Tiêu Thụ Sản Phẩm Khâu Quan Trọng Trong Liên Kết 4 Nhà
Những năm gần đây, việc thực hiện liên kết “4 nhà” (Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp) đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta.
Hơn 3.000 ha lúa được sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, có sự liên kết 4 nhà; hơn 1.000 ha rau quả trồng tập trung được liên kết sản xuất... Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ mới dừng lại ở việc cung ứng vật tư đầu vào, chưa thực sự chú trọng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp có sự liên kết đầy đủ của 4 nhà, như: Chương trình xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao được ngành nông nghiệp và nhiều địa phương tập trung triển khai thực hiện từ năm 2009, nông dân hồ hởi tham gia.
Kết quả là, sau 5 năm thực hiện (2009-2013), tại 13 huyện, thành phố trong tỉnh đã xây dựng được vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, với tổng diện tích 53.987,8 ha.
Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn đã cung ứng sản phẩm đầu vào theo hình thức ứng trước cho bà con nông dân, như: các giống lúa bảo đảm chất lượng theo cơ cấu của tỉnh, phân bón, thuốc trừ sâu... đồng thời, phối hợp với các cán bộ nông nghiệp hướng dẫn quy trình kỹ thuật để bà con nông dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất.
Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) được đầu tư với quy trình sản xuất và kiểm định thực hiện nghiêm ngặt, chất lượng sản phẩm được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Song, chỉ vì thiếu bàn tay của doanh nghiệp, nên sản phẩm chưa có cơ hội vươn xa.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề liên kết trong sản xuất, nhiều người dân bày tỏ: Những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bà con nông dân được tiếp cận với tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp; bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng ứng trước các sản phẩm đầu vào, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, năng suất cây trồng ngày càng nâng cao.
Tuy nhiên, điều mà bà con nông dân luôn trăn trở đó là đầu ra cho sản phẩm, bởi hầu hết các sản phẩm làm ra đều được nông dân bán cho các thương lái, nên không thể tránh khỏi tình trạng bị ép giá.
Nói về liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp, đồng chí Mai Bá Luyến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay của việc thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp là thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.
Sự liên kết trên địa bàn tỉnh chủ yếu dừng ở liên kết đôi giữa Nhà nước và nhà nông trong việc tạo quỹ đất, mặt bằng, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, còn doanh nghiệp tham gia thì rất hạn chế, có chăng chỉ tham gia vào khâu cung ứng sản phẩm vật tư đầu vào để thu lợi, còn lại khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thì chưa được quan tâm.
Bên cạnh đó, bất lợi về nhận thức từ phía người dân cũng đang là rào cản trong quá trình thực hiện liên kết, khi đã có những mô hình doanh nghiệp đứng ra đầu tư đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm cho nông dân, thế nhưng có không ít trường hợp khi tiêu thụ sản phẩm được thương lái bên ngoài trả giá cao hơn đã không ngần ngại tự ý phá hợp đồng với doanh nghiệp khiến họ mất niềm tin, ngần ngại khi muốn tiếp tục đầu tư sản xuất.
Trở lại câu chuyện về liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp, nhìn từ thực tế chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đa phần các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết hiện nay đều đang vắng bóng doanh nghiệp, hoặc nếu có thì vẫn chưa làm tròn vai trò, khi các doanh nghiệp chỉ chú trọng cung ứng vật tư đầu vào mà không quan tâm đến đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, trong khi việc tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng trong quá trình liên kết.
Từ những khó khăn đó, thiết nghĩ, để thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết 4 nhà, tỉnh cần có cơ chế, chính sách phù hợp; cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền để bà con nông dân tuân thủ quy định trong quá trình thực hiện liên kết.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang do hạn hán thành vùng sản xuất cây dược liệu
Hiếu nảy ý định tạo ra các sản phẩm khác như cao nấm linh chi đỏ hay linh chi hòa tan. Đây là các sản phẩm được bổ sung thêm các loại thảo dược khác
Hiện tại, mỗi tháng anh Giàu cung cấp trên 10.000 túi phôi và hàng trăm kg nấm tươi với giá 35.000 đồng/kg. Nấm bào ngư xám là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng
Sau nhiều năm độc canh cây mía, ông Phương đã thay đổi tư duy, chuyển sang mô hình đa canh gồm mía, bưởi, dừa, kết hợp với nuôi ong.
Thời gian gần đây, một bộ phận nông dân đã chuyển hướng sang đầu tư chăn nuôi các loại con đặc sản, nhờ đó luôn giữ được giá bán cao, thu nhập ổn định