Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Trắng tay vì một chuyến biển phiêu lưu

Trắng tay vì một chuyến biển phiêu lưu
Tác giả: NHÓM PV NỘI CHÍNH
Ngày đăng: 28/07/2016

Theo thống kê, từ đầu năm 2016 đến nay, có 52 tàu đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân BR-VT bị bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài và đã bị xử lý theo luật pháp của nước sở tại. Nhiều chủ tàu trở nên khánh kiệt, thậm chí nợ nần chồng chất.

Mất tàu, nợ nần chồng chất

Hơn 3 tháng qua, kể từ ngày 13-4-2016, cặp ghe cào số hiệu BV 5279 TS và BV 3392 TS bị bắt giữ do đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Indonesia, ông Hồ Minh Lưu (ngụ ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) - chủ cặp ghe này - hầu như không đêm nào yên giấc. Vừa tiếc của, vừa không còn phương tiện mưu sinh, cuộc sống gia đình lâm vào bế tắc. Cặp ghe này do ông Lưu và 4 tài công hùn vốn mua lại khoảng 3 tỷ đồng/ghe. “Vay mượn ngân hàng, người thân hàng trăm triệu đồng để sửa chữa nhưng chưa lấy lại được đồng vốn nào thì ghe đã bị bắt giữ và tiêu hủy. Gia đình tôi đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và không có đường trả”, ông Lưu chua xót nói.

Trong số 14 thuyền viên trên cặp ghe của ông Lưu bị Indonesia bắt, 12 thuyền viên đã được trả về sau khi đóng tiền vé máy bay 8 triệu đồng/người. 2 tài công Hồ Kim Kim và Nguyễn Văn Thìn (đều ngụ tại xã Phước Tỉnh) - cũng có phần hùn mua ghe với ông Lưu - hiện đang bị giữ lại chờ phán quyết của Tòa án Indonesia.

Chị Nguyễn Thị Lệ Ánh (ngụ ấp Phước Thiện, xã Phước Tỉnh) - vợ tài công Hồ Kim Kim cho biết, từ lúc chồng bị bắt đến giờ cuộc sống của 3 mẹ con gặp rất nhiều khó khăn. “Tôi đã nhiều lần khuyên chồng đừng vi phạm vùng biển của người ta nhưng anh ấy không nghe. Từ khi bị bắt đến giờ không biết sống ra sao, nếu anh ấy bị tù tội, 3 mẹ con tôi không biết nương tựa vào đâu. Khi gọi điện về cho tôi, anh nói đã hối hận lắm và mong muốn sớm trở về với gia đình”, người phụ nữ trẻ nghẹn ngào trong nước mắt.

Giữa tháng 6-2016, tàu cá của anh Hồ Văn Của (ngư dân xã Phước Tỉnh) hùn hạp với những người khác cũng chung cảnh ngộ. Vừa được thả về cùng 8 bạn ghe, anh Của vẫn chưa lại sức. Gương mặt hốc hác, thất thần do lo lắng, bất an, anh Của rầu rĩ nói: “Của thì đằng nào cũng mất rồi, giờ còn tài công bị giữ lại chờ tòa án xử không biết số phận sẽ ra sao?”. Cả tháng qua, từ lúc trở về nước, anh Của hầu như không làm gì ngoài việc tìm cách liên lạc với tài công và trì hoãn số nợ vay hơn 1 tỷ đồng hùn hạp đóng tàu. “Cặp tàu vừa đóng xong, đi chuyến đầu tiên thì bị bắt, bị tịch thu mất 1 chiếc. Còn 1 chiếc chắc phải hùn với người khác đi đánh kiếm cơm chứ gia đình giờ không còn khả năng đóng lại chiếc mới”, anh Của cho biết.


Ông Hồ Minh Lưu (bìa phải), chủ cặp ghe cào đôi BV 5279 TS và BV 3392 TS bị Indonesia bắt giữ vào ngày 13-4-2016. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Nhập nhèm vùng biển chồng lấn

Theo thống kê của BĐBP tỉnh, năm 2014 tại BR-VT có 8 vụ tàu cá đánh bắt hải sản trái phép bị các nước Indonesia, Malaysia, Campuchia bắt giữ, với tổng số 21 tàu và 138 ngư dân. Năm 2015, có 11 vụ tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài với 31 tàu, 260 ngư dân. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, đã xảy ra 31 vụ vi phạm vùng biển Indonesia, Malaysia với 52 tàu và 405 ngư dân bị bắt giữ. Đa số tàu cá bị bắt trong thời gian qua đều hành nghề cào đôi của ngư dân ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), một số ít của ngư dân TP. Vũng Tàu.

Gần đây nhất, lúc 8 giờ tối 17-6-2016 tại tọa độ 06001’N-107004’E (vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam-Indonesia), tàu Hải quân Indonesia bắt cùng lúc 5 tàu cá của ngư dân tỉnh BR-VT (BV 92638-92639-5162-0409-4557) đưa về đảo Natuna Bắc Indonesia xử lý. Trước đó một ngày, lúc 7 giờ 30 phút ngày 16-6-2016 tại tọa độ 06035’N-109005’E, lực lượng Cảnh sát biển Indonesia cũng vây bắt 5 tàu cá của BR-VT (BV 5286-5295-0775-94863 và một tàu cá không rõ số hiệu).

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Trinh sát BĐBP tỉnh cho biết, nhiều trường hợp tàu đánh cá của ngư dân bị bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng cũng có một số tàu đánh cá của ngư dân bị bắt giữ ở vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và nước bạn như trường hợp 5 chiếc tàu của ngư dân BR-VT bị bắt tối 17-6-2016 nêu trên.

Theo báo cáo của Sở Ngoại vụ, riêng 6 tháng đầu năm 2016, Sở Ngoại vụ đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia và Malaysia thực hiện thủ tục để đưa 20 tàu cá và 155 ngư dân bị bắt về nước. Hiện tại, nhiều ngư dân vẫn còn nợ Quỹ bảo trợ công dân do Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia tạm ứng để mua vé máy bay về nước.

Nguyên nhân vi phạm

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Trinh sát BĐBP tỉnh, sở dĩ tàu cá đánh bắt vùng biển nước ngoài có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây vì vùng biển Việt Nam hải sản đã cạn kiệt. Một số ngư dân có kinh nghiệm đánh bắt hải sản cho biết, hiện nay trữ lượng cá ngoài khơi trên vùng biển nước ta giảm đáng kể, chất lượng sản phẩm đánh bắt cũng giảm; sản phẩm đánh bắt chủ yếu là các loại cá tạp.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, nếu như vào giai đoạn 1990 -2000, sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh đạt trên 500 ngàn tấn/năm, thì năm 2015 sụt giảm chỉ còn khoảng 300 ngàn tấn. Ông Nguyễn Ngọc Triển (ngụ ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), đã từng làm nghề đi biển than, nghề cá giờ gặp muôn vàn khó khăn, nhiều chuyến biển chủ tàu may lắm mới hòa vốn.

Có không ít chủ tàu trước đây phất lên nhờ nghề đi biển, nhưng sau này càng đi càng lỗ nặng. “Biển cạn kiệt quá rồi! Nếu trong vùng biển Việt Nam còn hải sản, chúng tôi đâu phải tốn công sức, thời gian và xăng dầu đánh bắt tại vùng chồng lấn của nước ngoài để bị vi phạm”, ông Triển chia sẻ.

Trong lúc ngư dân đánh bắt trong vùng biển Việt Nam bị thua lỗ thì xuất hiện đường dây chuyên môi giới cho một số tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài.

Ông Hồ Minh Lưu (chủ cặp ghe cào đôi bị Indonesia bắt đã đề cập ở trên cho hay, theo đường dây này, tàu cá Việt Nam muốn đánh bắt hải sản ở vùng biển Indonesia phải bỏ ra 12.500 USD/cặp/tháng. Sau khi nhận tiền, người đứng ra môi giới sẽ phát một tấm bảng ghi chữ Indonesia màu đen hoặc màu đỏ để treo trên tàu.

Ông Lưu cũng như nhiều chủ ghe giã cào ở xã Phước Tỉnh mấy năm qua đều chấp nhận bỏ ra số tiền trên để được đánh bắt trong vùng biển Indonesia. Bởi, vùng biển này hải sản dồi dào, dù bỏ ra số tiền trên, vẫn có lãi gấp đôi so với đánh bắt trong vùng biển Việt Nam. “Cặp ghe của tôi bị Indonesia bắt là do gần đây người đứng ra môi giới không nhận tiền của tàu cá Việt Nam với lý do “bên đó” đang siết chặt việc đánh bắt hải sản trái phép”, ông Lưu tiết lộ.

“Đa số tàu cá Việt Nam bị bắt vừa qua là do không nằm trong đường dây môi giới. Hiện lực lượng Biên phòng đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra đường dây này”, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Trinh sát BĐBP tỉnh nói.

Theo Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia, trong năm 2015, có 157 tàu cá đánh bắt hải sản bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia đã phải chịu những hình thức xử phạt của nước này. Trong số tàu nói trên có 84 tàu cá nước ngoài, gồm Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Năm 2015, các cơ quan chức năng Indonesia cũng đã phối hợp với Hải quân và lực lượng cảnh sát biển đánh chìm tổng cộng 113 tàu thuyền đánh bắt hải sản trái phép.


Có thể bạn quan tâm

Trách nhiệm hơn với kho báu cá tra Trách nhiệm hơn với kho báu cá tra

Với việc ban hành hợp đồng mẫu trong mua bán, liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra, UBND tỉnh An Giang đã tạo ra căn cứ pháp lý quan trọng để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị cá tra, được đánh giá là “kho báu” vô tận của vùng ĐBSCL. Nếu triển khai nghiêm túc việc ký kết và thực thi mẫu hợp đồng này, sẽ tạo điều kiện cho “kho báu” cá tra phục hồi và phát triển bền vững hơn.

28/07/2016
Người nuôi trồng lo lắng Người nuôi trồng lo lắng

Qua thông tin có hơn 800 sản phẩm nuôi trồng thủy sản - NTTS (gồm: 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường NTTS) của 72 doanh nghiệp không được khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nhưng vẫn có trong danh sách các sản phẩm được lưu hành trên thị trường, nhiều hộ NTTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tỏ ra bất bình và lo lắng.

28/07/2016
Sau sự cố Formosa nghề nuôi tôm ven biển sắp chết rồi! Sau sự cố Formosa nghề nuôi tôm ven biển sắp chết rồi!

"Không phải chỉ mỗi ngư dân vươn khơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố Formosa xả thải ra biển, chúng tôi – những doanh nghiệp, hộ gia đình nuôi tôm ven biển cũng đang lao đao vì tôm thu hoạch không bán được...".

28/07/2016
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.