Tôm Nguyên Liệu Tăng Giá Nông Dân Vẫn Khổ!
Sau một thời gian rớt giá thê thảm, khoảng 1 tháng trở lại đây, giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, với mức giá như hiện nay thì nông dân vẫn chưa có lãi do giá thức ăn và thuốc thú y thủy sản tăng từ 10 - 15%.
Công ty Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) cho biết, gần 1 tháng nay, giá tôm nguyên liệu đã tăng trở lại. Song, sản lượng thu mua tôm nguyên liệu trong tháng 6/2014 giảm 50% so với tháng trước, do đây là thời điểm thu hoạch tôm cuối vụ 1 trong năm.
Hiện, giá tôm thẻ chân trắng (TTCT) loại 100 con/kg (từ 75.000 - 77.000) nay tăng lên 100.000 - 120.000 đồng/kg; loại 50 - 60 con/kg giá bán từ 120.000 - 125.000 đồng/kg. Đối với mặt hàng tôm sú loại 30 con/kg (giá từ 225.000 đồng/kg) nay tăng lên 235.000 - 240.000 đồng/kg; tôm sú 20 con/kg có giá 255.000 - 260.000 đồng/kg.
Giá tôm nguyên liệu tuy tăng, nhưng người nuôi tôm vẫn không có lãi do giá thức ăn và thuốc thú y thủy sản tăng từ 10 - 15%. Đơn cử một số loại thức ăn như Grobest (loại tăng trọng) bao 20kg giá bán 760.000 đồng/bao; thức ăn CP loại 20kg giá 780.000 đồng/bao… Còn các loại thuốc thủy sản phòng trị bệnh gan, đường ruột, thuốc xử lý môi trường ao nuôi có giá bán thấp nhất là 200.000 đồng/gói, có loại lên đến 500.000 đồng/gói…
Ông Huỳnh Văn Cáo (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cho biết: “Do giá thức ăn cao nên tôi cũng như những nông dân nuôi tôm khác phải giảm tối đa chi phí sản xuất bằng cách giảm lượng thuốc, giảm nhân công, thậm chí giảm lượng thức ăn cho tôm”.
Theo nhiều người nuôi tôm, do TTCT năm trước có giá cao, nên năm nay, diện tích nuôi TTCT tăng. Trong khi đó, khoảng 1 tháng nay, tại một số khu vực ở huyện Hòa Bình, Đông Hải, TP. Bạc Liêu, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) thu hoạch TTCT đồng loạt, nhiều nơi trúng mùa nên việc tìm đầu ra cho TTCT cũng gặp khó khăn, chưa kể đến việc bị thương lái ép giá.
Ông Hồ Văn Nhiều (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Vào thời điểm này, bà con ở đây đồng loạt thu hoạch TTCT nên gặp khó khăn trong việc bán tôm. Nếu có bán được thì cũng bị ép giá vì số thương lái đến địa phương thu mua tôm rất ít. Năm nay, người nuôi tôm không có lãi do chi phí thức ăn tăng cao”.
Đến nay, diện tích nuôi tôm trong toàn tỉnh là 119.451ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh 4.938ha; TTCT thâm canh và bán thâm canh 5.569ha.
Để giúp người nuôi tôm sản xuất có hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn bà con thực hiện lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014, cũng như cách cải tạo ao nuôi, phòng chống dịch bệnh. Song song đó, tăng cường công tác quản lý giống, thức ăn thủy sản và một số sản phẩm phục vụ nuôi tôm để tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, thậm chí gây thiệt hại cho người nuôi tôm.
Ngành chức năng cũng khuyến cáo nông dân nên cân nhắc trong việc chọn đối tượng thả nuôi. Bởi, diễn biến giá tôm trong thời gian qua cho thấy giá TTCT có xu hướng giảm mạnh, trong khi giá tôm sú vẫn duy trì ở mức ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ dự án hỗ trợ bò sinh sản của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, 50 hộ nghèo của 5 xã đặc biệt khó khăn ở huyện vùng cao biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa) đang dần thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bộ NNPTNT vừa có quyết định về việc ban hành kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL năm 2014.
Sau thông tin chợ, siêu thị bày bán nấm không rõ xuất xứ, người tiêu dùng mới bắt đầu quay sang tìm nấm sản xuất trong nước và nhận ra: Nấm Việt quá ít ỏi trên thị trường!
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2014, các tỉnh ĐBSCL phấn đấu đạt sản lượng 1,2 - 1,3 triệu tấn cá tra nguyên liệu. Trong đó, xuất khẩu từ 650.000 - 680.000 tấn, đạt giá trị 1,75 tỷ USD. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, các tỉnh ĐBSCL đưa khoảng 6.000 héc-ta mặt nước vào nuôi cá tra, tập trung nhiều nhất tại Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, TP. Cần Thơ…
Khánh Thượng - xã miền núi của huyện Ba Vì (Hà Nội), là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mường, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Cuộc sống của người dân nơi đây phần lớn dựa vào nghề trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi nhỏ lẻ.