Trái Bưởi Bàn Tay Phật Đã Ra Thị Trường
Bưởi bàn tay Phật được làm từ giống bưởi Năm Roi không hạt của người dân miền Tây...
Lần đầu tiên nông dân trồng bưởi ở ĐBSCL hết sức phấn khởi khi được Cty Nguyễn Gia (Hà Nội) đứng ra cung cấp vật tư (khuôn), kỹ thuật, đồng thời bao tiêu 100% sản phẩm bưởi bàn tay Phật (còn gọi là bưởi lễ Cát Tường) để tung ra thị trường Tết Ất Mùi sắp tới.
Bưởi bàn tay Phật được làm từ giống bưởi Năm Roi không hạt của người dân miền Tây, đặc biệt sản phẩm này được Cty trên ký hợp tác với CLB tạo hình bưởi ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành – Hậu Giang.
Nơi đây đứng ra làm đầu mối với nông dân các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh với diện tích 160 ha, trong đó có khoảng trên 120 nhà vườn trồng bưởi tham gia SX bưởi bàn tay Phật để cung cấp cho Cty.
Ông Võ Trung Thành, chủ nhiệm CLB tạo hình bưởi ở huyện Châu Thành – Hậu Giang là người trực tiếp giám sát lô hàng của Cty cho biết, sẽ đưa ra đại trà thị trường tết năm nay khoảng 3.000 trái bưởi bàn tay Phật.
Cũng theo ông Thành: Đã hơn 5 năm nay, CLB nơi đây chuyên SX bưởi hồ lô bán tết và đã xây dựng được thương hiệu khá vững vàng trên thị trường mỗi khi tết đến.
Nhưng điều đặc biệt năm nay là liên kết với nông dân tạo ra hướng làm ăn mới và đã thành công với sản phẩm bưởi bàn tay Phật (tức bàn tay mềm mại ốp vào trái bưởi, chủ yếu phục vụ thờ cúng, chưng tết, lễ).
Tuy nhiên, để làm ra sản phẩm bàn tay Phật hết sức công phu, đòi hỏi phải có tính tỉ mỉ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác cũng như trong lúc tạo hình để trái cho ra sản phẩm đúng theo ý muốn, đẹp, bóng láng, không tỳ vết… Kể từ tháng 9/2011, CLB của ông Thành đã được Cty cung cấp khuôn và âm thầm nghiên cứu tạo dáng bàn tay Phật trên bưởi nhưng qua nhiều năm đều thất bại.
Đến năm 2014, sản phẩm này mới thành công và có được lô hàng đầu tiên trên 30 trái bưởi bàn tay Phật đã ra mắt thị trường tại Hà Nội vào giữa tháng tháng 11 vừa qua.
Theo nhiều nhà vườn, để làm được sản phẩm bưởi bàn tay Phật rất khó, số lượng trái đạt yêu cầu, đẹp và bắt mắt chỉ khoảng 30% số lượng trong vườn, số còn lại không đạt do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh, cộng thêm tuổi tác của cây cho trái.
Ông Huỳnh Phước Giòn, là một trong những nông dân tham gia sản xuất bưởi bàn tay Phật ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành – Hậu Giang, cho biết: Đã hơn 10 năm trong nghề trồng bưởi, năm nay được Cty đưa khuôn tạo hình cho trái và hứa bao tiêu sản phẩm 100%. Chính vì vậy ông đã nhận lời và tạo dáng khoảng 50 cặp bưởi bàn tay Phật.
Đây cũng là cơ hội mới tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nhà vườn trồng bưởi. “Nếu SX bưởi có bao tiêu như thế này giúp tăng lợi nhuận cao hơn gấp 4-5 lần so với canh tác bưởi thương phẩm, trong khi đó nhà vườn chỉ bỏ công ra làm còn các khâu khác Cty đầu tư cho mình nên rất khỏe, đồng thời cũng mang lại sự bền vững vì có thể SX theo đơn đặc hàng quanh năm”, ông Giòn chia sẻ.
Qúa trình trồng bưởi bàn tay Phật rất kỳ công, để có sản phẩm đẹp phải trọn những trái bưởi khỏe, mau lớn, da bóng cho vào khuôn. Đặc biệt khi bưởi vào khuôn phải có giấy che đậy trên cuống không cho nước mưa và hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào quả bưởi...
Theo ông Thành, kế hoạch của Cty đưa ra là sẽ liên kết với nông dân sang năm 2015, ước sản lượng khoảng 200.000 trái/năm, với diện tích vùng nguyên liệu tăng thêm hàng trăm hécta. Chính vì vậy sẽ mở ra cơ hội mới cho nông yên tâm trồng bưởi.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/trai-buoi-ban-tay-phat-da-ra-thi-truong-post135056.html
Có thể bạn quan tâm
Công ty TNHH Apollo đóng trên địa bàn huyện Đơn Dương, Lâm Đồng vừa sản xuất thành công sản phẩm nấm đông cô khô được chế biến từ nấm đông cô tươi trồng ngay tại nhà xưởng của công ty.
5 năm trở lại đây, cây thanh long phát triển mạnh ở xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) trở thành một trong những cây ăn trái có thế mạnh của địa phương.
Vải thiều chín sớm và vải thiều chín muộn thường cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, tỷ lệ đậu quả đối với vải thiều chín sớm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đòi hỏi các nhà vườn phải có biện pháp chăm sóc thích hợp.
Núi Đại Huệ (Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An) vào thời gian này rực rỡ lạ thường khi mùa hồng bắt đầu chín. Đây là sản vật nổi tiếng của vùng đất bán sơn địa này.
Hiện nhãn Idor tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tăng khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá nhãn Idor mua tại vườn dao động từ 30.000 - 34.000 đồng/kg.