Tôm nghịch vụ thất mùa
Theo thống kê của Trạm Thủy sản huyện Tam Nông, diện tích nuôi tôm hiện nay của huyện là 216ha, trong đó diện tích đã thu hoạch là trên 37ha, sản lượng bình quân 1,2 tấn/ha, thấp hơn vụ thuận từ 300 – 400kg. Giá tôm trứng hiện nay đang giữ mức 120 – 130 ngàn đồng/kg, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Riêng tôm thịt loại 50gram trở lên có giá từ 300 – 320 ngàn đồng/kg, tăng từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước, tôm thịt loại 30gram giá từ 250 – 270 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, theo phản hồi từ người nuôi tôm, mặc dù giá tôm có cao hơn so với cùng kỳ nhưng do tôm năm nay chậm lớn, nên tỷ lệ tôm đạt kích cỡ như yêu cầu không nhiều, khá nhiều hộ bị lỗ vốn.
Chú Lê Văn Dũng, ấp Phú Long, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông tâm sự: “Thông thường tôm vụ nghịch thường có giá cao hơn so với vụ thuận, do sản lượng thấp nên việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vụ tôm này người nuôi thường đối mặt với rất nhiều trở ngại, nhất là yếu tố bất lợi từ thời tiết. Năm nay, tôi xuống giống 2 đợt, lần đầu thả 100 ngàn con, đợt hai thả 140 ngàn nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài nên 100 ngàn con của đợt đầu gần như mất trắng, tôi bị lỗ vốn trên 30 triệu đồng. Còn tôm thả đợt 2 thì tình hình cũng không khả quan hơn, từ khi thả giống đến nay đã trên 3 tháng nhưng tôm chưa đạt kích cỡ thu hoạch, trong khi đó còn chi phí thức ăn nhưng chưa biết kết quả thu hoạch sẽ ra sao”.
Theo phản ánh của người nuôi tôm ở vùng chuyên canh tôm càng xanh huyện Tam Nông, do năm nay tình trạng nắng nóng kéo dài khiến mực nước dưới kênh cạn kiệt và ô nhiễm, người nuôi không có nguồn nước sạch để bơm lên ao nuôi, dẫn đến tình trạng chất lượng nước trong ao nuôi không đảm bảo. Chính vì vậy, chi phí xử lý ao và bơm nước cũng tốn kém hơn so với những năm trước, chi phí tăng so với cùng kỳ các năm trước từ 20 – 30%.
Theo Nguyễn Sĩ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản Tam Nông, năm nay nắng nóng kéo dài khiến tôm dễ bị sốc nước, dẫn đến tình trạng tôm chậm lớn, hao hụt nhiều. Do đó, nhằm giảm thiểu thiệt hại, người nuôi cần đảm bảo nguồn nước sạch cho ao nuôi, mực nước lý tưởng nhất cần duy trì là từ 1 – 1,2m. Bên cạnh đó, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra đáy ao, không để lượng thức ăn thừa tồn dưới đáy ao gây ô nhiễm nguồn nước, gây thiếu oxi cho tôm. Đối với những vuông tôm có nhiều tảo, bà con cần phân khu ao nuôi, chia nhỏ diện tích và cắt tảo thành nhiều lần. Tránh tình trạng cắt tảo cùng một thời điểm sẽ dễ dẫn đến hiện tượng tôm chết hàng loạt do sốc nhiệt và thiếu oxi đột ngột. Song song đó, trong quá trình cho tôm ăn người nuôi cần trộn thêm một số khoáng chất, vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm. Phải đảm bảo tiêu độc, khử trùng, xử lý đáy ao tốt, có thời gian cách ly mầm bệnh giữa các vụ nuôi trước khi bắt đầu vụ mùa mới.
Năm 2015, diện tích nuôi tôm càng xanh của huyện Tam Nông giảm 86ha so cùng kỳ năm trước (năm 2014 là 302ha). Theo ngành chuyên môn diện tích nuôi giảm là do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do nông dân không còn vốn tái sản xuất, vì thua lỗ nhiều năm. Bên cạnh đó, việc khó khăn trong khâu tiêu thụ cũng là vấn đề chính khiến nông dân không tha thiết với tái đầu tư sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lục Nam (Bắc Giang), toàn huyện hiện có 350 ha dứa Queen, tập trung ở xã Bảo Sơn và Tam Dị.
Dự kiến, từ nay đến quý III/2015, với đà thu hẹp diện tích thả nuôi sẽ dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cho xuất khẩu.
Cùng với việc thu mua cau non bán sang Trung Quốc, gần đây các thương lái đến những vùng trồng cam ở ĐBSCL mua cam non để "xuất khẩu"
Do ảnh hưởng bởi nhiều cơn mưa đá, gió lốc và mưa lũ gần đây, các loại rau, củ Đà Lạt cũng như toàn tỉnh Lâm Đồng tăng giá chóng mặt.
Nhập khẩu điều thô của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm tăng hơn hai lần so với cùng kỳ, lên 231.350 tấn, với giá trị là 310 triệu đô la Mỹ, theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas).