Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tìm Hướng Phát Triển Hiệu Quả Nghề Trồng Nấm

Tìm Hướng Phát Triển Hiệu Quả Nghề Trồng Nấm
Ngày đăng: 16/08/2013

Hiện nay Ninh Bình có khoảng 2.600 hộ gia đình, 3 doanh nghiệp và 15 tổ hợp tác với gần 8.000 lao động thường xuyên tham gia trồng nấm. Sản lượng nấm tươi hàng năm ước đạt 4.500 tấn, cho hiệu quả kinh tế gần 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sản xuất nấm ở tỉnh ta hiện nay phần lớn vẫn ở quy mô hộ gia đình nên chưa đạt được sự chuyên nghiệp, cũng chưa xây dựng được thương hiệu. Điều này không chỉ làm lãng phí tiềm năng mà còn khiến nghề nấm phát triển thiếu bền vững.

Trồng nấm cho thu nhập cao, dễ làm

Những năm qua, nghề trồng nấm phát triển khá mạnh trên địa bàn huyện Yên Khánh với hàng trăm hộ và cơ sở sản xuất, chế biến nấm. Nghề trồng nấm ở đây đang giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu. Điển hình như gia đình chị Lê Thị Lan, xã Khánh Hải. Với 300 m2 lán trại, mỗi năm gia đình chị Lan đưa vào sản xuất trên 100 tấn nguyên liệu, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng.

Chị Lan cho biết: Trồng nấm khá đơn giản, có thể tận dụng diện tích khoảng sân, góc vườn trống để làm lán. Chi phí đầu tư ban đầu không nhiều, khoảng 7 - 8 triệu đồng là có thể làm một lán trại trồng nấm diện tích 60 - 70 m2. Nguyên liệu lại sẵn có. Thị trường tiêu thụ nấm cũng khá thuận lợi, nấm sản xuất ra đến đâu được thương lái mua hết đến đó.

Theo hạch toán của các hộ trồng nấm lâu năm, với 60m2 trồng nấm sò tương đương với khoảng 5.000 bịch nấm, chưa đầy 2 tháng sau có thể thu được 350 kg nấm tươi. Hiện nay, giá thu mua dao động ở mức 18 - 25 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí giống, nguyên liệu, người trồng nấm thu lời 3 - 4 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa.

Ông Phạm Quốc Hương, Giám đốc DNTN Hương Nam khẳng định: Thời tiết, khí hậu ở Ninh Bình rất thuận lợi cho cây nấm phát triển, có mùa đông lạnh thuận lợi cho các loại nấm mỡ, nấm hương, nấm sò. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã cơ bản làm chủ được công nghệ nhân giống và sản xuất đối với các loại nấm chủ lực; kỹ thuật, công nghệ về nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nấm cũng ngày càng hoàn thiện. Do vậy, hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai của nghề nấm bởi ở trong nước, nhu cầu sử dụng nấm ăn và nấm dược liệu tăng khá nhanh. Nấm hiện nay được coi là “rau sạch”, một dạng thực phẩm chức năng.

Còn những hạn chế

Hiện tại, trồng nấm được coi là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, là động lực mới cho sự phát triển kinh tế nông hộ. Tuy nhiên, thực tế sản xuất hiện nay đang đặt ra một số vấn đề cần giải quyết. Trước hết, việc sản xuất, chế biến nấm ở tỉnh ta mới chỉ ở quy mô nhỏ, phân tán, sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội địa là chính. Toàn tỉnh có khoảng 130.000 m2 lán trại trồng nấm nhưng trong đó chỉ có khoảng 500 hộ có diện tích lán trại kiên cố từ 100 m2 trở lên. Điều này khiến cho việc tạo lập thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Các thương lái rất khó thu gom sản phẩm với số lượng lớn đi tiêu thụ hoặc chế biến.

Bên cạnh đó, trình độ quản lý của các chủ trại trồng nấm và tay nghề của lao động còn hạn chế. Nhiều chủ hộ chưa nắm được nhu cầu thị trường, dẫn đến thụ động trong việc đầu tư để phát triển sản xuất. Ông Trần Văn Tư ở xã Khánh Vân (Yên Khánh), một người đã có nhiều năm gắn bó với nghề trồng nấm chia sẻ: Kỹ thuật của người sản xuất nấm vẫn còn nhiều hạn chế, 10 người làm nấm thì chỉ có 2 người nắm chắc kỹ thuật. Điều này dẫn đến tình trạng khi có những vấn đề phát sinh như thời tiết thay đổi đột ngột, nguồn nước thay đổi… thì không xử lý được, nấm bị nhiễm, thối, thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Vấn đề bảo quản nguyên liệu rơm rạ sau thu hoạch cũng rất cần chú ý vì những năm gần đây, nhu cầu dùng rơm rạ làm chất đốt hay thức ăn cho gia súc không còn nên người dân không phơi rơm rạ cất đi nữa mà vứt bừa bãi ngoài đồng hoặc đốt lấy tro bón ruộng. Khi vào thời điểm trái vụ, người trồng nấm muốn tìm kiếm thu mua nguyên liệu khá khó khăn.

Một hạn chế nữa không thể không nhắc tới là tỉnh ta đang thiếu các chủng loại nấm, sản phẩm hiện nay chủ yếu vẫn là nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ và nấm linh chi, chưa có nhiều sản phẩm cao cấp và cũng chưa có công nghệ chế biến đi kèm và chưa xây dựng được thương hiệu riêng của nấm Ninh Bình.

Cần có chiến lược phát triển bền vững

Thế mạnh của nghề nấm là không những tạo ra sản phẩm hàng hóa có thị trường, có giá trị cao mà còn tận dụng được nguồn nguyên liệu, lao động, đất đai ở nông thôn. Do vậy, thời gian tới để nghề trồng nấm phát triển hiệu quả, bền vững, Ninh Bình cần có những chiến lược cụ thể.

Theo ông Phạm Quốc Hương, Giám đốc DNTN Hương Nam, Chủ tịch Hội ngành nghề nấm Ninh Bình: Để nghề nấm phát triển cần tập hợp các hộ sản xuất nấm lại thành một tổ chức, từ đó xây dựng hệ thống sản xuất nấm theo hướng chuyên môn hóa, tức là cứ khoảng 15 - 20 hộ trồng nấm tập hợp thành một nhóm, trong đó sẽ có một hộ đứng ra chuyên đảm nhận khâu sản xuất bịch, 1 hộ chuyên thu gom tiêu thụ sản phẩm, các hộ còn lại đảm nhận khâu nuôi trồng. Việc nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản xuất nấm cũng là một vấn đề cần quan tâm.

Bởi hiện nay mặc dù nhu cầu về mặt hàng nấm trong các siêu thị, hệ thống bán lẻ là rất lớn nhưng mặt hàng nấm của Ninh Bình chưa có mặt được bởi sản xuất nấm của tỉnh chỉ theo thời vụ, phụ thuộc vào thời tiết, trong khi đó yêu cầu của các siêu thị là mặt hàng phải được cung ứng thường xuyên và ổn định.

Cần có những điểm sản xuất nấm quy mô công nghiệp, công nghệ cao, đầu tư hệ thống máy lạnh, lò sưởi để có lượng nấm tươi ổn định, quanh năm cung ứng cho hệ thống siêu thị. Ông Phạm Quốc Hương đề nghị: Thời gian tới, tỉnh có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất giống nấm, đầu tư xây dựng mô hình bảo quản và chế biến sản phẩm nấm, đồng thời hỗ trợ kinh phí để Doanh nghiệp khảo nghiệm một số dòng, giống nấm mới.

Ông Nguyễn Trọng Ngoan, một hộ trồng nấm ở phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình thì cho rằng: Cần xây dựng hệ thống phân phối tại các chợ, ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm đến các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, đồng thời xây dựng phát triển thương hiệu cho nấm Ninh Bình. Nhiều hộ nông dân mong muốn tỉnh cũng như chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí xây dựng lán trại, tạo điều kiện cho thuê mặt bằng sản xuất cũng như có những ưu đãi về vốn vay.


Có thể bạn quan tâm

Tìm Đột Phá Kinh Tế Hợp Tác Tìm Đột Phá Kinh Tế Hợp Tác

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trong tổ chức lại SX cần đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, hình thức hợp tác liên kết. Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới và phát triển kinh tế tập thể. Song thẳng thắn mà nói, nhìn chung đến nay có thể đánh giá HTXNN hoạt động chưa thực sự sôi động, hiệu quả. Đây là điều trăn trở của mỗi chúng ta.

15/10/2014
Canh Tác Hộ Gia Đình Nuôi Sống Thế Giới, Bảo Vệ Trái Đất Canh Tác Hộ Gia Đình Nuôi Sống Thế Giới, Bảo Vệ Trái Đất

Đó là chủ đề của Ngày lương thực thế giới năm nay. Một thông điệp hết sức có ý nghĩa, tôn vinh giá trị người nông dân SX lúa gạo trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

15/10/2014
Khánh Thành Trung Tâm Phân Phối Nghiên Cứu Ca Cao Khánh Thành Trung Tâm Phân Phối Nghiên Cứu Ca Cao

Trung tâm IDC sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển, sáng tạo những sản phẩm chất lượng trong ngành sôcôla, bánh mì, bánh ngọt cung cấp cho khu vực Đông Nam Á và thế giới. IDC ra đời sẽ đem lại lợi ích thiết thực đảm bảo nguồn thu nhập tốt cho nông dân trồng ca cao.

15/10/2014
Đưa Nông Sản Sang Nga Chăn Nuôi Vắt Chân Đón Cơ Hội Đưa Nông Sản Sang Nga Chăn Nuôi Vắt Chân Đón Cơ Hội

Theo Bộ NN-PTNT, sau khi dừng NK nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi từ Mỹ và EU và Canada, Nga đang chuyển hướng mở cửa NK nông sản từ một số thị trường khác, trong đó có Việt Nam (VN). Đây là cơ hội lớn cho XK nông sản nước ta, đặc biệt với ngành chăn nuôi vốn đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ.

15/10/2014
Liên Kết Tiêu Thụ Lúa Liên Kết Tiêu Thụ Lúa

Mối liên kết SX, tiêu thụ lúa hàng hóa giữa DNTN Thành Khiêm (TP Rạch Giá, Kiên Giang) và HTX Nông nghiệp 41 (xã Phi Thông, TP Rạch Giá) đến nay đã được hơn 5 năm và diện tích ngày càng mở rộng. Mối liên kết này bắt đầu được thực hiện từ vụ ĐX 2008-2009, với diện tích thí điểm ban đầu là 10 ha, với 7 xã viên tham gia.

15/10/2014