Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Formosa xả thải - Người bán hàng mã cũng điêu đứng

Formosa xả thải - Người bán hàng mã cũng điêu đứng
Tác giả: Nguyễn Vũ
Ngày đăng: 14/09/2016

Chiều 9.9, Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường tại các địa phương ven biển Quảng Trị đã tiến hành họp dưới sự chủ trì của ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.

Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, các địa phương ven biển vẫn đang tích cực triển khai công tác kê khai thiệt hại, đảm bảo đúng quy định, công bằng, kịp thời.

Đến nay, các xã bị thiệt hại đã hoàn thành việc kê khai và đang triển khai thẩm định.

Hiện tại, mới chỉ có hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong thẩm định xong cấp huyện.

Huyện Gio Linh còn thị trấn Cửa Việt và xã Trung Giang chưa thẩm định cấp huyện.

Huyện Vĩnh Linh có thị trấn Cửa Tùng đang tiến hành thẩm định cấp xã.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT thì số liệu đã thẩm định đến cấp huyện có 1.760 tàu thuyền/3.023 người dân khai thác hải sản bị ảnh hưởng do sự cố Formosa xả thải gây ra.

Trên 612 ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại làm ảnh hưởng đến 8.968 lao động trực tiếp và 687 lao động gián tiếp.

Cục thống kê Quảng Trị cũng đồng thời kết hợp với các sở, ban ngành và địa phương tích cực xây dựng định mức/đơn giá thiệt hại và đã hoàn thành dự thảo.

Theo dự thảo này, tàu thuyền không lắp máy có định mức thiệt hại trên 10,2 triệu đồng/tàu/tháng.

Tương tự với tàu cá có công suất dưới 20CV là trên 15,9 triệu đồng; tàu có công suất từ 20-50CV là trên 55,2 triệu đồng; tàu từ 50-dưới 90CV có định mức gần 66 triệu đồng; tàu từ 90- dưới 250CV gần 60 triệu; tàu từ 250 CV đến dưới 400 CV gần 67,1 triệu đồng; tàu cá từ 400 CV trở lên có định mức 103 triệu đồng.

Lao động trên tàu thuyền không lắp máy có định mức 3 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự lao động trên tàu lần lượt từ dưới 20 CV đến trên 400 CV có định mức thiệt hại lần lượt là 6,9 triệu đồng; 8,6 triệu đồng; 8,8 triệu đồng; 2,6 triệu đồng; 2,4 triệu đồng; 1,7 triệu đồng.

Ngoài ra, lao động khai thác hải sản thủ công quý II có định mức thiệt hại gần 3,2 triệu đồng, quý III gần 3,4 triệu đồng.

Đối với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú có định mức thiệt hại tính theo cách nuôi (thâm canh hay bán thâm canh, trong ao lót bạt trên cát hay ao đất, độ tuổi, mật độ tôm nuôi/m2…) mà có định mức từ 8-62 nghìn đồng/m2… Ngành nuôi cá, cua, làm muối… cũng có định mức thiệt hại cụ thể.

Sở NNPTNT đã tổng hợp ý kiến của người dân, địa phương cho rằng một số ngành nghề như sản xuất chai nhựa đóng nước mắm, nước lọc, bán rau, trái cây, tạp hóa, nước giải khát, quán karaoke, vận tải… thậm chí hộ bán hàng mã cũng bị thiệt hại nhưng chưa được kê khai nên cần bổ sung.


Có thể bạn quan tâm

Theo chân thợ lặn xuống lồng nuôi trai lấy ngọc Theo chân thợ lặn xuống lồng nuôi trai lấy ngọc

Để có những viên ngọc lấp lánh làm đồ trang sức, ông chủ và nhân viên tại một công ty ở quận 7 (TP HCM) phải ngày đêm bám biển, lặn ngụp kiểm tra từng lồng nuôi trai.

14/09/2016
Đội tàu kiểm ngư mới sát cánh cùng ngư dân Đội tàu kiểm ngư mới sát cánh cùng ngư dân

Lần đầu tiên, những con tàu 750 tấn được trang bị cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Những phương tiện mới, hiện đại được tăng cường để tuần tra, kiểm soát nguồn lợi hải sản ở các vùng biển; khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta; sát cánh cùng ngư dân mỗi khi họ ra khơi.

14/09/2016
Thuần phục cá tiến vua nơi lưng đèo hiểm ác Thuần phục cá tiến vua nơi lưng đèo hiểm ác

Ở lưng chừng đèo Ái Au hiểm trở không ai nghĩ có thể phát triển mô hình kinh tế gì lớn. Thế nhưng, vợ chồng anh Nguyễn Việt Hoà, dân tộc Tày, ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) lại nghĩ ra cách ngăn dòng suối, nuôi nhiều loại cá tiến vua đem lại hiệu quả kinh tế cao.

14/09/2016