Tôm càng xanh phù hợp với vùng bị xâm nhập mặn
Vật nuôi phù hợp vùng mặn
Ông Lê Văn Từng, ngụ ấp Giồng Lân, xã An Hiệp, H.Ba Tri (Bến Tre), cho biết qua hơn 6 tháng thả 24.000 con tôm giống càng xanh toàn đực nuôi bán thâm canh trong ao tôm biển 3.000 m2, gia đình ông thu lãi hơn 30 triệu đồng. Tương tự, ông Phạm Hữu Nghĩa (ấp 5, xã An Đức, H.Ba Tri) thả 24.000 con tôm giống thu lãi 25,6 triệu đồng; ông Phạm Văn Oanh (ấp Giồng Sao, xã An Ngãi Tây, H.Ba Tri) cũng thu lãi 18 triệu đồng từ nuôi tôm càng xanh trong ao tôm biển của gia đình.
Theo ông Châu Hữu Trị, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư (KNKN) tỉnh Bến Tre, những năm gần đây, tình hình nuôi tôm biển gặp nhiều khó khăn do nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Để đa dạng hóa đối tượng nuôi, giúp cho nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững trước biến đổi khí hậu, năm 2015 Trung tâm KNKN triển khai mô hình trình diễn “nuôi tôm càng xanh toàn đực theo hình thức bán thâm canh” trong vùng nuôi tôm biển.
Mô hình được thực nghiệm tại 3 xã thuộc vùng mặn của H.Ba Tri, tôm nuôi trong diện tích 3.000 m2/hộ. Bình quân tỷ lệ lợi nhuận của những hộ tham gia mô hình này đạt 44% so với tổng vốn đầu tư. Đặc biệt, tôm càng xanh sống, sinh trưởng tốt trong nguồn nước có độ mặn từ 4 - 6‰, thậm chí 10‰. Đây là vật nuôi phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn hiện nay. Giá trị kinh tế của tôm càng xanh mang lại rất cao, ít vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ rất tốt, bền vững cho người nông dân. Mô hình này không sử dụng thuốc và hóa chất như nuôi tôm biển, nên không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của các loài thủy hải sản khác.
Ông Trị cho biết nông dân trước khi thả nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao tôm biển thì cần tháo cạn nước, nạo vét bùn, diệt tạp, tu sửa lại bờ, cống, phơi đáy và bón vôi... Bình quân 1 ao 3.000 m2 thả 24.000 con giống có kích cỡ từ 1,5 - 2 cm là phù hợp nhất. Thức ăn cho tôm càng xanh ăn trong suốt quá trình nuôi là thức ăn công nghiệp. Giai đoạn đầu cho ăn thức ăn bột pha với nước tạt đều xung quanh ao, khi chuyển sang thức ăn viên thì rải đều quanh ao. Trong 2 tháng đầu cho ăn 3 lần/ngày, sau đó cho 2 lần/ngày...
Ông Trị cho hay nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh trong ao tôm biển, chi phí đầu tư cho 3.000 m2 khoảng 50 triệu đồng, khá phù hợp cho người ít vốn. Lãi thu được sau khi trừ chi phí có thể đạt 50% vốn đầu tư.
Nhân rộng mô hình
Tôm càng xanh sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện môi trường nước có độ mặn cao. Tuy nhiên, quá trình tăng độ mặn phải từ từ, tránh tình trạng tăng đột biến khiến tôm bỏ ăn và hao hụt. Tôm càng xanh thời gian qua chưa được phát triển mạnh là do trước đây nuôi tôm bình thường, nay đã lai tạo được giống tôm toàn đực, nuôi lớn nhanh, cho năng suất cao.
Đặc biệt kỹ thuật nuôi mới là giăng lưới, bẻ càng nên khi con tôm lột tránh được tình trạng con này ăn con kia, cho ăn thức ăn công nghiệp, dùng quạt tạo ô xy... Đối với những ao nuôi tôm biển khó khăn, việc thả nuôi tôm càng xanh theo quy trình kỹ thuật mới này sẽ cho lượng tôm thu hoạch có tỷ lệ sống, năng suất và hiệu quả cao. Thị trường tôm càng xanh tuy có biến động nhưng vẫn ở mức người nuôi có lãi. Hiện lãnh đạo H.Ba Tri đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT tổ chức cho nông dân đi tham quan các mô hình nuôi tôm thành công trong tỉnh và xây dựng kế hoạch chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện mặn xâm nhập.
Ông Châu Hữu Trị cho hay năm 2016, Trung tâm KNKN Bến Tre tiếp tục thực hiện thêm 2 mô hình điểm để nhân rộng ra toàn địa bàn tỉnh. Đây là một định hướng phát triển nằm trong “đề án tái cơ cấu nông nghiệp” trước điều kiện mặn xâm nhập sâu, dịch bệnh trên tôm biển khó lường. Tôm càng xanh được xác định là đối tượng nuôi lý tưởng trước yêu cầu nêu trên.
Có thể bạn quan tâm
Sở NN&PTNT Cà Mau nhận định: Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại sẽ tăng lên khoảng 100.000ha.
Trước sự ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã làm cho thủy sản tỉnh Hậu Giang đối mặt nhiều thách thức. Thế nhưng, tại thời điểm này, vẫn còn nhiều người tìm hướng bám trụ với nghề, vượt qua khó khăn, chờ thời cơ vực dậy.
Người nuôi cá ở Vân Hội mong huyện Trấn Yên cũng như các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái có những chủ trương giúp địa phương tìm nguồn cá giống chất lượng, có địa chỉ tin cậy, rõ ràng để khai thác tốt các tiềm năng về diện tích mặt nước