Trà Vinh: Đẩy mạnh nuôi lươn đồng thương phẩm
Nhằm phát triển phong trào nuôi lươn đồng tại địa phương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Trà Vinh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm”.
Nuôi lươn đồng thương phẩm đem lại hiệu quả cho nhiều địa phương Ảnh: Nguyên Chi
Lợi nhuận cao
Theo ông Châu Văn Thuận, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Trà Vinh, lươn đồng là đối tượng có giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu thị trường rộng lớn. Nếu được ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ sẽ mang lại thu nhập, lợi nhuận khá cho người sản xuất. Mặt khác, nuôi lươn đồng rất nhàn công chăm sóc, thích hợp với các hộ ít đất sản xuất. Tuy nhiên, quá trình nuôi lươn đồng cũng đòi hỏi các yếu tố nghiêm ngặt về con giống, môi trường nước, nhiệt độ, thức ăn, loại bể nuôi, quy trình chăm sóc… Tại hội thảo, các đại biểu được chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi lươn đồng ở vùng nước ngọt tỉnh Trà Vinh, cách chuẩn bị bể nuôi, các loại máy móc và thiết bị cần thiết, thức ăn, cách phòng và trị bệnh, thời gian thu hoạch…
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh cũng đã triển khai nhiều điểm trình diễn mô hình nuôi lươn không bùn đem lại hiệu quả, được người dân địa phương nhân rộng.
Ông Châu Văn Điền, Phòng NN&PTNT huyện Càng Long cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 7 hộ nuôi lươn đồng trên bể xi măng và bể bạt không bùn, rải rác ở các xã Huyền Hội, Đức Mỹ, An Trường và Tân Bình. Trung bình, mỗi hộ thả nuôi 1.500 - 2.000 con giống trên diện tích khoảng 10 m2; sau 6 tháng thu hoạch cho lợi nhuận hơn 15 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Tư, ấp Giồng Bèn, xã Huyền Hội chia sẻ, gia đình bà xây 3 bể xi măng với tổng diện tích 9 m2, thả nuôi 1.500 lươn cỡ giống 200 con/kg. Đây là giống lươn nhân tạo do phòng nông nghiệp huyện hỗ trợ 100% tiền mua con giống cũng như cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách nuôi và theo dõi suốt quá trình phát triển của lươn. Lươn rất dễ nuôi, phải thay nước hàng ngày để đảm bảo nguồn nước sạch cho lươn phát triển, định kỳ 2 lần trong tuần có bổ sung Vitamin C, chất khoáng và men tiêu hóa để tăng cường sức đề kháng cho lươn. Kết quả, hơn 5 tháng nuôi tỷ lệ lươn sống đạt 90%, trọng lượng lươn bình quân 150 g/con. Tổng thu hoạch 202 kg với giá mua dao động 140.000 - 160.000 đồng/kg, tổng thu hơn 28 triệu đồng, trừ các chi phí người nuôi còn lãi 15,4 triệu đồng.
Để phát triển bền vững
Theo Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh, việc nuôi lươn cũng gặp nhiều khó khăn do kỹ thuật nuôi của các hộ còn hạn chế, nên tỷ lệ lươn nuôi bị hao hụt nhiều, chậm lớn, trong khi giá con giống khá cao.
Để giúp người nuôi yên tâm sản xuất, ngành nông nghiệp huyện đã tăng cường khuyến nông khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cùng đó, khuyến khích người dân chuyển hình thức từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi tập trung quy mô lớn, tham gia tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm và dễ tìm đầu ra cho sản phẩm; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cung ứng con giống, thức ăn...
Nghiên cứu của các chuyên gia Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III tại vùng nước ngọt tỉnh Trà Vinh, lươn đồng là loài cá dữ, ăn thịt, hoạt động về đêm; có phổ thức ăn rộng như: giun, ốc, tôm, tép, cá, nòng nọc…; người nuôi có thể sử dụng thức ăn tươi sống, chế biến hoặc công nghiệp. Lươn đồng sống trong môi trường có pH trung tính, nhiệt độ thích hợp 22 - 280C, cũng có thể sống trong môi trường có hàm lượng ôxy hòa tan thấp. Môi trường sống khá đa dạng như đầm lầy, nước tù đọng, ruộng lúa, sông suối, kênh, ao, mương, hồ tự nhiên hoặc nhận tạo… với độ sâu thấp hơn 3 m. Lươn có khả năng chịu được lạnh và sống được trong môi trường nước lợ. Sau thời gian nuôi 8 - 10 tháng, lươn đạt kích cỡ trung bình trên 200 g/con, người nuôi có thể thu hoạch.
Theo Hội Thủy sản Trà Vinh, để nghề nuôi lươn phát triển hiệu quả và bền vững, ngoài yếu tố chất lượng con giống, ứng dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, thì cũng cần quan tâm đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Hội cũng khuyến cáo người dân tránh chạy theo phong trào, phát triển diện tích nuôi ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu như một số đối tượng thủy sản nuôi trước đây.
>> Ông Phạm Nam Dương, Chủ tịch Hội Thủy sản Trà Vinh cho rằng, để nghề nuôi lươn phát triển hiệu quả và bền vững, các sở, ngành liên quan, các địa phương cần tập huấn cho người nuôi về kỹ thuật sản xuất giống lươn, kỹ thuật xây dựng chuồng trại nuôi, chọn giống thả nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Hạt cải camelina với kích thước siêu nhỏ, có khả năng cân bằng omega-3 và omega-6 đã giúp ngành nuôi trồng thủy sản thế giới, đặc biệt là ngành cá hồi nuôi
Đài Loan yêu cầu các nước XK thủy sản có vỏ vào nước này phải chứng thực nguồn gốc đánh bắt từ vùng nước an toàn và từ các đơn vị kinh doanh hợp pháp.
Trong sản xuất cá giống, việc vận chuyển con giống là khâu quan trọng góp phần nâng cao tỷ lệ sống và quyết định đến hiệu quả sản xuất cu