Tràn lan và khó kiểm soát
Khi tôm bị bệnh, người nuôi thường sử dụng kháng sinh trộn trong thức ăn rất nhiều hòng cứu hồ tôm nuôi
Mạnh ai nấy dùng
Ông M. ở xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, một hộ dân nuôi tôm trên cát nhiều năm khẳng định: “
Nuôi tôm mà không sử dụng kháng sinh thì không thể phòng trị bệnh hiệu quả được.
Người uống thuốc nào thì tôm cũng “uống” thuốc đó thôi”.
Mới nghe qua, cứ tưởng rằng chuyện đùa. Thế nhưng, về các địa phương Quảng Ngạn, Điền Hòa, Phong Hải tìm hiểu mới thấy đây là thực trạng đáng báo động!
Ghé một số hộ dân nuôi tôm ở thôn Trung Hải, xã Quảng Ngạn, trong vai một sinh viên ĐH Nông lâm về tìm hiểu quá trình chăm sóc, phòng trị bệnh trên tôm nuôi, ông N. (thôn Trung Hải) cho biết: “Với hồ 2.000m2, thả 50 vạn tôm sau khoảng 2,5 tháng cho thu hoạch khoảng 5 tấn tôm.
Ngoài chi phí lớn như thức ăn, con giống, người nuôi phải bỏ ra từ 50 - 60 triệu đồng tiền các thuốc tây, muối khoáng, men tiêu hóa… để phòng và trị bệnh cho tôm.”
Nói đoạn, ông N. vào trong lán trại đưa ra cơ man nào là các loại như men tiêu hóa DH, thuốc diệt khuẩn W99, khoáng bổ sung cho tôm Pre-mix cùng những thứ thuốc tây như Biolacplus, Teraxinlin, Becberin.
Thuốc tây được sử dụng khá phổ biến trong vùng nuôi tôm Ngũ Điền
Ông N. nói về cách pha chế: “Tùy theo lượng tôm trong hồ cũng như “tuổi” tôm mà pha chế các loại thuốc kháng sinh vào thức ăn cho phù hợp. Tôm càng nuôi về giai đoạn sau, hoặc đang bị bệnh thì phải tăng cường thuốc.
Cứ 1kg thức ăn có thể trộn từ 10 - 20 gram Becberin, Oxyteraxilin; từ 5 - 10 viên Biolacplus, Boganic để phòng trừ các bệnh liên quan đường tiêu hóa, bệnh gan. Cách thức trộn có thể hòa trong nước hoặc bỏ vào máy sinh tố đánh nhuyễn rồi trộn vào thức ăn”. “Sử dụng thuốc tây nhiều có ảnh hưởng chất lượng tôm không?- tôi hỏi.
Ông N. thú thật: “Không bán cho công ty được thì bán cho thương lái trên địa bàn, có sao đâu”.
Theo các chủ hồ nuôi, các loại thuốc tây, trong đó có kháng sinh, chủ yếu mua từ các tiệm thuốc tây trên địa bàn.
Đi lên vùng Ngũ Điền- “vựa” tôm lớn tỉnh, tình trạng sử dụng thuốc tây, trong đó có kháng sinh cũng đang rất phổ biến. Ông B. (thôn Hải Đông, xã Phong Hải), tiết lộ:
“Nếu nuôi bình thường mình chỉ sử dụng tây dược nhằm bổ sung khoáng chất, men… ở mức độ vừa phải để phòng bệnh, còn khi tôm đã bị bệnh, người nuôi không cách nào khác phải sử dụng các loại kháng sinh để trị bệnh. Một hồ tôm bị bệnh khi đã lớn có thể “ngốn” cả trăm triệu đồng tiền thuốc.”
Các loại thuốc tây ông B. sử dụng như Biosubtyl, Kacmanut, Biobiclilis giá vài trăm nghìn đồng/hộp; trong đó có Oxyteraxilin, mua mỗi thùng 20kg giá khoảng 10 triệu đồng. Ông B. cho biết:
“Thuốc này là kháng sinh để trị bệnh trên tôm, dạng bột, có màu vàng. Khi tôm bị bệnh đã nổi lởm chởm trên mặt hồ thì sử dụng thuốc trộn tỷ lệ 10 - 20 gram/kg thức ăn phả xuống hồ.
Thông thường, khi cuối vụ sử dụng các loại kháng sinh, thì mình phải giãn thời gian ra. Nếu không, khi bán cho các công ty thu mua tôm trên địa bàn, họ kiểm tra sản phẩm không đạt là họ không mua.”
Khó kiểm soát
Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, từ trước đến nay người nuôi tôm trên địa bàn ngoài sử dụng các loại khoáng, chế phẩm bổ sung nằm trong danh mục cho phép được bán ở các đại lý, thời gian gần đây bà con còn sử dụng thuốc nam trong tôm nuôi.
“Còn việc sử dụng tây dược, trong đó có kháng sinh cho tôm nuôi thì địa phương chưa nắm được”- ông Khánh khẳng định.
Ông Nguyễn Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn cũng khẳng định: “Địa phương cũng chưa hề nghe đến việc sử dụng thuốc tây trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Sắp đến sẽ phối hợp các ngành liên quan kiểm tra”.
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho biết: “Hiện nay, người nuôi có sử dụng tây dược, có cả kháng sinh trong việc nuôi tôm để trộn vào thứ ăn.
Tuy nhiên, chỉ sử dụng trong trường hợp tôm đã bị bệnh.
Trước thời gian thu hoạch người nuôi “giãn ra” để các dư lượng tồn đọng trong tôm được đào thải”.
Để quản lý, kiểm soát các loại thuốc tây dược trong nuôi trồng thủy sản nói chung, ông Bình thừa nhận:
Khi người nuôi tôm chủ yếu các hộ cá nhân mua các loại thuốc tây trôi nổi thì “cũng không biết đâu mà lần”. Mỗi tháng, đơn vị đều về các vùng tập trung nuôi để test sản phẩm tôm.
Đến nay, vẫn chưa phát hiện các trường hợp có tồn dư các chất cấm như Cloramphenicol, Miccrophuram, Xanhmarachit. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng do điều kiện khách quan nên cũng chỉ kiểm tra được một số các chất cấm chứ không thể kiểm soát hết được.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng: “Hàng tháng, đơn vị cũng phối hợp với Chi cục NTTS, thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh kiểm tra định kỳ và ngẫu nhiên các vùng nuôi tôm tập trung, đặc biệt là các vùng nuôi có dịch bệnh theo Thông tư 45 của Bộ NN&PTNT, tiến hành lấy mẫu kiểm tra, truy xuất nguồn gốc để xử lý.
Tuy nhiên, việc lấy mẫu kiểm tra do kinh phí có hạn nên nhiều lúc hiệu quả cũng chưa cao”.
Ông Hưng cũng thừa nhận, biện pháp hiện nay chủ yếu thông qua chính quyền địa phương để tuyên truyền người dân là chính. Người nuôi tôm nếu sử dụng kháng sinh thường xuyên, xuất bán ngay thì có thể nguy hiểm cho người tiêu dùng.
“Tôm thẻ chân trắng hiện nay trên địa bàn tỉnh thả nuôi khoảng trên 500 ha. Việc sử dụng các loại kháng sinh trong NTTS theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, người nuôi phải ngưng hoặc giảm lượng thuốc trong 4 tuần trước khi thu hoạch. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng, tiêu chuẩn của thị trường.
Hiện nay, việc sử dụng thuốc tây trong nuôi tôm khó kiểm soát được.”- Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, nói.
Có thể bạn quan tâm
Không chỉ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mà anh thương bình Vũ Ngọc Nhanh ở thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp (huyện CưM’gar- Đắk Lắk) còn giữ vững danh hiệu này suốt 06 năm qua.
Đang có công việc ổn định với thu nhập khá ở Hà Nội, nhưng vì đam mê... lợn rừng mà anh Thái Đình Hải (27 tuổi) quyết định về quê ở Nghệ An thực hiện niềm đam mê của mình.
Với 100m2 chuồng trại nuôi 25 con lợn rừng lai, trừ chi phí mỗi năm ông Chu Ngọc Trai, ở khu 16, xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ lãi khoảng 80 triệu đồng.
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng đối với cán bộ, hội viên nông dân trong xã Hào Lý huyện Đà Bắc- Hòa Bình.
Từ năm 2006, xóm 13 xã Nghi Long huyện Nghi Lộc (Nghệ An) được xã và huyện chọn làm điểm xây dựng cánh đồng 50 triệu với quy hoạch ban đầu chỉ có 5 ha, cơ cấu vụ xuân trồng lạc, vụ hè thu trồng dưa hấu và vụ đông trồng rau xanh hàng hoá.