Tìm kiếm mua lúa vì giá tăng
Nông dân Hậu Giang đang thu hoạch lúa Thu đông cuối vụ, bán được giá cao.
Theo nhiều nông dân đang thu hoạch lúa Thu đông cuối vụ trên địa bàn tỉnh, hiện giá lúa đang tăng trở lại từ 400-500 đồng/kg, trong đó, tăng mạnh nhất là giống IR 50404 khoảng 500 đồng/kg.
Nếu vào thời điểm mưa dầm giữa tháng 9, lúa tươi cắt máy giống IR 50404 chỉ ở mức 3.800-3.900 đồng/kg, thì nay tăng lên 4.300-4.400 đồng/kg, nhưng bà con còn rất ít lúa để bán; riêng lúa hạt dài cũng đang dao động từ 4.600-4.800 đồng/kg.
Việc Việt Nam vừa trúng gói thầu xuất khẩu gạo với khối lượng hơn 1 triệu tấn sang Philippines được cho là nguyên nhân chính làm giá lúa phục hồi trở lại trong những ngày qua.
Cùng với đó, hiện lượng lúa dự trữ trong dân và lượng lúa tồn kho trong cả nước không nhiều; đồng thời, vụ lúa Thu đông năm nay cũng gặp nhiều bất lợi về thiên tai, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng.
Với giá lúa hiện tại, sau khi trừ chi phí, bà con có được nguồn lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/ha.
Vừa thu hoạch xong hơn 1ha lúa Thu đông (giống OM 5451), ông Nguyễn Thới Khởi, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Khi chưa có thông tin Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, thương lái đặt tiền cọc mua lúa cho bà con ở khu vực này chỉ 4.100 đồng/kg.
Thấy giá rẻ tôi không đồng ý bán, nhưng thật không ngờ khi lúa đến ngày cắt thì thương lái nâng lên 4.350 đồng/kg.
Mặc dù bán được giá cao hơn bà con xung quanh, nhưng tôi cũng cảm thấy tiếc vì giá hiện tại đã lên 4.700 đồng/kg”.
Với vẻ mặt đầy tiếc nuối, ông Nguyễn Văn Ba, ở cùng ấp 7, xã Vị Thắng, tặc lưỡi cho biết: “Thấy giá lúa tăng mạnh trong những ngày qua mà tôi cứ tiếc hùi hụi vì đã lỡ lấy tiền cọc trước với thương lái rồi.
Giá như thông tin Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo sớm hơn thì đỡ biết mấy”.
Việc giá lúa tăng mạnh trong những ngày qua đã xua tan đi không khí ảm đạm của thị trường tiêu thụ lúa vào thời điểm giữa tháng 9 vừa qua.
Do bà con đang bước vào thời điểm thu hoạch lúa Thu đông cuối vụ nên nhiều thương lái đang tranh thủ tìm kiếm đến từng thửa ruộng và sẵn sàng ứng tiền trước cho nông dân có ruộng sắp thu hoạch.
Anh Phạm Thanh Thương, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho hay: “Mặc dù lúa còn vài ngày nữa mới đến thời điểm thu hoạch, nhưng hơn tuần nay, ngày nào cũng có 3-4 “cò lúa” đến ngã giá và đề nghị đặt tiền cọc thu mua.
Điều phấn khởi, cứ cách một đêm là giá tăng lên một ít, từ 4.300 đồng/kg nay lên 4.700 đồng/kg”.
Với việc giá lúa tăng trở lại trong những ngày gần đây là một tín hiệu đáng mừng cho nông dân đang có lúa chuẩn bị thu hoạch vào thời điểm này, tuy nhiên, số lượng không nhiều vì bà con đang bước vào thời điểm thu hoạch cuối vụ, diện tích ít.
Đa phần bà con cắt lúa vào thời điểm rộ chỉ bán với giá thấp do ảnh hưởng mưa dầm và thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, bà con trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 40.000ha lúa Thu đông, trong tổng số gần 49.000ha xuống giống.
Diện tích lúa còn lại chủ yếu tập trung ở thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp và một phần Vị Thủy.
Hiện lúa đang trong giai đoạn chín, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 11.
Với tín hiệu lạc quan về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay đã mở ra nhiều kỳ vọng cho nông dân trong vụ lúa Đông xuân tới.
Ông Hà Thanh Triều, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phước Trung, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Khi biết được thông tin mới này, cá nhân tôi rất mừng và các thành viên của HTX cũng rất phấn khởi.
Tuy là lúa vụ 3 của HTX đã thu hoạch xong nhưng vẫn rất kỳ vọng cho vụ lúa Đông xuân tới.
Chắc chắn với hợp đồng lớn như vậy thì giá lúa trong thời gian tới sẽ tăng lên”.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: Trong thời gian gần đây, tình hình thời tiết không thuận lợi, cho nên trong vụ Đông xuân tới đây điều kiện canh tác của bà con sẽ có nhiều khó khăn.
Trước thông tin mới về việc Việt Nam trúng thầu bán hơn 1 triệu tấn gạo cho Philippines trong thời gian tới sẽ giúp cho nhiều nông dân phấn khởi hơn, tiếp tục thâm canh, canh tác, giữ được diện tích lúa của tỉnh.
Những hợp đồng xuất khẩu như thế này là những tín hiệu tích cực cho người trồng lúa”.
Có thể bạn quan tâm
Dự án JICA - SOFRI “Tăng cường hệ thống khuyến nông để áp dụng hệ thống canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả cho nông dân nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long” giữa Viện Cây ăn quả miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Phát huy tiềm năng, lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã và đang tập trung phát triển kinh tế vườn, xem đó là động lực để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của người dân, làm tiền đề để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa có báo cáo tổng hợp về kết quả xuất khẩu trái cây cả năm 2014 cho thấy các doanh nghiệp và nhà vườn đều thắng lớn. Tính đến ngày 26-12, xuất khẩu trái cây các loại đã đạt tổng kim ngạch là 1,477 tỷ USD (tăng hơn 37% so với năm 2013). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu rau, quả chỉ khoảng 521 triệu USD. Như vậy, năm 2014 chúng ta đã đạt xuất siêu rau, quả gần 1 tỷ USD.
Ngày 29/12, tại Đồng Tháp, VCCI Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội cá tra Việt Nam tổ chức hội thảo “Vai trò của khu vực nuôi trong chuỗi giá trị ngành cá tra”. Hội thảo nhằm định hướng một số giải pháp nuôi trồng thủy sản, hướng tới phát triển bền vững ngành hàng cá tra.
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng theo người dân trồng cây phát lộc (còn gọi là cây phất lộc) ở xã Minh Tân – Đông Hưng – Thái Bình thì những sản phẩm làm từ loại cây này như tháp phát lộc, lộc bình, nậm bình…đang “cháy” hàng.