khác học hỏi.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi giá hành, tỏi ở nhiều địa phương rớt mạnh thì tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mỗi kg tỏi cô đơn có giá đến 1,2 triệu đồng.
Lựa chọn rau sạch, rau an toàn cho mỗi bữa ăn khiến các bà nội trợ luôn lo lắng. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để rau không rõ nguồn gốc, nhiều người bắt đầu tìm đến giải pháp tự trồng rau xanh tại nhà.
Ngay từ đầu năm, song song với việc thực hiện phát triển KT – XH, QP – AN, huyện Vị Xuyên đã tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, đề án, phương án trọng tâm trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt, đảm bảo tiến độ của các chương trình, đề án, phương án và mang lại những kết quả đáng mừng.
Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cho lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nhà nông ngày càng được các địa phương, trong đó có Hậu Giang quan tâm xúc tiến thực hiện mạnh mẽ hơn.
Mùa hè năm nay, nắng nóng liên tục trên diện rộng, nhiệt độ trung bình từ 37-40 độ C khiến nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng 5-7% so với năm trước. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, các Cty, đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh đã chủ động duy trì việc cấp nước ổn định, đủ lượng nước và bảo đảm chất lượng nước theo quy định; dự phòng giải pháp ứng phó với các sự cố bất thường có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, cung cấp nước sạch cho khách hàng sử dụng nước.