Nuôi tôm trên đất quy hoạch, HTX tiên tiến nguy cơ chết yểu
Kế hoạch xây dựng 7 mô hình hợp tác xã (HTX) tiên tiến, hiện đại của TP.HCM đang gặp trở ngại và cảnh báo lớn khi HTX Nông nghiệp Hiệp Thành đứng trước nguy cơ… khai tử.
Trong ảnh: Ông Phạm Văn Đứng - một thành viên của HTX Hiệp Thành, bên trại tôm công nghệ cao chuẩn bị thu hoạch. T.Đ
11 thành viên của HTX Hiệp Thành đã đầu tư hàng tỷ đồng để triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao với hơn 23ha nằm cạnh sông Soài Rạp (xã Hiệp Phước, Nhà Bè). Tuy nhiên, đến nay những ao tôm này đang tồn tại trên đất… quy hoạch.
“Đánh đu”trên đất quy hoạch
Theo tính toán, mỗi m2 ao tôm nuôi theo mô hình công nghệ cao này có chi phí đầu tư khoảng 2 triệu đồng, gồm lưới che, bạt trải đáy; hệ thống sục khí, làm sạch ao... Trong ao nuôi tôm, các hoạt động, chương trình tự động hóa gần như hoàn toàn.
Thế nhưng, gần chục năm trước, UBND TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch xã Hiệp Phước thành Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Theo đó, khu đô thị cảng này có tổng diện tích hơn 3.900ha, gồm toàn bộ diện tích xã Hiệp Phước và một phần xã Long Thới. Nơi đây tập trung 4 cảng lớn nằm dọc theo sông Soài Rạp, gồm: Cảng container quốc tế SPTC, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, Cảng quốc tế Long An, biến khu vực này trở thành trung tâm cảng biển của thành phố và cả nước.
Thấy đất quy hoạch đã lâu không sử dụng lại có lợi thế nằm cặp sông Soài Rạp thuận lợi cho việc lấy nước nuôi tôm, một số nông dân xã Hiệp Phước đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao rồi thành lập HTX Hiệp Thành. HTX này có chức năng hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong các lĩnh vực ngành nghề như nuôi thủy sản, chăn nuôi, chế biến, cung cấp cây con giống, thiết bị vật tư nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật… Theo đó, với quy mô hơn 23ha, chu kỳ sản xuất 2 đợt/năm, HTX sẽ cung ứng ra thị trường hơn 500 tấn tôm/năm.
Theo anh Huỳnh Công Phúc – một thành viên HTX, đang đầu tư 6 ao tôm (2.500m2/ao) trên đất Hiệp Phước, ngoài con tôm, con cá thì nông dân chẳng biết nuôi trồng cây con gì có hiệu quả kinh tế. Biết là đất đã được quy hoạch, nhưng lâu rồi mà chưa thấy nhà đầu tư khởi công nên bà con mới tổ chức nuôi tôm.
Ông Trần Văn Mùa – Chủ tịch HĐQT HTX Hiệp Thành cho biết, theo kế hoạch vào năm 2017, HTX sẽ thực hiện gắn mã vạch xuất xứ cho tôm sạch của HTX, qua đó nhằm giữ giá thành bền vững, góp phần vào nguồn cung ứng tôm sạch cho thành phố và xuất khẩu.
Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, Sở NNPTNT đang phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc và các đơn vị liên quan xác định về thời gian thực hiện quy hoạch để đề xuất UBND thành phố phê duyệt chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đối với từng vùng, địa điểm cụ thể. Với huyện Nhà Bè, để xác định thời gian thực hiện quy hoạch tại nơi đang sản xuất tôm của HTX Hiệp Thành, Sở đang lấy ý kiến của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận
Tìm đâu lối thoát?
Với việc triển khai thực hiện các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, phù hợp với tình hình sản xuất và các tiềm năng tại địa phương, gắn với liên kết cung ứng tiêu thụ sản phẩm, vừa qua TP.HCM đã chọn 7 HTX thí điểm, gồm: HTX Tân Thông Hội, HTX Tiên Phong, HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi); HTX Mai Hoa (huyện Hóc Môn); HTX Phước An (huyện Bình Chánh); HTX Cần Giờ (huyện Cần Giờ) và HTX Hiệp Thành (huyện Nhà Bè).
Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) đã tìm cách phát triển HTX Hiệp Thành. Kế hoạch này hiện vấp phải trở ngại lớn khi Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) – đơn vị triển khai thực hiện quy hoạch Khu đô thị cảng Hiệp Phước cho biết sẽ khởi công dự án vào năm 2017.
Được biết, Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT TP.HCM) đã đề nghị Phòng Kinh tế huyện Nhà Bè cấp phép sản xuất trên đất quy hoạch có thời hạn cho HTX nuôi tôm, đến khi nào Công ty IPC triển khai đền bù, giải tỏa thì HTX giao đất. Tuy nhiên, Phòng Kinh tế huyện Nhà Bè đã không chấp thuận vì cho rằng dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước do Trung ương quy hoạch và Công ty IPC cũng cho biết năm 2017 sẽ triển khai dự án.
Ông Mùa cho biết, để tìm lối thoát cho HTX, Hội đồng quản trị HTX đã có thư gởi Công ty IPC đề nghị hỗ trợ trước cho HTX 80% tiền đền bù đất để HTX lo đi thuê hoặc mua lại đất tiếp tục nuôi tôm, nhưng đến giờ công ty vẫn chưa trả lời.
Có thể bạn quan tâm
Nhập khẩu tôm vào thị trường EU & thị trường Đông Á tăng nhưng giảm ở Hoa Kỳ, các thương lái Trung Quốc mua trực tiếp tôm từ các trang trại ở châu Á với giá cao
Xã Tân Thành, TP Cà Mau là địa phương có nghề nuôi trồng thủy sản khá phát triển, với nhiều đối tượng cho hiệu quả kinh tế cao như cá chình, cá bống tượng.
Ông Thường cho biết thêm, hiện gia đình ông đã nhận được hàng chục đơn hàng, chủ yếu là khách trên Hà Nội, trung bình mỗi đơn hàng khoảng trên dưới 10kg cá