Tôm Việt Nam vào Mỹ chịu thuế chống bán phá giá thêm 5 năm
Trong đợt xem xét hoàng hôn lần thứ hai (năm năm xem xét một lần) về thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đã thông qua việc áp thuế thêm năm năm đối với sản phẩm này của Việt Nam.
Để được Chính phủ Mỹ xóa lệnh áp thuế CBPG đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, ngành tôm trong nước phải chứng minh và phải được ITC công nhận không gây thiệt hại cho ngành công nghiệp tôm nội địa của quốc gia này. Ảnh: Lê Hoàng Yến.
Theo quyết định của ITC, ngoại trừ Brazil, thì Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam phải chịu thuế CBPG trong năm năm tới, cho đến đợt xem xét hoàng hôn lần kế tiếp, theo thông lệ là năm năm một lần.
ITC đưa ra quyết định tiếp tục áp thuế CBPG tôm nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước như nêu trên vì cho rằng việc bãi bỏ thuế CBPG có thể gây thiệt hại đến ngành công nghiệp tôm nội địa của Mỹ.
Trao đổi với phóng viên trước khi ITC đưa ra quyết định này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết để được Chính phủ Mỹ xóa lệnh áp thuế CBPG đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, ngành tôm trong nước phải chứng minh và phải được ITC công nhận không gây thiệt hại cho ngành công nghiệp tôm nội địa của quốc gia này.
Tuy nhiên, với việc đưa ra quyết định như trên của ITC, có thể hiểu rằng phía Mỹ đã không đồng ý với những luận điểm được Việt Nam cũng như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc đưa ra nhằm chứng minh mình không gây thiệt hại cho ngành công nghiệp tôm của Mỹ.
Theo tường thuật của TTXVN tại Washington (Mỹ), quyết định của ITC đã gây ra những phản ứng trái chiều.
Cụ thể, ông John Williams, Giám đốc điều hành Liên minh tôm miền Nam (SSA), đã ca ngợi quyết định của ITC là một tin tốt lành đối với ngành nuôi tôm của Mỹ và đồng thời nhấn mạnh “nếu các nước bị áp thuế CBPG trên tập trung vào thương mại công bằng, thì các rào cản trên sẽ được dỡ bỏ”
Trong khi đó, đại diện của một số tập đoàn bán buôn lớn của Mỹ như Performance Food Group, Costco và Publix Super Markets, cho rằng không nên tiếp tục áp đặt thuế CBPG với tôm đông lạnh nhập khẩu.
Theo ông Hòe, quyết định trên của ITC có nghĩa là thuế CBPG vẫn tiếp tục được thực hiện như đã diễn ra trong 10 năm qua. Còn việc xem xét hành chính hàng năm là để xác định mức thuế chính thức của từng năm cụ thể đối với từng doanh nghiệp.
Trước đó, theo thông tin được VASEP công bố hôm 3/2/2017, vào tháng 9/2016, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết luận cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 10 (POR10) đối với các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ 1/2/2014 đến 31/1/2015.
Theo đó, Công ty Minh Phú thoát khỏi kỳ POR10 (và một số lần xem xét khác), dù theo kết quả của lần sơ bộ được công bố trước đó vào tháng 3/2016, đơn vị này bị áp mức thuế là 2,86%; mức thuế tự nguyện cho 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác của Việt Nam là 4,78%, tăng 0,91% so với kết quả sơ bộ trước đó và mức thuế cho Stapimex là 4,78% giống như kết quả sơ bộ được DOC công bố vào tháng 3/2016.
Mức thuế sơ bộ trong kỳ POR11 được DOC công bố vào đầu tháng 11/2016 đối với các lô hàng từ ngày 1/2/2015 đến 31/1/2016 được duy trì ở mức tương đương như trong kỳ POR10.
Trong khi đó, mức thuế toàn quốc là 25,75% (áp dụng cho các đơn vị không tham gia vào đợt xem xét).
Số liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 3/2017, nhập khẩu thủy sản vào Mỹ đạt 99,2 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến hết tháng 3/2017 đạt trên 251 triệu đô la Mỹ, trong đó, tôm là mặt hàng chiếm tỷ trọng đáng kể nhất.
Có thể bạn quan tâm
Với sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục tại nhiều tỉnh của Canada; trong đó, động lực thúc đẩy là ngành công nghiệp khai thác thủy sản, chủ yếu là tôm hùm
Giá cá tra nguyên liệu tăng đã góp phần đẩy giá cá tra xuất khẩu không ngừng tăng theo. Tính chung 4 tháng năm 2017, giá cá tra xuất khẩu đã tăng 30,4%
Quảng Nam đang triển khai quy hoạch, đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm tăng số lượng đội tàu đánh bắt xa bờ, nâng cao giá trị sản xuất của nghề khai thác hải sản.