Tôm Việt bị nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ
Sẽ rất khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của tôm Việt Nam nếu phía châu Âu cử đoàn sang điều tra nghi vấn Việt Nam đã nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ để chế biến, xuất khẩu sang các nước EU.
Đó là nhận định của nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam trước thông tin cơ quan chống gian lận thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) sẽ cử cán bộ điều tra sang Việt Nam để làm việc với doanh nghiệp và các bên liên quan về nguồn gốc, xuất xứ tôm xuất khẩu.
Tôm Việt Nam made in… Ấn Độ?
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, OLAF nghi ngờ có sự gian lận trong xuất xứ nguồn gốc tôm Việt Nam khi các doanh nghiệp nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ về sơ chế, đóng gói rồi xuất khẩu sang các nước Liên minh châu Âu.
Cụ thể, từ 2011 đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm Ấn Độ dưới “mác” tôm Việt Nam sang các nước Anh, Hà Lan, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Ý và Pháp với số lượng lớn. Việc này vi phạm các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ của EU khi xuất khẩu nông sản vào thị trường này.
Trước tình hình này, đầu năm 2017, OLAF cho biết sẽ cử cán bộ điều tra sang Việt Nam để điều tra cụ thể vụ việc và làm việc với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các bên liên quan như Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hải quan Việt Nam để làm rõ các nghi vấn gian lận xuất xứ nêu trên.
Theo phân tích dữ liệu thống kê thương mại quốc tế, từ năm 2011 đã có sự tăng đột biến tôm sơ chế xuất vào EU từ Việt Nam, đồng thời cùng thời điểm đó có sự tăng số lượng tôm thô xuất từ Ấn Độ vào Việt Nam. Đặc biệt năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu tăng đột biến, lên tới 27.800 tấn với giá trị hơn 283.221 UER mặt hàng tôm thuộc mã số 030617 từ Ấn Độ. Con số này tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2014 và giữ vững trong năm 2015.
Hiện tại, Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế tôm đông lạnh dạng thô khi xuất vào EU ở mức 4,2% cho các mặt hàng có mã HS là 030616 hoặc 030617 trong khi tôm cùng nhóm có xuất xứ Ấn Độ phải chịu thuế suất 12% khi xuất vào thị trường châu Âu. Tương tự, tôm đã sơ chế ở Việt Nam và xuất vào châu Âu chịu thuế suất 7%, cho các loại có mã HS là 160521 và 160529, trong khi tôm cùng loại của Ấn Độ xuất vào châu Âu phải chịu thuế suất 20%.
Doanh nghiệp lo “tình ngay lý gian”
Khi được hỏi về việc châu Âu nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ tôm Việt Nam khi xuất khẩu vào Châu Âu, nhiều doanh nghiệp lo lắng rằng, sẽ rất khó để “minh oan”.
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), cho rằng, đúng là số lượng tôm nguyên liệu từ Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Trong số này, phần lớn các kiện hàng được nhập vào cảng Hải Phòng, sau đó tái xuất sang Trung Quốc. Cũng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mở cơ sở ở Việt Nam để nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, Thái Lan… về sau đó tiếp tục xuất khẩu vào Trung Quốc với thuế suất thấp hoặc xuất theo đường tiểu ngạch, trốn thuế…
Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, sẽ rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam “minh oan” với các cán bộ điều tra của châu Âu, vì theo nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ, các doanh nghiệp phải chứng minh được sản phẩm tôm nuôi ở đâu, thu hoạch vào thời điểm… Trong khi đó, hầu hết nông dân Việt Nam không khai báo khi nuôi trồng thủy sản, nhiều doanh nghiệp cũng không có sổ sách, chi chép đúng yêu cầu…
“Nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có thể sẽ phải chịu “án phạt” của phía châu Âu khi tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này, có thể mức thuế sẽ tăng cao hoặc phải chịu kiểm tra, kiểm soát thông quan với tần suất dày đặc hơn” - ông Lĩnh phân tích.
Còn theo OLAF, đối với thủy sản nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam để chế biến hàng xuất khẩu sang EU, OLAF cho rằng có 2 nguy cơ, thứ nhất, nguyên liệu có xuất xứ từ những vùng nuôi chưa đạt tiêu chuẩn kiểm soát dịch bệnh. Thứ hai, doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu chọn Việt Nam làm nước trung chuyển và sơ chế để tránh mức thuế cao hơn khi xuất khẩu sang EU.
Còn theo ông Hồ Quốc Lực – Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), thời gian gần đây, bệnh vi bào tử trùng trên tôm và một số dịch bệnh khác bùng phát dữ dội đã khiến nhiều vùng nuôi tôm tụt giảm sản lượng. Tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu do đó cũng căng thẳng hơn.
Lại bị Nhật Bản kiểm soát 100%
Từ đầu tháng 12 vừa qua, phía Nhật Bản đã tăng tần suất kiểm tra chỉ tiêu Sulfadiazine trong các lô hàng tôm đông lạnh nhập từ Việt Nam. Cụ thể, thông qua Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và thông tin trên website của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cơ quan này cho biết, do tiếp tục phát hiện Sulfadiazine trong các lô hàng tôm đông lạnh Việt Nam nên cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã tăng tần suất kiểm tra chỉ tiêu này lên 100% đối với các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam kể từ ngày 6.12.2016. Trước đó, tần suất kiểm tra chỉ tiêu này đối với tôm Việt Nam chỉ ở mức 30%.
Có thể bạn quan tâm
Kế hoạch xây dựng 7 mô hình hợp tác xã tiên tiến, hiện đại của TP.HCM đang gặp trở ngại và cảnh báo lớn khi HTX Nông nghiệp Hiệp Thành trước nguy cơ khai tử
Trở lại đồng Chó Ngáp bây giờ, Vùng đất trũng phèn mặn đầy cỏ năn này với những mái nhà thưa thớt ngày nào giờ là những cánh đồng tôm - lúa bát ngát.
Áp dụng VietGAP thì cơ sở nuôi, nông dân, người tiêu dùng, cơ sở chế biến, cộng đồng xã hội được lợi gì trong nuôi trồng thủy sản? VietGAP là xu thế tất yếu?