Tôm Việt Nam kỳ vọng thành thương hiệu hàng đầu thế giới
Hôm qua (14.9), tại TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Bộ NNPTNT phối với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị “Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ”. Với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long cùng các viện, trường và ngành nông nghiệp 27 tỉnh, thành ven biển phía Nam.
Nhiều rào cản, khó khăn
Tính đến đầu tháng 9, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước hơn 664.000ha, (bằng 101% so với kế hoạch); trong đó diện tích nuôi thả nuôi tôm sú hơn 587.000ha, tôm thẻ chân trắng hơn 76.000ha. Tổng sản lượng thu hoạch đạt hơn 334.000ha, (bằng 104% so với kế hoạch). Phấn đấu cuối năm 2016, cả nước thả nuôi tôm nước lợ đạt hơn 683.000ha, với sản lượng hơn 680.000 tấn.
Nói về việc phát triển con tôm nước lợ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Việt Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, nhất là các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau có tiềm năng, lợi thế nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản. Trong đó, mô hình nuôi tôm nước lợ đang được đánh giá cao, ít tác động đến môi trường”.
Ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Tính đến đầu tháng 9, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước hơn 660.000ha. Mô hình nuôi tôm nước lợ hiện có sự thay đổi về cơ cấu đối tượng nuôi, khi người dân đã chuyển sang nuôi tôm sú trở lại, với trên 580.000ha”.
Tại hội thảo, lãnh đạo Sở NNPTNT các địa phương cho rằng: Mô hình nuôi tôm nước lợ và xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do công tác giám sát vùng nuôi, đặc biệt là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh chưa có hiệu quả; hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm nước lợ chưa đảm bảo…
“Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho ao nuôi chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; khó kiểm soát chất lượng giống thủy sản; giá thành sản xuất tôm trong nước còn cao hơn các nước trong khu vực nên khó cạnh tranh; thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do gặp phải hàng rào kỹ thuật, thuế quan...” – ông Cẩn cho biết thêm.
Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NNPTNT) nêu thực trạng: “Tình trạng bơm, chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, tồn dư kháng sinh vẫn còn diễn ra, làm mất uy tín thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường thế giới...”.
Tập trung biến tôm thành thương hiệu
Nhiều giải pháp để phát triển các mô hình nuôi tôm nước lợ trong thời gian tới đã được các đại biểu đưa ra mang tính khả thi cao. Một số đại biểu cũng lo lắng về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm tôm xuất khẩu, như: Cần có chế tài xử phạt thật mạnh đối với hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu; buộc các nhà máy chế biến cam kết không thu mua tôm nguyên liệu có bơm chích tạp chất…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, mô hình nuôi tôm nước lợ ở địa phương trong thời gian qua đạt năng suất còn thấp; thường xuyên đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh; môi trường đất, nước đang có dấu hiệu suy thoái, ô nhiễm; hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm thủy sản còn thấp…
“Vì vậy, để con tôm nâng cao giá trị kinh tế, các ngành các cấp cần khẩn trương xây dựng sản phẩm con tôm Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia và hướng đến Việt Nam hình thành ngành công nghiệp tôm” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Song song đó, trong thời gian tới để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, phát triển vùng nuôi được thuận lợi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tập trung trọng tâm vào các công việc cụ thể: Theo đó, trước mắt các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các giải pháp quản lý tiên tiến vào sản xuất; tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng nuôi, ao nuôi; tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung triển khai xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng; phát triển mở rộng một số diện tích tôm- lúa ở những nơi có đủ điều kiện; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt Nam hàng đầu thế giới…
Có thể bạn quan tâm
Lần đầu tiên, những con tàu 750 tấn được trang bị cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Những phương tiện mới, hiện đại được tăng cường để tuần tra, kiểm soát nguồn lợi hải sản ở các vùng biển; khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta; sát cánh cùng ngư dân mỗi khi họ ra khơi.
Ở lưng chừng đèo Ái Au hiểm trở không ai nghĩ có thể phát triển mô hình kinh tế gì lớn. Thế nhưng, vợ chồng anh Nguyễn Việt Hoà, dân tộc Tày, ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) lại nghĩ ra cách ngăn dòng suối, nuôi nhiều loại cá tiến vua đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thiệt hại do Formosa xả thải độc gây ra thiệt hại rất nặng nề đến toàn bộ đời sống, ngành nghề của người dân 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Thậm chí đến người bán hàng mã cũng khốn đốn vì Formosa.