Trách nhiệm hơn với kho báu cá tra
Nghiêm túc về thông tin
Để phù hợp tình hình thực tế và định hướng lâu dài, UBND tỉnh ban hành 2 mẫu hợp đồng là hợp đồng mua bán cá tra và hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện các hợp đồng mẫu này.
Khi ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp (DN) và tổ chức đại diện của nông dân (hoặc ký trực tiếp từng nông dân), bắt buộc phải được thực hiện tại địa phương có vùng nuôi, có sự chứng kiến, xác nhận của chính quyền địa phương, có ghi cụ thể số chứng thực hợp đồng và lưu 1 bản chính tại UBND xã, phường, thị trấn. Sau khi kết thúc hợp đồng, 2 bên phải ký thanh lý hợp đồng và cũng được chính quyền địa phương xác nhận.
Hợp đồng được thực hiện căn cứ Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24-11-2015. Trong đó, phần DN (bên A) phải có đầy đủ tên DN, địa chỉ trụ sở chính, điện thoại, fax, số tài khoản, mã số thuế, tên và chức vụ người đại diện theo pháp luật (nếu đại diện ủy quyền thì phải có giấy ủy quyền hợp lệ). Đối với tổ chức đại diện của nông dân (bên B) cũng phải có đầy đủ về tên tổ chức và các thông tin như DN. Nếu bên B là nông dân riêng lẻ thì điền đầy đủ họ tên, năm sinh, chứng minh nhân dân, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản.
Việc yêu cầu điền đầy đủ thông tin nhằm giúp các bên hiểu rõ về nhau, tránh thông tin mập mờ như kiểu hợp đồng do thương lái (hoặc DN) soạn thảo lâu nay, thường thiếu những thông tin cụ thể về đơn vị thu mua, tư cách pháp nhân của người đại diện…
Cụ thể, rõ ràng, minh bạch
Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý về các điều khoản thi hành của hợp đồng. Tên hàng được quy định là cá tra nguyên liệu, xác định chính xác vị trí nuôi, quy cách (kích cỡ cá, trọng lượng bình quân), màu sắc. Về phẩm chất, không được sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng (tăng trọng), các chất kháng sinh và thuốc phòng trị bệnh thủy sản nằm trong danh mục cấm sử dụng của Bộ NN-PTNT.
Đối với các loại kháng sinh và thuốc phòng trị bệnh thủy sản nằm trong danh mục cho phép, cũng phải hạn chế sử dụng trước thời điểm thu hoạch. Cá tra khi bán phải còn sống, không bị trầy da, bụng trâu, bị bệnh, dị tật, không còn thức ăn trong dạ dày.
Khi ký hợp đồng, số lượng cá, giá bán được xác định từ đầu, không thay đổi. Bên A phải thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho bên B theo thời hạn rõ ràng. Trong trường hợp bên A thanh toán tiền không đúng thời hạn thì phải chịu phạt 20%/giá trị hợp đồng. Khi giao nhận cá tra, 2 bên phải lập biên bản giao nhận xác nhận rõ số lượng, chất lượng, quy cách… Nếu có tranh chấp thì phải lập biên bản, cần thiết mời người làm chứng hoặc đơn vị giám định độc lập.
Trong quá trình thu mua, việc tổ chức phương tiện vận chuyển và chi phí bốc xếp xuống ghe, lên nhà máy do bên A chịu; bên B chỉ chịu chi phí bốc xếp từ ao đến phương tiện vận chuyển của bên A. Việc phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 8.
Theo đó, nếu đến mùa thu hoạch cá tra mà bên A từ chối không mua thì sẽ mất tiền đặt cọc; nếu bên B từ chối bán thì phải hoàn trả 200% số tiền đặt cọc. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có những vướng mắc phát sinh, các bên phải kịp thời thông báo cho nhau biết và tích cực giải quyết trên cơ sở thương lượng, hòa giải, bình đẳng cùng có lợi. Nếu không giải quyết được bằng phương pháp hòa giải, một trong các bên có thể kiện ra tòa án (Điều 9).
Riêng đối với hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra, bên cạnh các điều khoản như hợp đồng mua bán, còn có thêm các nội dung như: Bên A cam kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm cá tra nguyên liệu do bên B sản xuất. Bên B cũng cam kết sản xuất và bán sản phẩm cá tra cho bên A trong thời gian quy định. Bên A cung cấp (bán ghi nợ/ứng trước) giống và vật tư để bên B sản xuất cá tra đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng…
Trên cơ sở Tờ trình số 85/TTr-SNN&PTNT, ngày 30-5-2016, của Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi đã ký Quyết định số 1663/QĐ-UBND, ngày 17-6-2016, ban hành hợp đồng mẫu trong mua bán, liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, cần sớm triển khai trong thực tế.
Có thể bạn quan tâm
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hoạt động nuôi trồng thủy sản trong tháng Bảy vẫn gặp nhiều khó khăn, giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm mạnh.
Cơ quan chức năng kết luận, cá chết hàng loạt ở hồ Mật Sơn (Thanh Hóa) do nước hồ bị ô nhiễm, mật độ nuôi cá quá lớn, thời tiết nắng nóng…
Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện công suất nhỏ phát triển đã khiến nguồn lợi tự nhiên đang có nguy cơ ngày một cạn kiệt, hiệu quả khai thác giảm hẳn.