Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Trăn trở nuôi thủy sản vùng Đồng Tháp Mười

Trăn trở nuôi thủy sản vùng Đồng Tháp Mười
Tác giả: Trần Vân
Ngày đăng: 10/08/2019

Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của ĐBSCL (thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang), diện tích 697.000 ha. Vùng này có hệ sinh thái động thực vật hết sức đa dạng. Thông qua thực trạng nuôi trồng thủy sản tại đây, nhiều giải pháp đã được đề xuất.

Cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu cá tra 

Thực trạng

Thống kê đến năm 2018, diện tích thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười là 14.713 ha; sản lượng đạt 634.465 tấn, trong đó sản lượng cá tra chiếm tỷ lệ cao nhất. Nuôi trồng thủy sản tại Đồng Tháp Mười đã có từ lâu đời và đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế của vùng, là ngành mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Thế mạnh của vùng là nuôi thủy sản trong mùa lũ, với các mô hình nuôi lồng, vèo trên sông hoặc nuôi trong ao hay nuôi cá trên ruộng lúa. Đối tượng nuôi chính là các loại cá đồng như: cá lóc, trê vàng, rô, cá tra, thát lát, rô phi, sặc rằn, điêu hồng, chép… Ngoài ra, một số đối tượng thủy đặc sản cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được phát triển nuôi như: tôm càng xanh, lươn, ếch, chạch lấu, ba ba, cua đinh…

Về sản xuất giống, bên cạnh sản xuất giống một số đối tượng cá bản địa phù hợp với thổ nhưỡng, nguồn nước của vùng như cá tra, trê vàng, lóc, mùi, sặc rằn, rô phi…, các trung tâm sản xuất giống trong vùng còn nghiên cứu sản xuất giống một số đối tượng mới như cá lăng, ba ba, cua đinh, cá hô, chạch lấu…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển thủy sản của vùng vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế như: Biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng bất thường là điều kiện thuận lợi cho bệnh thủy sản phát sinh; Quản lý chất lượng giống còn nhiều bất cập, khó kiểm soát chất lượng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Công tác quản lý chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản gặp nhiều khó khăn; nuôi trồng thủy sản chưa chú trọng tới việc đa dạng hóa loài nuôi, làm tăng rủi ro và giảm tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái; Công tác giám sát vùng nuôi, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất tại nhiều địa phương chưa có hoặc hoạt động chưa hiệu quả; Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm nguồn nước do thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp; Tình trạng “được mùa - rớt giá” hoặc “được giá - mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra…

Giải pháp

Nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt bền vững vùng Đồng Tháp Mười, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đề xuất một số định hướng nghiên cứu: Chọn lọc cá giống kháng được một số bệnh; Nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất giống một số đối tượng nuôi như cá bông lau, hô, chạch lấu, vồ cờ; Tiếp tục nghiên cứu nuôi cá tra bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước; Các trại sản xuất địa phương tiếp nhận cá bố mẹ chọn giống và đẩy mạnh sản xuất cá bột tại chỗ đạt chất lượng; Nghiên cứu ương cá tra hai giai đoạn trên bể và ao bạt; Sản xuất giống và nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ruộng ngập lũ và ao; Nghiên cứu các giải pháp phòng trị bệnh tổng hợp trong ương cá tra.

Để ngành cá tra có thể phát triển bền vững, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Cụ thể: Thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành hàng; Phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới; Thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành; Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam; Phổ biến và hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống, nuôi, thức ăn.

Đại diện Vụ nuôi trồng thủy sản nhấn mạnh, để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt bền vững cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ con giống từ nơi sản xuất, tăng cường kiểm dịch để đảm bảo chất lượng giống, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cần quy hoạch vùng nuôi và quản lý quy hoạch; Đầu tư và tạo điều kiện cho phát triển vùng sản xuất tập trung, quản lý đầu vào; Tạo điều kiện về cơ chế cho những doanh nghiệp, nông hộ mở rộng quy mo sản xuất theo hướng áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật và nuôi trồng thủy sản … Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi các đối tượng cá nước ngọt chủ lực, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực sản xuất cho người nuôi, đặc biệt phòng trừ bệnh hại và quản lý môi trường nuôi; Các Viện nghiên cứu thủy sản nhanh chóng tổng kết những tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, nông hộ, hệ thống khuyến nông địa phương để mở rộng phục vụ sản xuất đại trà; Các doanh nghiệp cung cấp đầu vào và thu mua sản phẩm cần có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết sản xuất với người nuôi theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện phát triển bền vững cả cho doanh nghiệp và nông dân.

Một số mô hình nuôi thủy sản hiệu quả tại vùng Đồng Tháp Mười: Nuôi cá tra theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC tạo vùng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến xuất khẩu; Luân canh tôm - lúa thu lợi nhuận bình quân khoảng 42 triệu đồng/ha (2015); Nuôi lươn trong bạt, cá lồng/vèo trên sông, nuôi ếch… được xem là mô hình phù hợp với kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ.


Có thể bạn quan tâm

Bạch tuộc Việt Nam rộng cửa sang Hàn Quốc Bạch tuộc Việt Nam rộng cửa sang Hàn Quốc

Việt Nam hiện là nhà cung cấp bạch tuộc lớn thứ ba tại thị trường Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Peru.

09/08/2019
Tiềm năng nuôi cá chình, cá bống tượng tại Cà Mau Tiềm năng nuôi cá chình, cá bống tượng tại Cà Mau

Ông Huỳnh Văn Hận nuôi cá chình, cá bống tượng trên diện tích 1,3ha với 21 ao nuôi. Sau mỗi vụ nuôi, gia đình ông lãi hơn 300 triệu đồng.

09/08/2019
Phòng, trị bệnh trên cá biển Phòng, trị bệnh trên cá biển

Cá chẽm có biểu hiện kém ăn, bỏ ăn, cơ thể chuyển màu đen. Một số con nổi lên tầng mặt sau đó từ từ chìm xuống đáy và chết. Xin hỏi đây là bệnh gì, biện pháp

10/08/2019
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.