Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trái Cây Mùa... Dội Chợ

Trái Cây Mùa... Dội Chợ
Ngày đăng: 30/06/2014

Chưa năm nào trái cây lại nhiều và rẻ như năm nay. Khắp các chợ, trái cây nhiều ê hề, ngon và đẹp bày ra trước mắt người tiêu dùng nhưng sức mua không tăng khiến giá các loại trái cây liên tục giảm mạnh.

Chôm chôm, vải thiều, bòn bon, măng cụt, thanh long, mãng cầu có mặt khắp các chợ, trên các con đường buôn bán. Rộ và nhiều, hầu hết các loại trái cây đã giảm giá còn một nửa so với cùng thời điểm năm trước nhưng không dễ tiêu thụ.

Ê hề chợ đầu mối

Trái cây về chợ tăng mạnh

Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết hiện bình quân mỗi đêm có khoảng 2.000 tấn hàng về chợ, trong đó lượng trái cây chiếm tới 70% thay vì 50% như trước. Lượng trái cây tăng mạnh, tiêu thụ không kịp đã khiến hàng bị ùn ứ, giá cũng giảm rất mạnh so với trước đây. Bình quân giá nhiều mặt hàng giảm từ 30-50% so với đầu mùa.

Chỉ mới hơn 23g, từng đoàn xe đã tấp nập nối đuôi nhau vào bỏ hàng cho các chủ sạp tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM). Hàng chục xe tải loại lớn thậm chí đã ghé từ tối để bỏ hàng cho các chủ sạp. Vừa dỡ hàng xuống khỏi các xe công (container), trái cây đã ngay lập tức được trưng ra đủ loại để chào mời khách.

Dạo một vòng quanh chợ có thể thấy các loại trái cây như vải, chôm chôm, bòn bon, măng cụt, nhãn... đều tràn ngập do vào vụ thu hoạch rộ. Vừa thấy chúng tôi, một người quen là chủ sạp chuyên bán chôm chôm than thở chuyện giá liên tục rớt mạnh, mới vài ngày gần đây giá chôm chôm đã giảm từ 13.000 đồng xuống còn 10.000 đồng/kg.

Ghé vào khu vực có tới 3-4 container chở vải thiều đang đưa hàng xuống, đã có sẵn hơn chục sạp hàng chuyên bán vải thiều hoạt động nhộn nhịp với tiếng rao giảm giá. Trong khi đó, các chủ sạp chợ lẻ, khách đưa hàng đi tỉnh đổ xô vác hàng chất lên xe tải nhỏ, xe ba gác chuyển đi.

Nhân viên sạp hàng Thanh Uyên liên tục rao xổ hàng: “Vải thiều Lục Ngạn ngọt lịm, bao đủ ký, xổ hàng còn 320.000 đồng/thùng đây”. Theo các nhân viên, riêng sạp Thanh Uyên đã bán hết bảy container vải (khoảng 15 tấn/xe) trong đêm 27-6.

Mức tiêu thụ này vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước đạt trên 10 container/đêm. Đặc biệt, giá vải liên tục rớt do lượng hàng đổ về nhiều. So với thời điểm đầu vụ, giá vải giảm một nửa từ 30.000 đồng xuống còn 15.000 đồng/kg.

“Ban đêm một thùng 24kg có giá 350.000-360.000 đồng nhưng đến sáng xổ giá chỉ còn 320.000 đồng/ thùng. Tuy nhiên, so với những loại trái cây khác, vải có sức tiêu thụ mạnh hơn khá nhiều” - ông chủ sạp Thanh Uyên cho hay.

Bà Năm Nhu, chủ sạp E6-22 chuyên bán các loại thanh long từ Bình Thuận, cho biết hiện mỗi đêm sạp bán tối đa được 50 giỏ hàng (mỗi giỏ 70kg) thay vì 70-100 giỏ trong thời gian trước. Để hút khách, bà buộc giảm giá xuống còn 3.000 đồng/kg (loại ruột đỏ) và 5.000 đồng/kg (loại ruột trắng).

“Chưa năm nào thanh long rớt giá mạnh như năm nay, thời điểm này năm trước giá thanh long dao động 7.000-10.000 đồng/kg và có xu hướng tăng lên. Tuy thời điểm này đang rơi vào cuối vụ thu hoạch nhưng giá thanh long vẫn lẹt đẹt không nhích lên nổi” - bà Năm Nhu nói.

Theo bà Năm Nhu, ngoài chuyện trái cây về quá nhiều, thương lái từ các địa phương cũng ưu ái chọn mua các loại vải thiều, măng cụt nhiều hơn do chỉ có một vụ trong năm, thay vì có quanh năm như một số loại trái cây khác.

Kéo dài buổi chợ vẫn đọng hàng

“10 ngàn năm trái thơm chú ơi” - tiếng một tiểu thương kinh doanh trái cây tại chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) vang lên mời chào khách. Bà chủ tên Nguyễn Thị Hiện này vẫn còn hơn 100kg thơm vàng rực chất thành đống lớn đổ ra cho người dân đi chợ qua lại lựa chọn.

Chị Hiện cho biết sáng ra bán còn 5.000 đồng hai trái nhưng đến tầm trưa, chiều thấy chợ ế khách xổ rẻ bởi ôm hàng qua ngày mai là coi như lỗ vốn, không còn đồng lời nào.

Ở một góc chợ tạm trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp), thanh long cũng đổ thành đống lớn, 3-4 sạp liền kề nhau bán hàng trăm ký thanh long từ ruột đỏ cho đến ruột trắng. “Ôi, rẻ như cho chú ơi. Bữa trước còn vài chục ngàn một ký, nay hơn chục ngàn khách còn chê lên chê xuống, chán không buồn bán nữa” - một tiểu thương than.

Khảo sát dọc các tuyến đường bên ngoài vùng ven, trái cây được chất đầy trên các xe đẩy, chở đi khắp các ngõ hẻm rao bán với giá rất rẻ. Dưa hấu được các xe đẩy rao 15.000 đồng/hai trái. Trái thơm thậm chí còn bán 2.000 đồng/trái hay như xoài, chôm chôm cũng chỉ từ 10.000-20.000 đồng/kg.

Tại hàng loạt chợ lẻ nội thành khác như chợ Tân Sơn Nhất (Q.Gò Vấp), Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), tình trạng trái cây ê hề, nhiều và rẻ đến một nửa so với đầu vụ nhưng tiêu thụ vẫn khó khăn.

Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), các tiểu thương cho biết chưa bao giờ xoài cát Hòa Lộc lại thê thảm như hiện nay, chỉ hơn 30.000 đồng/kg, trong khi cách đây vài tháng có khi lên tới 60.000-70.000 đồng/kg.

Tương tự, dưa hấu, bòn bon, chôm chôm cũng rẻ hơn trước rất nhiều. Chôm chôm chỉ 10.000 đồng/kg, bòn bon, măng cụt cũng rớt từ hơn 40.000 xuống còn 22.000 đồng/kg.

Theo quan sát của chúng tôi, trong đêm 27-6 mặc dù trái cây theo các xe tải lớn về tập kết dọc hai nhà lồng A, B và bãi trống trước chợ đầu mối Thủ Đức nhưng người mua chỉ lác đác. “Thông thường, cuối tuần khách từ các tỉnh miền Tây đánh xe lên lấy hàng tấp nập nhưng bữa nay hẻo quá.

Thay vì đóng sạp nghỉ sớm từ 6g nhưng giai đoạn này hầu hết các sạp đều bán đến 8g sáng. Thậm chí nhiều sạp mở bán đến trưa để tranh thủ khách lẻ đến mua” - bà Huyền, chủ sạp chuyên bán măng cụt, cho hay.

Trái cây ngoại nhập cũng ế ẩm và rớt giá

Không chỉ trái cây trong nước, các loại trái cây như bòn bon, măng cụt từ Thái Lan hay xoài từ Campuchia cũng đổ về với số lượng lớn. Lượng cung nhiều trong khi lượng tiêu thụ không tăng tương ứng khiến nhiều loại trái cây ngoại nhập cũng ế ẩm và rớt giá mạnh. Các loại bòn bon đóng thùng ngay ngắn nhập từ Thái cũng rớt từ 300.000 đồng xuống còn 260.000 đồng/thùng (loại 19kg/thùng).


Có thể bạn quan tâm

Thật Hư Về Tác Hại Của Ethoxyquin Thật Hư Về Tác Hại Của Ethoxyquin

Vào cuối những năm 1950, ethoxyquin (tên thương mại là santoquin, santoflex, EQ) đã được cho phép dùng làm phụ gia thực phẩm để bảo quản (E324) chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa sự phân hủy của một số vitamin, ngăn chặn sự phân hóa các chất béo và các hợp chất liên quan, đồng thời ngăn peroxide hình thành trong các loại thức ăn chăn nuôi

15/03/2013
Một Số Khuyến Cáo Trong Nuôi Tôm Công Nghiệp Một Số Khuyến Cáo Trong Nuôi Tôm Công Nghiệp

Vụ mùa năm 2011-2012, ở Cà Mau, dịch bệnh tôm chết gây thiệt hại nặng nề cho nuôi tôm công nghiệp. Đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác nguyên nhân tôm chết và cũng chưa có giải pháp khắc phục tôm chết hiệu quả.

24/06/2013
Tập Huấn Nuôi Tôm Theo Hướng An Toàn, Bền Vững Ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) Tập Huấn Nuôi Tôm Theo Hướng An Toàn, Bền Vững Ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng)

Công ty WWF chi nhánh TP.Cần Thơ phối hợp với UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vừa tổ chức lớp tập huấn nuôi tôm theo hướng an toàn, bền vững cho hơn 60 nông dân của hợp tác xã Quyết Thắng, tổ hợp tác Thuận Thành và tổ hợp tác Phát Tài ở xã Ngọc Tố.

16/03/2013
Chung Sức Xây Dựng Nông Thôn Mới Chung Sức Xây Dựng Nông Thôn Mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự mang lại sinh khí cho vùng nông thôn Cà Mau. Sau 2 năm triển khai, Cà Mau đã xuất hiện những địa phương dẫn đầu trong việc hoàn thành các tiêu chí (trong bộ 19 tiêu chí) xây dựng nông thôn mới.

24/06/2013
Sử Dụng Thức Ăn Công Nghiệp Trong Nuôi Lươn Thương Phẩm Ở Tân Châu (An Giang) Sử Dụng Thức Ăn Công Nghiệp Trong Nuôi Lươn Thương Phẩm Ở Tân Châu (An Giang)

Tại xã Vĩnh Xương, Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu (An Giang) tổ chức hội thảo “Sử dụng thức ăn công nghiệp trong mô hình nuôi lươn thương phẩm”. Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu, quy trình nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn phần lớn sử dụng thức ăn tươi sống, như: Ốc, cua, cá...

16/03/2013