Toàn Tỉnh Tập Trung Gieo Trồng, Chăm Sóc Các Loại Cây Trồng Vụ Đông – Xuân

Thực hiện hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT về cơ cấu giống và thời vụ, ngay từ khi triển khai thực hiện việc gieo trồng các loại cây trồng vụ Đông – xuân, các huyện, thành phố đã khẩn trương kịp thời đôn đốc bà con nông dân tích cực làm đất và gieo trồng các loại cây trồng kịp thời vụ.
Đến thời điểm 25.2, các huyện, thành phố đã tập trung làm đất, đổ ải chuẩn bị ruộng, nương, nạo vét kênh mương, đồng thời gieo cấy lúa Đông - xuân.
Tính đến nay, diện tích cày ải toàn tỉnh đạt 20.600 ha, tương đương so với cùng kỳ năm trước, diện tích bừa được trên 17.800 ha, diện tích phát cỏ được 12.500 ha. Cùng với đó, các huyện, thành phố cũng đã tập trung gieo trồng lúa vụ Đông - xuân, tổng số mạ đã gieo đến nay được trên 450 tấn (bằng 97,5% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các huyện Bắc Quang gieo được 170 tấn, Quang Bình 90 tấn, Vị Xuyên 75 tấn, thành phố Hà Giang 12 tấn, Xín Mần 54 tấn, Bắc Mê 27 tấn, Hoàng Su Phì 17 tấn...
Đến thời điểm này, diện tích lúa Xuân đã cấy được 6.299,8 ha, trong đó thành phố Hà Giang cấy 55 ha; Bắc Quang 2.465 ha; Quang Bình 1.736,4 ha; Vị Xuyên 1.300 ha; Bắc Mê 126 ha; Xín Mần 565,5 ha; Hoàng Su Phì 51,9 ha... đạt tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Các huyện, thành phố đang tập trung chăm sóc cho mạ đã gieo và triển khai cấy theo tiến độ đảm bảo khung thời vụ. Cơ cấu giống lúa các huyện, thành phố vùng thấp như: Thành phố Hà Giang, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê chủ yếu là giống Nhị ưu 838, Việt Lai, TH 3-3, đây là giống lúa chủ lực chất lượng gạo thơm ngon mà các huyện đã gieo trồng trong nhiều năm nay. Cùng đó các huyện này cũng gieo cấy các loại giống lúa thuần như Bắc Thơm số 7, HT1, Khang dân...
Các huyện như Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Mèo Vạc cũng chủ yếu gieo cấy loại giống lúa như Nhị ưu 838, Cương ưu 725, Việt Lai 20, DS1 và các giống thuần như HT1, Khang dân 18... Riêng 2 huyện Quản Bạ, Đồng Văn, vụ Đông - xuân không gieo trồng lúa Xuân vì thời tiết lạnh, cây lúa không chịu lạnh vì vậy chủ yếu là trồng ngô, đậu tương.
Cùng với cây lúa, diện tích gieo trồng ngô vụ Đông - xuân tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 6.000 ha (bằng 107,1% so với cùng kỳ năm trước), trong đó Bắc Quang 860 ha, Quang Bình 700 ha, Vị Xuyên 1.100 ha, Hoàng Su Phì 1.400 ha, Quản Bạ 500 ha... Hiện nay, diện tích ngô đã xuống ruộng là 2.500 ha. Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng một số loại cây hàng năm khác như rau, đậu các loại là 1.920 ha, lạc 1.550 ha.
Để đảm bảo năng suất, sản lượng vụ Đông - xuân đạt kết quả tốt, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có hướng dẫn đề nghị các huyện chỉ đạo trong vụ Xuân nên tập trung vào cơ cấu các giống lúa lai và các giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao theo hướng tăng giá trị kinh tế trên diện tích canh tác, phấn đấu đạt từ 70 – 80% diện tích lúa lai và lúa thuần chất lượng cao, tập trung đẩy mạnh thâm canh trên toàn bộ diện tích.
Cũng do điều kiện nhiệt độ vụ Đông - xuân trên địa bàn tỉnh thấp, vì vậy riêng cây lúa khuyến cáo không cấy trà xuân sớm, tập trung vào trà xuân trung bằng những giống ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt. Bố trí lúa Xuân hợp lý để hạn chế sâu bệnh hại lúa. Bên cạnh đó chủ động đề phòng mạ già và áp dụng triệt để biện pháp che phủ ni lon 100% chống rét cho mạ Xuân.
Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài cần giữ đủ ấm bón thêm phân chuồng, tro bếp, phân lân. Đối với trà Xuân muộn nên áp dụng phương pháp mạ ném. Bố trí thời vụ hợp lý để cây lúa phân hóa đòng và trổ bông vào thời điểm có tần suất cao nhất với các yếu tố nhiệt độ và ánh sáng.
Đặc biệt chú ý với những giống lúa mẫn cảm, phản ứng mạnh với các yếu tố bất lợi của thời tiết. Đối với các giống lúa dễ nhiễm bệnh bạc lá, khô vằn, bệnh nấm hoa cúc, nhất là các giống lúa nhập từ Trung Quốc, cần lưu ý xử lý hạt giống trước khi gieo, bón phân cân đối hợp lý, tăng cường bón phân Kali, chuẩn bị sẵn các loại thuốc sâu, bệnh đặc trị để phòng trừ nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do sâu bệnh gây ra...
Đặc biệt vụ Đông - xuân năm nay ngành Nông nghiệp cũng đã đôn đốc các huyện chỉ đạo quyết liệt việc dự trữ nước và tưới tiêu tiết kiệm ngay từ đầu vụ, đồng thời rà soát kỹ và kiên quyết chuyển đổi những diện tích ruộng không chủ động nước có khả năng bị hạn sang gieo trồng các loại cây trồng cạn và có kế hoạch cụ thể cho từng loại cây trồng...
Tính đến nay, nhiều huyện, thành phố vùng thấp như thành phố Hà Giang, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình diện tích gieo cấy lúa vụ Xuân đạt gần 100%, nhiều diện tích đã cấy lúa phát triển tốt, bà con đang tích cực chăm sóc, làm cỏ, bón phân để cây lúa phát triển ổn định...
Có thể bạn quan tâm

Dựa trên những dự báo về tình hình khí hậu thời tiết trong năm, trong vụ mà ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh xây dựng khung thời vụ thích hợp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật liên hoàn trong sản xuất đối với từng loại cây trồng. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, điều hành sản xuất một cách hợp lý.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới thế nhưng có một nghịch lý là người nông dân luôn phải đối mặt với nỗi lo thường trực về sự bấp bênh của đầu ra sản phẩm. Được mùa mất giá, được giá mất mùa luôn là nỗi lòng kéo dài nhiều năm qua của người nông dân.

Đã có những mô hình sản xuất đem lại lợi nhuận cao cho người trồng mía, trong khi việc tận dụng bã mía để sản xuất điện sinh khối, tham gia chuỗi giá trị sau đường cũng giúp một số nhà máy không những tồn tại được mà còn sống tốt trong thời điểm hiện nay.

Để có mã số xuất khẩu sang Mỹ, vùng trồng nhãn phải được canh tác trên cơ sở tiêu chuẩn VietGAP nhưng có kiểm soát của Cục Bảo vệ thực vật VN như phải bọc trái trước khi thu hoạch tối thiểu ba tuần, không được sử dụng nhóm thuốc bảo vệ thực vật mà Mỹ cấm sử dụng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xem xét, xử lý theo thẩm quyền việc bãi bỏ quy định tạm đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ Pháp trong trường hợp thịt bò nhập khẩu từ nước này đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu mặt hàng này.