Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Phòng, trị bệnh trên cá biển

Phòng, trị bệnh trên cá biển
Tác giả: Ban KHKT
Ngày đăng: 10/08/2019

Hỏi: Cá chẽm có biểu hiện kém ăn, bỏ ăn, cơ thể chuyển màu đen. Một số con nổi lên tầng mặt sau đó từ từ chìm xuống đáy và chết. Xin hỏi đây là bệnh gì, biện pháp chữa trị ra sao? (Trần Huy Liệu, phường Đại Yên, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)

Trả lời:

Với các triệu chứng trên, có thể cá chẽm đã bị nhiễm virus. Nguyên nhân gây bệnh là do Iridovirus. Virus ký sinh ở thận, gan, lá lách của cá. Cá bệnh xuất hiện các mụn phồng rộp màu trắng trên thân, vây. Khi bị nặng, cá nổi lên tầng mặt sau đó từ từ chìm xuống đáy và chết, nên gọi là bệnh “cá ngủ”. Bệnh xảy ra ở giai đoạn cá giống và cá thịt, tỷ lệ chết 80 - 90%. Mùa vụ phát bệnh khoảng tháng 3 đến tháng 8.

Bệnh do virus nên chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Trong quá trình nuôi, cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, không để cho cá sốc vì các yếu tố môi trường. Lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng, không nhiễm mầm bệnh virus. Sử dụng thức ăn có dinh dưỡng tốt, thức ăn tươi sống cần được nấu chín tránh nhiễm bệnh và ô nhiễm môi trường. Vào mùa phát bệnh, cần cho cá ăn thêm Vitamin C với liều lượng 20 - 30 mg/kg cá/ngày, mỗi tháng cho ăn một đợt, mỗi đợt khoảng 7 - 10 ngày.

Hỏi: Cá bớp có thân sẫm màu, bơi trên tầng mặt, mắt lồi, xuất huyết ở mắt và gốc vây. Một số vùng ở da xuất hiện đốm đỏ. Xin hỏi nguyên nhân và giải pháp khắc phục? (Thái Văn Thắng, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang)

Trả lời:

Theo mô tả, cá bớp có thể bị bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus. Bệnh xuất hiện gây tổn thất lớn, tỷ lệ chết lên tới 60 - 100%. Bệnh đã và đang là mối đe dọa cho nhiều loài cá biển. Cá bị bệnh thường bỏ ăn nên khó đưa thuốc điều trị vào cơ thể. Phòng bệnh là biện pháp quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh cá, bao gồm: Giữ chất lượng môi trường nước tốt, tránh hiện tượng cá bị sốc môi trường; Chọn mua con giống khỏe mạnh ở vùng sản xuất không xảy ra dịch bệnh, thả cá cùng kích cỡ; Mật độ thả phù hợp.  

Khi phát hiện bệnh, cần loại bỏ cá yếu, cá nhiễm bệnh ra khỏi ao, lồng; Thực hiện các quy định ngăn chặn triệt để lây lan truyền bệnh từ cá vùng này sang cá vùng khác; Tiến hành tẩy trùng và vệ sinh trại cá; các dụng cụ nuôi lưới, vợt, vèo, thau, bể... phải được khử trùng sạch sẽ, ngâm trong dung dịch Formalin 1%  hoặc trong 100 mg Chlorine/1 lít trong 30 phút đến 1 giờ. Để trị bệnh, cần cải thiện môi trường nuôi bằng hóa chất diệt khuẩn như TCCA, BKC… Trị bệnh bằng cách sử dụng acid oxolinic cho ăn hoặc tắm perfuran. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Tôm dọn hồ - một thay thế mới để kiểm soát ký sinh trùng cho trang trại cá Tôm dọn hồ - một thay thế mới để kiểm soát ký sinh trùng cho trang trại cá

Tôm dọn hồ Peppermint đang cho thấy tiềm năng như một sự thay thế tự nhiên cho phương pháp điều trị sức khỏe cá thông thường trong nuôi trồng thủy sản.

09/08/2019
Bạch tuộc Việt Nam rộng cửa sang Hàn Quốc Bạch tuộc Việt Nam rộng cửa sang Hàn Quốc

Việt Nam hiện là nhà cung cấp bạch tuộc lớn thứ ba tại thị trường Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Peru.

09/08/2019
Tiềm năng nuôi cá chình, cá bống tượng tại Cà Mau Tiềm năng nuôi cá chình, cá bống tượng tại Cà Mau

Ông Huỳnh Văn Hận nuôi cá chình, cá bống tượng trên diện tích 1,3ha với 21 ao nuôi. Sau mỗi vụ nuôi, gia đình ông lãi hơn 300 triệu đồng.

09/08/2019