Giá cá tra xuất khẩu đã tăng hơn 30%
Giá cá tra nguyên liệu tăng đã góp phần đẩy giá cá tra xuất khẩu không ngừng tăng theo. Tính chung 4 tháng năm 2017, giá cá tra xuất khẩu đã tăng 30,4% so với hồi đầu năm, đạt trung bình 3 USD/kg.
Tháng 4/2017, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, hiện đang ở mức 27.000-29.000 đồng/kg (cá loại I) và 24.000-26.000 đ/kg (cá loại II). Đây là mức giá cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua. Với giá này, sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể lãi từ 1,5-1,7 triệu đồng/tấn.
Thị trường cá tra giống cũng xu hướng giá tăng, nguyên nhân do giá cá nguyên liệu tăng mạnh, thời tiết thuận lợi (tại Đồng Tháp giá tăng đạt mức kỷ lục trong 6 năm qua). Hiện cá tra giống đang “sốt” giá từng ngày và ở mức 40.000-50.000 đ/kg (loại 2 con/kg) và 50.000-60.000 đ/kg (loại 30 con/kg), tăng hơn 20.000 đ/kg so với đầu tháng 4 và cao gấp 2-3 lần so cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù giá cá nguyên liệu tăng, tuy nhiên người nuôi không khỏi lo lắng khi điệp khúc tăng/giảm diễn ra liên tục, vì giá cá tăng nông dân lại ồ ạt thả nuôi và cảnh cá quá lứa nằm chờ thương lái lại diễn ra.
Giá cá tra nguyên liệu tăng đã góp phần đẩy giá cá tra xuất khẩu không ngừng tăng. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra bán ra tại thị trường châu Á trong tháng 1 bình quân 2,3 USD/kg, đến tháng 2 đã ở mức trung bình 2,7 USD/kg (tăng 17,3% so với tháng 1) và tháng 4/2017 dao động ở mức 2,8-3 USD/kg (tăng 30,4% so với đầu năm).
Được biết, kể từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017 giá cá tra đã bắt đầu tăng và kéo dài đạt mức đỉnh điểm trong những ngày vừa qua – đây được xem là chu kỳ giá cá tra tăng kéo dài nhất và có thể tiếp tục kéo dài đến hết năm 2017.
Nguyên nhân giá cá tra tăng trong thời gian qua do nhiều năm thua lỗ liên tục, nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi trồng các loại thủy khác đã làm cho nguồn cung tụt dốc. Trong khi, lượng hợp đồng xuất khẩu đầu năm 2017 tăng khoảng 10%, nhưng sản lượng cá gối vụ phục vụ chế biến lại giảm mạnh. Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cá tra của thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Về thị trường xuất khẩu cá tra, Mỹ và EU là hai thị trường lớn nhất tiêu thụ cá tra của Việt Nam, nhưng hiện nay kim ngạch cá tra xuất khẩu vào những thị trường này đều liên tục suy giảm. Được biết, từ 1/1 đến 15/2, xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ đạt 26 triệu USD, giảm tới 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU và Đông Nam Á cũng sụt giảm mạnh: từ 12-17%.
Nguyên nhân sụt giảm do nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường chững lại. Riêng ở Mỹ, thuế chống bán phá giá đang áp gần 3 USD/kg, cùng với nhiều rào cản khác khiến các doanh nghiệp không mặn mà tham gia xuất khẩu.
Nhưng ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng hơn một nửa. Hiện nay có khoảng 70% sản phẩm cá tra của Việt nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường ủy thác hoặc tiểu ngạch. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc đã tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2017, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra của Việt Nam với giá trị dự báo khoảng 400 triệu USD. Sự tăng trưởng nhiều thách thức với ngành cá tra nước ta, đi kèm với cơ hội là tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để giành lại những thị phần cá tra đã mất tại EU và Mỹ và giành lại hình ảnh đẹp cho cá tra là nhiệm vụ đặt ra hết sức cấp thiết, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với VASEP đưa ra một số nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp thứ nhất, thực thi chiến dịch marketing và phát triển thị trường. Nhóm giải pháp thứ hai là tạo xu hướng và nhu cầu thị trường cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, làm lực đẩy cho Nghị định về cá tra phát huy tác dụng tối đa và thực hiện đề án sản phẩm quốc gia đối với cá tra. Nhóm giải pháp thứ ba là, tăng cường xây dựng chương trình hợp tác với cơ quan kiểm tra chất lượng tại nước nhập khẩu để kiểm soát chất lượng chặt chẽ, hợp tác kiểm soát vấn đề nghi về nhãn mác sản phẩm, đặc biệt là ở châu Âu; hỗ trợ tối đa cho các chiến dịch marketing và thực thi Nghị định cá tra; đấu tranh với một số nước không vì tự vệ thương mại mà áp đặt kiểm soát quá mức (ví dụ như những gì đang xảy ra ở các nước Trung Mỹ).
Có thể bạn quan tâm
Hơn 10 năm về trước, ông Nguyễn Văn Đoàn đã từ bỏ cây lúa, mía và kiên trì theo đuổi mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong vườn dừa.
Các công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, vụ kiện tôm Việt Nam tái diễn và còn kéo dài là điều không mong đợi.
Với sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục tại nhiều tỉnh của Canada; trong đó, động lực thúc đẩy là ngành công nghiệp khai thác thủy sản, chủ yếu là tôm hùm