Tiêu Thụ Rau An Toàn Cung Chưa Gặp Cầu
Không phải đến bây giờ, câu chuyện về rau an toàn mới được người tiêu dùng và các ngành chức năng quan tâm. Cách đây cả chục năm, hàng loạt dự án rau an toàn với quy mô lớn nhỏ được xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhưng rồi phần nhiều trong số đó đều gặp những vấn đề nan giải từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Sản xuất rau an toàn không khó
Năm 2010, sau nhiều tính toán kỹ lưỡng, dự án rau an toàn Hòa Đình, phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) ra đời trong niềm hy vọng của đội ngũ làm nông nghiệp và khoa học tỉnh. Là người trăn trở với vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, đơn vị chủ nhiệm đề tài cho biết: “Do nhiều yếu tố, người dân đang mất niềm tin vào nguồn thực phẩm bị nhiễm độc tràn lan. Trong khi, sản xuất rau an toàn không khó, chỉ cần thực hiện đúng quy trình là làm được. Vì thế, dự án được triển khai với mong muốn đáp ứng nhu cầu cấp thiết về sử dụng thực phẩm sạch cho người dân”
Mô hình điểm này được xây dựng trên diện tích hơn 20 ha tại làng rau Hòa Đình - địa phương có truyền thống trồng rau lâu đời, với kinh nghiệm sẵn có và nguồn tiêu thụ ổn định. Một HTX được thành lập để đứng ra làm nơi kiểm soát cũng như thu mua rau cho nông dân. Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa vào quy trình sản xuất rau chặt chẽ, với các khu nhà lưới hiện đại được trang bị hệ thống phun nước tự động. Đồng thời, nhiều kỹ sư của Trung ương và tỉnh đã về sát cánh cùng từng hộ để hướng dẫn chi tiết cho nông dân.
Tất cả các khâu từ làm giống, phun thuốc bảo vệ thực vật theo thời gian sinh trưởng, các loại chế phẩm sinh học để bón cây… đều được ghi vào nhật ký sản xuất. Sau khi thành phẩm, rau được đóng gói, dám tem, nhãn mác để đưa ra cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, HTX cũng lập một website riêng để quảng bá sản phẩm, cũng như thông tin chi tiết về từng hộ tham gia sản xuất rau an toàn.
Thế nhưng sau khi được giới thiệu ở hai cửa hàng, một tại chợ Hòa Đình và một tại chợ Suối Hoa, rau cứ ế ẩm không bán được. Người nông dân vốn dĩ không kiên trì và họ cũng không có khả năng kiên trì để chờ đến lúc bán rau có lãi, nên đã nhanh chóng bỏ quy trình này quay về lối canh tác cũ.
Rau an toàn chưa tiếp cận được người tiêu dùng
Phân tích về vấn đề này, ông Tân cho biết, có hai lý do cơ bản khiến người tiêu dùng vẫn còn thờ ơ với rau an toàn đó là giá thành và hình thức. Vì sử dụng các loại chế phẩm sinh học, chi phí sản xuất rau an toàn tốn kém hơn so với trồng rau theo hình thức thông thường.
Do đó, giá bán sản phẩm rau an toàn cao hơn trong khi mã hàng lại không được đẹp bằng rau trôi nổi bán ở các chợ. Mặt khác, người tiêu dùng hiện nay chưa biết cách nhận diện đâu là rau an toàn, đâu là rau không đảm bảo. Quan sát bàng mắt thường tất nhiên ai cũng chọn những mớ ngon, mớ đẹp. Vì vậy, lượng tiêu thụ rau an toàn ở 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm rất thấp.
Về phía người tiêu dùng, trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nguyệt, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh bày tỏ nỗi băn khoăn: “Mỗi lần đi chợ tôi rất đau đầu, nhìn những mớ rau non mơn mởn là biết sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, vậy nhưng vẫn phải “nhắm mắt” làm ngơ, vì không mua không biết ăn cái gì nữa. Muốn mua rau sạch mà tôi không biết mua ở đâu”.
Nghịch lý trên đã diễn ra trong nhiều năm, người mua có nhu cầu cấp thiết, người bán có năng lực sản xuất, nhưng việc kết nối cung - cầu trong vấn đề rau an toàn vẫn còn là bài toán khó giải. Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Hoà Đình cũng chia sẻ: “Mặc dù hiện nay, đã có một số bếp ăn tập thể đặt hàng rau an toàn của chúng tôi, nhưng để cấp chứng nhận rau an toàn cho mỗi hộ vẫn còn nan giải. Bởi việc quản lý sản xuất rau an toàn là rất khó.
Thực tế, dự án rau an toàn do Sở Khoa học và Công nghệ được triển khai trên phần đất của các hộ nông dân, HTX không thể yêu cầu họ tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình đã đặt ra. Chưa kể, chi phí phân tích các mẫu để đưa ra kết luận rau an toàn cho mỗi ruộng, mỗi lứa rất tốn kém. Vì vậy, chúng tôi chưa dám nhận đơn hàng, và nông dân vẫn tiếp tục sản xuất theo cách thủ công, mạnh ai nấy làm”.
Hiện nay, bản thân ông Hiện và HTX rau an toàn Hoà Đình rất mong muốn tiếp tục thực hiện dự án này. Vì vậy, ông Hiện cho rằng, cần có chính sách tạo điều kiện cho HTX hoặc doanh nghiệp đứng ra thuê đất, thuê nhân công để sản xuất rau theo sự quản lý chặt chẽ. Có như vậy, rau an toàn mới được cam kết chất lượng, từ đó, có cơ hội đến gần hơn với thị trường, giải toả phần nào “cơn khát” thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Anh Dũng, một trong những thương lái mua cá điêu hồng có quy mô tương đối lớn ở phường 2, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, giá cá điêu hồng mua tại bè hiện dao động từ 38.000 - 39.000 đồng/kg, thậm chí loại cá cỡ lớn (từ 1 kg/con trở lên) ở mức 40.000 - 41.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh văn Hổ, nông dân ấp Mỹ Long, xã Mỹ An huyện Chợ Mới (An Giang), những năm gần đây khá lên nhờ áp dụng mô hình trồng bắp, nuôi bò và sử dụng phân bò làm khí đốt biogas. Đây là mô hình đang được ngành nông nghiệp huyện Chợ Mới khuyến cáo nông dân áp dụng rộng rãi nhằm tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, mặt khác vừa cải thiện môi trường, tiết kiệm chi phí nhiên liệu nấu ăn, sinh hoạt hằng ngày.
“Chuyển giao kỹ thuật nuôi thâm canh bò giai đoạn bú sữa và sau cai sữa” là mô hình nằm trong phạm vi hợp phần Dự án cạnh tranh nông nghiệp Gia Lai. Sau 6 tháng triển khai tại xã Kông Yang (huyện Kông Chro - Gia Lai), dự án đã kết thúc và cho thấy những kết quả khá tích cực.
UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt quyết định hỗ trợ đầu tư cho nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập và đạt mục tiêu xây dựng 60.000 ha vùng lúa chất lượng cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai chương trình hỗ trợ hơn 12 tỉ đồng cho nông dân trong tỉnh trồng lúa chất lượng cao và sản xuất lúa giống nguyên chủng, giống xác nhận trong vụ hè thu 2013 theo quyết định này.
Sáng 22-5, ông Bùi Thế Sinh – Chủ tịch UBND xã Đa Lộc (Hậu Lộc – Thanh Hóa) cho biết, còn hàng nghìn tấn ngao (nghêu) đã đến vụ thu hoạch đang bị ứ đọng, không có thương lái thu mua.