Tiết kiệm phân bón nhờ bản đồ dinh dưỡng đất
Từ bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất của vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai, đã giúp nông dân sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, giúp giảm giá thành.
Các mẫu đất được phân tích các chỉ tiêu pH, dung tích hấp thu, độ mùn, lân hữu hiệu, kali hữu hiệu và các chỉ tiêu khác. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Dày công lập bản đồ
Sau 10 năm liên tục lấy mẫu đất trên vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai để phân tích, lập bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất, cuối năm 2020, Công ty Phân bón Việt - Nhật (JVF) đã bàn giao bản đồ hiện trạng đất của vùng nguyên liệu mía lớn nhất nước cho Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS).
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê, JVF và QNS đã phối hợp thu thập các mẫu đất ở các vị trí khác nhau trên toàn vùng nguyên liệu thuộc 4 huyện, thị Đông Gia Lai, gồm: KBang, An Khê, Đăk Pơ, Kông Chro. Mẫu đất được định vị bằng tọa độ GPS và được lấy trên mỗi ruộng mía có diện tích lớn hơn 1ha.
Mẫu đất được lấy trên mỗi ruộng có diện tích lớn hơn 1 ha. Tại mỗi ruộng, mẫu đất được lấy từ 3 - 5 hố phân bố theo đường chéo để đảm bảo tính đại diện của mẫu. Tại mỗi hố, đất được lấy ở hai tầng có độ sâu từ 0 - 15cm và 15 - 30cm theo phương thẳng đứng. Đất ở các hố ứng với mỗi tầng được trộn đều rồi trích lấy khoảng 1kg đất mỗi tầng, đóng gói và ghi nhãn để có được mẫu đất ở hai tầng khác nhau tại mỗi ruộng.
Sau khi thu thập mẫu đất, cán bộ kỹ thuật của JVF đã sử dụng 205 mẫu đất trải dài trên 39 phường, xã trong 4 huyện, thị Đông Gia Lai với diện tích 81.064 ha, trong đó, diện tích vùng nguyên liệu mía của QNS khoảng 30.000 ha.
Các mẫu được loại bỏ rễ, đá sỏi và sấy khô với nhiệt độ rất thấp trong 48 giờ. Mẫu đất được nghiền mịn và sàng trên rây có kích thước lỗ 1mm. Các mẫu đất được phân tích các chỉ tiêu pH, dung tích hấp thu, độ mùn, lân hữu hiệu, kali hữu hiệu và các chỉ tiêu khác.
Nhận biết dinh dưỡng của đất
Từ bản đồ hiện trạng này, Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai), đơn vị trực thuộc QNS đã có định hướng cho nông dân sản xuất mía trên địa bàn vùng nguyên mía nằm trên 4 huyện, thị Đông Gia Lai, gồm: KBang, An Khê, Đăk Pơ, Kông Chro sử dụng phân bón hợp lý để phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong bối cảnh giá phân bón tăng đột biến như hiện nay, giải pháp này đang giúp nông dân trồng mía trong vùng nguyên liệu mía lớn nhất nước yên tâm sản xuất.
Căn cứ vào hiện trạng dinh dưỡng đất đã phân tích cho thấy, đa lượng là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho cây mía, giúp đảm bảo được năng suất cũng như chất lượng vùng nguyên liệu. Các yếu tố dinh dưỡng đa lượng cần được cung cấp đúng liều lượng, đúng tỉ lệ thông qua các đợt bón phân tương ứng theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây mía.
Về thành phần lân, hầu hết các diện tích đất trong vùng nguyên liệu ở mức đáp ứng đủ nhu cầu cho cây mía, nhưng thực tế cây mía không thể hấp thụ hết 100% lượng lân hiện có, mà cần phải duy trì lượng phân bón thường xuyên để đảm bảo độ phì của đất, cũng như duy trì năng suất và hạn chế thoái hóa đất.
Về thành phần kali, hầu hết đất trồng mía trong vùng nguyên liệu có hàm lượng kali hữu hiệu ở mức thấp, do đó, nông dân cần bón phân với tỉ lệ kali cao ngay ở các đợt bón đầu. Với đặc tính đất có dung tích hấp thu thấp, khả năng giữ dinh dưỡng không cao, dinh dưỡng dễ bị thất thoát, do đó cần bón phân 3 đợt, để vừa tiết kiệm phân bón vừa tăng hiệu quả sử dụng.
Về đạm, hàm lượng đạm tỷ lệ với hàm lượng mùn trong đất, đất có hàm lượng mùn cao thì dinh dưỡng đạm cao và ngược lại. Đồng thời trong đất, đạm là yếu tố dinh dưỡng biến động lớn. Trong canh tác nông nghiệp nói chung và canh tác mía nói riêng, bón đạm thường được căn cứ theo nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, năng suất của cây và hàm lượng mùn của đất.
Cho đất “ăn” lá mía để bổ sung dinh dưỡng
Trên cơ sở hiện trạng năng suất, nhu cầu dinh dưỡng của cây mía và hiện trạng dinh dưỡng trong đất, JVF đưa ra khuyến cáo nông dân trồng mía sử dụng lượng phân bón cho cây mía vụ gốc cần nhiều hơn vụ tơ khoảng 10 - 15%.
Căn cứ trên bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất, lượng phân bón cho mía trồng ở huyện Kông Chro và 1 phần ở huyện Đăk Pơ có thể áp dụng là 800 kg/ha, trong đó đợt bón lót NPK Việt Nhật 15-15-15+TE (Chitosan) là 400 kg/ha; đợt bón thúc NPK 17-6-17+10S+TE (Chitosan) là 400 kg/ha; các vùng khác cần duy trì lượng bón 1.000 kg/ha để đảm bảo cải thiện được năng suất và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Thêm vào đó, việc sử dụng các sản phẩm có bổ sung hoạt chất Chitosan giúp tăng tính chịu hạn, kháng bệnh cho cây mía trong suốt thời gian sinh trưởng và phát triển.
Về độ chua, phần lớn đất ở vùng nguyên liệu Đông Gia Lai đang ở mức chua đến chua vừa, nông dân cần lưu ý bón bổ sung vôi nhằm nâng độ pH tới ngưỡng tối ưu cho cây mía sinh trưởng và phát triển. Đây cũng là giải pháp góp phần cung cấp thêm dinh dưỡng trung lượng cho cây mía, giúp cải tạo kết cấu đất, hạn chế vi khuẩn, nấm bệnh gây hại và tăng cường hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất.
Đối với những vùng có pH ở mức thấp hơn 5,5 cần áp dụng lượng vôi từ 1.000 kg/ha/vụ, các vùng đất có độ pH cao hơn có thể áp dụng lượng vôi từ 500 - 800 kg/ha/vụ.
Về độ mùn, chất hữu cơ trong đất có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và cung cấp dinh dưỡng cho cây mía, đồng thời góp phần cải thiện tính chất lý, hóa, sinh học cho đất và cũng là một yếu tố quan trọng quyết định độ phì nhiêu của đất. Một biện pháp rất hiệu quả và rẻ tiền, dễ áp dụng có thể duy trì và cải thiện độ mùn của đất, đó là giữ lại lá mía và phụ phẩm sau thu hoạch, băm, cày rồi vùi lá mía vào trong đất.
Giải pháp trên cũng là cách trả lại nguồn hữu cơ và dinh dưỡng mà cây mía đã lấy đi từ đất trong quá trình sinh trưởng, phát triển. Việc giữ lại lá mía sau thu hoạch che phủ cho ruộng mía cũng góp phần hạn chế bốc hơi nước, giữ lại độ ẩm cho đất trong mùa khô hạn.
Thêm vào đó, phương pháp vùi phụ phẩm mía thành một lớp che phủ trên luống, sau đó vùi vào đất khi vun gốc mía có tác dụng làm tăng khả năng hút dinh dưỡng của mía, tăng khả năng giữ nước của đất, hạn chế cỏ dại, nâng cao độ phì nhiêu cho đất, tăng năng suất mía, năng suất đường so với không áp dụng giải pháp tủ lá. Ngoài ra, cần kết hợp sử dụng bã bùn với lượng từ 20 - 30 tấn/ha/vụ hoặc các sản phẩm hữu cơ khác.
“Từ bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất của vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai, Công ty Phân bón Việt - Nhật sản xuất phân bón với công thức phù hợp với thổ nhưỡng của vùng nguyên liệu.
Bản đồ hiện trạng dinh dưỡng cho biết vùng đất nào thiếu chất gì thì trong quá trình canh tác nông dân bón bổ sung chất ấy. Liều lượng phân bón sử dụng phù hợp, không cho thừa cũng không để thiếu, chỉ đáp ứng đầy đủ cho cây trồng.
Giải pháp nói trên giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí bón phân cho cây mía, nhất là trong bối cảnh phân bón tăng giá như hiện nay”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Giống sắn STB1 năng suất đạt 35,8 tấn/ha, cao hơn 7,4 tấn so với giống đối chứng KM94, lợi nhuận đạt 29,37 triệu đồng, cao hơn giống đối chứng 11,5 triệu đồng
Thiết bị do nhóm nghiên cứu Trường ĐH Trà Vinh chế tạo xác định dừa sáp hay dừa thường với xác suất 95%, xác định tỷ lệ sáp đặc, lỏng với xác suất 80%.
Dự án SIPA giúp nông hộ nhỏ, dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế thông qua mô hình thích ứng dựa vào hệ sinh thái, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu