Trại bò sữa đầu tiên trên đất Cảng
Với đàn bò sữa 32 con ban đầu, đến nay chủ trang trại thu lợi nhuận ổn định hơn 200 triệu đồng/tháng.
Năm 2013, với số vốn hơn 3 tỷ đồng, anh Lê Văn Thạch (xã Lê Thiện, huyện An Dương) thuê 5 ha đất hoang hóa ven đê sông Cấm ở thôn Kim Sơn (xã Lê Thiện) để mở trại nuôi bò sữa.
Anh xây khu chuồng trại, khu xử lý chất thải, nhà kho… trên diện tích 3.000 m2, diện tích đất còn lại anh trồng cỏ voi, cỏ VA06 làm thức ăn cho bò.
Xác định khâu chọn giống là quan trọng nhất, anh Thạch cất công lên Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì (Hà Nội) mua bò giống với giá 80 triệu đồng/con. Tuy giá đắt hơn ngoài thị trường nhưng chất lượng con giống đảm bảo.
Theo anh Nguyễn Văn Công, kỹ sư chăn nuôi của trang trại, trong chăn nuôi bò sữa, khâu thú y vô cùng quan trọng, vì thế, trang trại có kỹ sư chăn nuôi chuyên theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bò.
Từng chú bò sữa đều được đánh số thứ tự riêng để thuận lợi cho kỹ sư theo dõi sức khỏe, thể trạng. Thức ăn cho bò là cỏ và thân ngô xay nhỏ, có bổ sung thêm thức ăn tổng hợp.
Khi được khoảng 2 tuổi, bò bắt đầu cho sữa. Anh Công cho biết, khâu vệ sinh có ý nghĩa rất lớn đối với chất lượng nguồn sữa. Trước khi vắt sữa, chuồng trại phải được vệ sinh thật sạch sẽ thì chất lượng sữa mới đảm bảo chất lượng.
Sữa bò được vắt một ngày 2 lần, 6 - 8h sáng và 16 - 18h chiều. Khi vắt sữa bò, cả trang trại tràn đầy tiếng nhạc thuộc đủ thể loại.
Theo anh Thạch, nghe nhạc thích hợp cũng giúp bò không bị giật mình, ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa. Hơn nữa, việc nghe nhạc làm cho bò tăng lượng sữa và tiết sữa đều hơn.
Anh Thạch cũng cho biết, những dòng nhạc êm dịu như nhạc không lời, nhạc cổ điển… rất thích hợp khi vắt sữa.
Sữa sau khi vắt sẽ được cất trữ trong bồn chuyên dụng, được bảo quản bằng máy lạnh duy trì ở 0 độ C. Cứ 2 ngày một lần, Cty CP Sữa Quốc tế (Hà Nội) sẽ về thu mua với giá 12.500 - 13.000 đồng/lít. Hiện, đàn bò cho lượng sữa ổn định từ 450 - 500 lít/ngày.
Đàn bò sữa của gia đình anh Thạch sinh trưởng, phát triển tốt. Từ 32 con bò sữa lai ban đầu, đến nay, đàn bò đã sinh sôi thêm 22 con bê. Trung bình mỗi năm, một chú bò cái trưởng thành sinh một con bê con, chủ yếu là bê cái. Ngoài bán sữa bò, anh Thạch còn bán bò thịt và bê giống.
Anh cho biết, trang trại đạt doanh thu 300 - 500 triệu đồng/tháng, lãi trên 200 triệu đồng. Anh Thạch đánh giá, mô hình này phải đầu tư lớn nhưng dễ thu hồi vốn.
Mô hình thuê đất ruộng mở trại bò sữa của anh Thạch đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân Hải Phòng trong bối cảnh nhiều diện tích đồng ruộng của thành phố đang bị bỏ hoang.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ ưu thế vượt trội, có tới hơn 2/3 tổng đàn vịt ở ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam bộ là giống Vigova. Sức mạnh của con giống tốt đã giúp nông dân làm lợi hàng trăm tỷ đồng/năm…
Nỗi ám ảnh về giống Trung Quốc của bà con nông dân Quảng Nam ngày càng lớn sau câu chuyện cây ớt chết hàng loạt ở Duy Xuyên, Đại Lộc…
Nông dân huyện Chợ Mới (An Giang) đang thu hoạch rộ và trúng mùa trái sơ ri. Đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đầu ra ổn định.
Những ngày này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang cố gắng mở rộng diện tích mãng cầu ta trong toàn tỉnh lên vài ngàn ha thay vì 2.000 ha như hiện nay. Người dân được khuyến khích thâm canh mãng cầu qua việc Trung tâm Khuyến nông của tỉnh giúp nông dân thực hiện những khu vườn mãng cầu thí điểm mà năng suất đạt 7 tấn trái/vụ, với giá bán tùy theo loại, từ 12 - 32 ngàn đồng/kg. Ước tính người trồng mãng cầu thu lãi trên 100 triệu đồng/ha/vụ.
Đây là ý kiến của ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) tại phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội 2013 về vấn đề phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM hiện nay. NTNN xin trích đăng một phần ý kiến của đại biểu Thúy.