Tôm Giống Ế Ẩm Đầu Ra Ở Cà Mau

Sau thời gian dịch bệnh tôm nuôi kéo dài, người nuôi tôm lẫn các trại giống đều mòn mỏi đợi chờ một kết cục sáng sủa hơn. Bởi, hiện các trại sản xuất giống trong tỉnh Cà Mau ế, không bán được, một số đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Hiện toàn tỉnh có hơn 950 trại sản xuất tôm giống cung ứng cho gần 60% nhu cầu con giống trong tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này chỉ mới có hơn 50% diện tích ao đầm nuôi công nghiệp được thả nuôi với diện tích gần 2.800 ha. Một số diện tích nuôi tôm quảng canh cũng đang được thả nuôi cầm chừng.
Sụt giảm bất thường
Anh Vũ Đức Trường, chủ trại sản xuất tôm giống Đức Trường, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, than thở: “Năm nay lượng người mua tôm giống giảm hơn 50%. Con giống sản xuất ra rồi không biết bán cho ai”.
Vào thời điểm này năm trước, trại giống của anh sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi 50 - 70 triệu đồng. Nhưng hiện tại, tôm post không xuất bán được, anh đang lỗ vốn gần 40 triệu đồng. Và nếu tình hình này cứ kéo dài, trại sản xuất giống đầu tư bạc tỷ của anh sẽ càng khốn khó hơn.
Không chỉ tôm giống bị ế ẩm mà giá cũng sụt giảm đáng kể. Hiện giá dao động từ 20 - 25 đồng/con; năm ngoái giá cho mỗi con từ 28-30 đồng, có lúc cao điểm 40 đồng/con.
Trại sản xuất tôm giống Trung Sơn của anh Nguyễn Văn Tám, ngụ xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi do không bán được, đang đứng trước nguy cơ lỗ hàng trăm triệu đồng. Anh Tám lắc đầu: “Trước giờ thường chỉ lo sản xuất tôm không đạt chất lượng chứ đâu có ngờ tới chuyện sản xuất ra rồi không ai mua như hiện nay”.
Trại tôm, cua giống Tấn Lộc, khóm 1, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân cũng nằm trong tình trạng tương tự. Đợt vừa qua, trại chỉ xuất bán được 5 - 6 triệu post, giảm 50% so với thời điểm này năm trước.
Theo các chủ trại giống, nguyên nhân chủ yếu chính là tình hình tôm giống nhập tỉnh tràn lan khó kiểm soát. Anh Trường bức xúc: “Vẫn biết hằng năm đều có lượng tôm từ tỉnh ngoài du nhập vào, nhưng gần đây số lượng ngày càng nhiều hơn với mức độ dày hơn và giá rẻ hơn nên các chủ trại tại địa phương không đủ sức để cạnh tranh với tôm nhập tỉnh”.
Đi tìm lời giải
Được biết, tôm giống nhập tỉnh có giá chỉ 15 đồng/con. Với giá rẻ mạt này cộng với tình hình thực tế sản xuất tại địa phương đang gặp khó, thì việc người dân lựa chọn con giống địa phương để nuôi rất ít.
Tôm giống nhập tỉnh năm 2012 là 9,94 tỷ con, tăng 2 tỷ con so với cùng kỳ. Đây là con số tăng không phải nhỏ, nó báo động tình hình sản xuất tôm giống địa phương đang sụt giảm dần.
Ông Nguyễn Minh Dân, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận, giãi bày: “Toàn xã có 96 trại sản xuất giống. Hiện có gần 40% trại giống đang “khóc ròng” vì không xuất bán được”.
Trong khi giá thức ăn để sản xuất giống không ngừng tăng, giá tôm giống lại có chiều hướng giảm thì việc duy trì sản xuất là điều rất khó. Anh Tám phân trần: “Nếu thị trường tôm giống cứ đà ảm đạm như thế này, chưa có hướng đi tích cực, thì các ban, ngành cần xem xét hỗ trợ vốn để các trại giống có thể tiếp tục tái sản xuất”.
Anh Nguyễn Quốc Thống, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, phân trần: “Tình hình nuôi tôm và tôm giống đang có chiều hướng diễn biến không tốt, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các trại giống. Rất mong một sự hỗ trợ để tìm lối ra cho các trại sản xuất giống tại địa phương hiện nay”.
Có thể bạn quan tâm

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Yên Thọ (Đông Triều - Quảng Ninh), chúng tôi đến thôn Yên Lãng 1 để tìm hiểu việc nuôi cua đồng của gia đình chị Nguyễn Thị Hường. Chị Hường cho biết: “Nuôi cua đồng rất dễ và ít dịch bệnh, nguồn thức ăn lại đơn giản. Cua đồng ăn tạp, cua ăn các loại thức ăn như cá tạp, ốc, bèo, cám gạo…

Bến Tre là địa bàn có diện tích trồng cacao lớn nhất nhì đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền do tác động của biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cũng như chất lượng của cây cacao.

Anh Đặng Văn Thông, người có hơn 20 năm kinh nghiệm đánh bắt cá linh (ở ấp Phú Quí, xã Phú Lộc, TX. Tân Châu), cho biết: Năm nay cá linh về muộn hơn mọi năm và do nguồn cá ngày càng ít nên giá tăng cao. Giá bán tại chỗ từ 100.000 - 110.000 đồng/kg (tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg so với năm trước), giá tại các chợ ở TP. Long Xuyên từ 150.000 - 160.000 đồng /kg, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển khá mạnh tại xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Nhờ những thuận lợi về yếu tố tự nhiên, địa hình… nhân dân trong xã tích cực chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp trũng thấp, năng suất bấp bênh sang NTTS.

Tháng 7/2013 ở Bình Thuận ước sản lượng hải sản nuôi trồng thu hoạch đạt 560 tấn, trong đó sản lượng hải sản nước lợ, nước mặn đạt 537 tấn, cá nước ngọt 23 tấn; lũy kế 7 tháng đạt 6.316 tấn (giảm 17,32% so cùng kỳ). Nguyên nhân do thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài, mưa muộn nên toàn tỉnh đến nay chỉ mới thả nuôi con giống trên 45% diện tích.